“DN mong Chính phủ giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở cơ hội từ FTA”
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 12:35, 22/12/2020
Vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế
Tại Diễn đàn Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cuối kỳ 2020 với chủ đề “Thách thức và Cơ hội trong trạng thái bình thường mới” ngày 22.12, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay, năm 2020 được xem là một năm của những khó khăn và thách thức lớn mà tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam do phải đối mặt với sự bùng phát của dịch COVID-19.
Tuy nhiên, với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả trong việc thực hiện mục tiêu kép phục hồi và phát triển kinh tế, đồng thời kiểm soát dịch bệnh, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả tích cực với việc duy trì được tăng trưởng GDP, dự kiến năm 2020 đạt 2,5-3%.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 – 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm.
“Trong các kết quả nêu trên có sự đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Sự tin tưởng và chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp đã bổ sung thêm động lực để Chính phủ Việt Nam quyết tâm và điều hành linh hoạt để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đã đề ra”, ông Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, bước vào năm 2021, năm đầu tiên thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, Việt Nam đang hướng đến các mục tiêu, cụ thể là tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội.
Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đẩy nhanh chuyển đổi số và phát triển nền kinh tế số, xây dựng xã hội số. Chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển. Đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Cần tháo gỡ ngay các nút thắt cản trở DN
Theo Chủ tịch Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc, cộng đồng doanh nghiệp cũng mong Chính phủ có các biện pháp cụ thể và nhanh chóng để giải quyết ngay các nút thắt đang cản trở doanh nghiệp tận dụng các cơ hội hội nhập từ các FTA nói chung và từ EVFTA nói riêng để phục hồi từ những tác động tiêu cực do dịch COVID-19 gây ra và tiếp tục phát triển.
Cụ thể, về nguồn nhân lực, đề nghị Chính phủ xây dựng và thực hiện các Chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên sâu, bài bản trong những ngành công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cần thiết nhất hiện nay.
“Chúng ta phải có các chương trình đào tạo kỹ năng cụ thể, cho từng ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp kỹ thuật phụ trợ cụ thể thuộc các chuỗi giá trị trọng điểm, và nằm trong chiến lược cụ thể thu hút các chuỗi FDI”, ông Lộc nói.
Cùng với đó, theo ông Lộc, cần thực hiện một nghiên cứu dự báo khoa học và hiệu quả về thị trường lao động việc làm trong 5-10 năm tới.
Nghiên cứu phải trả lời được câu hỏi ngành nào, lĩnh vực nào sẽ phát triển và cần những lao động như thế nào trong thời gian tới. Từ đây, các chiến lược về đào tạo nhân lực (tại các cơ sở đào tạo đại học, trường dạy nghề….) sẽ có cơ sở để xây dựng và triển khai hiệu quả.
Về cơ sở hạ tầng, VCCI và cộng đồng doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ triển khai hiệu quả Luật PPP và Luật Đầu tư công với ưu tiên cho lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông và các dự án đang triển khai dở dang; triển khai ngay một nghiên cứu nhận diện các đường giao thông (đường bộ, thủy, sắt) cần thiết kết nối các khu vực sản xuất trọng điểm (nông nghiệp, công nghiệp) đến các cửa khẩu quốc tế.
Trên cơ sở đó có chương trình đầu tư phát triển, nâng cấp các hệ thống được nhận diện này. Ở các cửa khẩu quốc tế trọng điểm, đầu tư hoặc kêu gọi đầu tư phát triển, nâng cấp hệ thống logistics cần thiết, đặc biệt đối với các cửa khẩu đầu mối cho các hàng hóa đặc thù (dễ bị hư hỏng, cần bảo quản đặc biệt…).
Cùng với đó, để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi và phát triển trong thời gian tới, cộng đồng doanh nghiệp đang kỳ vọng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, với trọng tâm là cải cách về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Điều tra thường niên 10.000 doanh nghiệp tại 63 tỉnh, thành phố của VCCI năm vừa qua cho thấy tỷ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép giảm còn 35%, từ con số từ 42% của năm 2018. Tuy nhiên, 35% doanh nghiệp gặp khó khăn khi xin giấy phép kinh doanh có điều kiện vẫn là con số tương đối lớn.
Chủ tịch VCCI cho rằn cần tiếp tục giảm thiểu gánh nặng thanh, kiểm tra doanh nghiệp, theo hướng áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro trong thực hiện thanh tra kiểm tra. Cải cách mạnh mẽ hơn về kiểm tra chuyên ngành; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, giảm thiểu sự chồng chéo trùng lặp trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành.
VCCI cũng cho rằng Chính phủ cần giải quyết các chồng chéo và thiếu rõ ràng trong hệ thống pháp luật kinh doanh.
Theo ông Lộc, trong thời gian qua, VCCI đã nhận được rất nhiều kiến nghị về các vướng mắc bất cập từ doanh nghiệp, hiệp hội, chính quyền địa phương về các quy định chồng chéo, mâu thuẫn trong pháp luật kinh doanh đang gây khó cho doanh nghiệp và đã báo cáo lên Quốc hội và Chính phủ.