Thiên tai, đại dịch phủ gam màu xám lên bức tranh 2020

Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:25, 22/12/2020

Thiên tai, dịch bệnh quy mô lớn càn quét năm 2020 như đại dịch COVID-19, lũ lụt, sạt lở miền Trung… là những sự kiện nổi bật nhất trong năm 2020.

Trận mưa đá, giông lốc dữ dội ở nhiều tỉnh phía bắc từ đêm đầu năm đã khiến nhiều người Việt Nam lo lắng một năm 2020 nhiều biến động. Thật vậy, năm 2020 đã trôi đi với hàng loạt sự kiện dữ dội với quy mô thuộc dạng lớn nhất trong lịch sử.

Tạp chí Một Thế Giới điểm qua một số sự kiện đáng chú ý nhất trong nước năm qua

Đại dịch COVID-19

Năm 2020, thế giới “bàng hoàng” bởi cú sốc đại dịch COVID-19 với tác động sâu rộng trên bình diện toàn cầu. Tính đến ngày 15.12.2020, thế giới đã vượt qua con số 73 triệu ca nhiễm và đại dịch này đã cướp đi sinh mạng của 1,6 triệu người tại 235 quốc gia, vùng lãnh thổ.

covid-19.jpg
Đại dịch COVID-19 khiến hàng triệu người thiệt mạng trên thế giới

Khi ca nhiễm COVID-19 phát hiện đầu tiên tại Việt Nam vào ngày 23.1.2020, Chính phủ đã hành động nhanh chóng và quyết liệt để khống chế dịch.

Cùng với các biện pháp y tế, nhiều biện pháp mạnh đã được áp dụng như: kiểm soát chặt chẽ biên giới, hạn chế các đường bay quốc tế và một số đường bay trong nước, áp dụng giãn cách xã hội nghiêm ngặt vào tháng 3-4.2020…

Khi làn sóng COVID-19 thứ 2 bất ngờ trở lại vào ngày 25.7.2020, Chính phủ đã áp dụng các biện pháp khống chế dịch theo mức độ rủi ro với sự phối hợp hiệu quả, chặt chẽ hơn giữa các ngành và các cấp. Sau đó, dịch lại khởi phát từ nam tiếp viên hàng không ở TP.HCM, nhưng Việt Nam đã chặn đứng được đợt dịch này, không để bùng phát thành làn sóng thứ 3.

Tính tới ngày 15.12.2020, Việt Nam chỉ có 1.402 ca nhiễm, với 35 người tử vong.

Những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Việt Nam. Theo Báo cáo Tình hình kinh tế xã hội quý 3 và 9 tháng năm 2020 của Tổng cục Thống kê, GDP 9 tháng năm 2020 tăng 2,12% là mức tăng thấp nhất của 9 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020.

Trong 11 tháng có gần 93,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước; hàng chục triệu lao động bị ảnh hưởng…

Dù vậy, những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 tại Việt Nam đã được hạn chế một cách đáng kể so với nhiều quốc gia khác trên thế giới, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được con số tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2020 ở mức 2,12% - là một trong số hiếm hoi các nước có mức tăng trưởng dương trên thế giới.

Lũ lụt, sạt lở đất miền Trung

Năm qua, miền Trung Việt Nam đã phải hứng chịu hàng chục cơn bão nhiệt đới liên tiếp, gây ra tình trạng lũ lụt và sạt lở đất tồi tệ nhất trong 100 năm trở lại đây.

Trong báo cáo Quốc hội về tình hình phòng, chống thiên tai, bão lũ ở các tỉnh miền Trung, chính phủ cho biết bão lũ ở miền Trung đã gây thiệt hại về kinh tế khoảng 17.000 tỉ đồng, làm 235 người chết và mất tích, hơn 200.000 ngôi nhà bị hư hỏng, chưa kể nhiều cơ sở hạ tầng và hàng trăm km đê điều, kênh mương, bờ sông, bờ biển bị hư hỏng, sạt lở…

sat-lo.jpg
Sạt lở đất nghiêm trọng tại miền Trung

Đi liền với bão lũ, tình trạng sạt lở đất ở miền Trung năm qua diễn ra với quy mô mạnh mẽ hơn, khiến nhiều người dân và lực lượng vũ trang thiệt mạng, điển hình là ở các khu vực như ở khu kiểm lâm 67 Phong Điền, Cha Lo, Minh Hóa; khu vực Binh đoàn 337 Hướng Hóa, Trà Leng, Trà Vân, Nam Trà My, Quảng Nam; Phước Lộc, Phước Sơn; vùng sạt lở Rào Trăng 3)…

Không chỉ ở miền Trung, ngay từ đầu năm, giông, lốc, mưa đá, lũ quét, sạt lở đất xảy ra nghiêm trọng tại các tỉnh miền núi phía bắc, nhất là Hà Giang. Còn các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn diễn ra khốc liệt, trên diện rộng.

Cũng trong năm này, nhiều cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp... đã có những chiến dịch quyên góp quy mô lớn ủng hộ người dân miền Trung vượt qua thiên tai.

Đại hội Đảng bộ các cấp

Năm 2020, Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần 13 của Đảng là sự kiện chính trị có ý nghĩa trọng đại trên phạm vi cả nước.

Theo đó, đại hội đảng bộ cơ sở sẽ diễn ra từ tháng 4 và hoàn thành trước 30/6; đại hội đảng bộ cấp huyện và tương đương sẽ hoàn thành trước 31.7; Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành trước 31.10.2020. Đại hội cũng thông qua các nghị quyết quan trọng và bầu nhân sự tham gia vào cấp ủy khóa mới.

hoi-nghi.jpg
Hội nghị Trung ương 14 diễn ra thành công

Bên cạnh đó, Hội nghị Trung ương 14 vừa qua là một trong những hội nghị cuối cùng của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá 12. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu các cán bộ Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 12 tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13 và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu các Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa 13.

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Ban Chấp hành Trung ương giao cho Bộ Chính trị và Tiểu ban Nhân sự tiếp tục xem xét, bổ sung, hoàn thiện các phương án nhân sự theo đúng Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khoá 13 và quy trình công tác nhân sự đã đề ra để báo cáo Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định tại Hội nghị Trung ương 15 sắp tới.

Hội nghị cấp cao ASEAN 37

Năm qua, Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan đã kết thúc thành công sau 4 ngày làm việc. Lễ bế mạc và chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei, hơn 20 phiên họp cấp cao, có trên 80 văn kiện đã được thông qua - khối lượng sự kiện và văn kiện lớn nhất từ trước đến nay.

37.jpg
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 và các hội nghị cấp cao liên quan

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ chủ trì Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Trung Quốc lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Nhật Bản lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Hàn Quốc lần thứ 21, Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 17, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Liên Hợp quốc lần thứ 11, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ lần thứ 8, Hội nghị Cấp cao ASEAN - Australia lần thứ 2, Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN - New Zealand, Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 23, Hội nghị Cấp cao Đông Á lần thứ 15, Hội nghị Cấp cao các nước tham gia đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hội nghị Thượng đỉnh các nhà Lãnh đạo nữ ASEAN.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ chủ trì các Hội nghị Cấp cao Mê Công-Nhật Bản lần thứ 12 và Hội nghị Cấp cao Mê Công - Hàn Quốc lần thứ 2.

Những sáng kiến của Việt Nam như: Quỹ ASEAN ứng phó dịch, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp khu vực hay Trung tâm ASEAN ứng phó với các tình huống y tế công cộng khẩn cấp và dịch bệnh mới nổi đều được các nước hưởng ứng và đóng góp rất nhiệt tình.

Việt Nam thử nghiệm vắc xin COVID-19 trên người

Khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người. Cụ thể, chương trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Nano Covax trên người chính thức diễn ra vào ngày 10.12 tại Học viện Quân y với 3 tình nguyện viên.

Vắc xin Nano Covax là vắc xin tái tổ hợp protein S, là đoạn gai của virus SARS-CoV-2, với 4 loại liều lượng 25 mcg, 50mcg, 75mcg, 100mcg. Qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ, kết quả cho thấy vắc xin đảm bảo về an toàn.

vac-xin.png
Việt Nam thử nghiệm vắc - xin trên người

Điểm mạnh của vắc xin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắc xin của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản đến nhiệt độ âm 75 độ, khó khăn trong việc vận chuyển.

Tuy nhiên, theo Nanogen, thời điểm mà Việt Nam bắt tay nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19 không muộn hơn so với nhiều nước, nhưng lại "về đích" muộn hơn bởi nhiều nguyên nhân khách quan.

Cụ thể, Việt Nam không có nhiều ca nhiễm COVID-19 để lấy mẫu làm ảnh hưởng đến quá trình thử nghiệm, không có phòng thí nghiệm đủ lớn với các công nghệ hiện đại để thử nghiệm vắc xin trên động vật, chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng pha 1 để tham khảo và cuối cùng là chưa có các quy định cụ thể về quy trình thủ tục hướng dẫn sản xuất, đăng ký sử dụng vắc xin COVID-19.

Ngoài những sự kiện trên, trong năm 2020, nhiều sự kiện đã ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của Việt Nam.

Ví dụ như Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) giữa giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Trên cơ sở đó, Chính phủ đã nhanh chóng xây dựng và ban hành một số văn bản hướng dẫn thực hiện EVFTA, đã mở ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường đầy tiềm năng này.

Ngày 11.12.2020, Việt Nam và Vương quốc Anh đã ký biên bản ghi nhớ kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA). Trước đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được ký kết vào ngày 15.11.2020….

Quốc hội cũng đã thông qua một số luật quan trọng, theo hướng thông thoáng hơn, như Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật Xây dựng sửa đổi, Luật Đầu tư theo hình thức dối tác công tư; thành lập TP Thủ Đức, Thành phố Phú Quốc...

Ngay từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 02 về tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực kinh doanh với nhiều giải pháp cụ thể…

Đặc biệt vào tháng 5.2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68 về cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 - 2025, với mục tiêu rất cụ thể: giảm 20% số quy định và 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Cũng trong năm qua, cơ quan chức năng đã điều tra, truy tố, hoặc xử lý kỷ luật hàng loạt quan chức cấp cao như ông Nguyễn Đức Chung, cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Tất Thành Cang, cựu Phó bí thư TP.HCM, ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa, cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương…

Lam Thanh