10 sự kiện nổi bật trên thế giới năm 2020
Quốc tế - Ngày đăng : 16:40, 22/12/2020
1/ COVID-19 khiến hàng triệu người thiệt mạng, kinh tế thế giới đình trệ
COVID-19 được xác định là xuất hiện tại Trung Quốc từ hồi cuối 2019 nhưng thực sự bùng phát trên khắp thế giới vào 2020. Vào thời điểm này, đại dịch vẫn hoành hành dữ dội với 77 triệu người nhiễm và 1,7 triệu người tử vong.
Không chỉ gieo rắc bệnh dịch mà COVID-19 còn tạo ra những hiệu ứng phụ khủng khiếp. Các quốc gia phải áp dụng việc đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại dẫn đến đình đốn mọi hoạt động xã hội, đặc biệt là kinh tế. Rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa do nhu cầu của thị trường rơi tự do, đẩy hàng trăm triệu người thất nghiệp và cuộc sống hàng tỷ người rơi vào hoàn cảnh bấp bênh. IMF thống kê kinh tế thế giới suy thoái đến 4,4% và cần nhiều thời gian để hồi phục.
Vào cuối 2020, đã có nhiều tổ chức thử nghiệm vắc xin phòng COVID thành công nhưng việc triển khai đại trà sẽ phải chờ sang 2020. Hơn nữa, việc dập dịch trong tương lai gần có thành công hay không vẫn còn là ẩn số.
2/ Bầu cử Tổng thống Mỹ tốn nhiều giấy mực
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 khiến báo chí thế giới tốn nhiều giấy mực. Trong cuộc bỏ phiếu ngày 3.11, ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden giành được chiến thắng ở các bang chiến trường để thu về số phiếu đại cử tri là 306, vượt xa Tổng thống đương nhiệm Donald Trump với 232 phiếu.
Tuy nhiên, không có cuộc chuyển giao nào trong 2020 khi ông Trump khẳng định đã có gian lận trong bầu cử khiến ông từ thắng thành thua ở bang chiến trường. Những vụ kiện tụng bất thành tại tòa án các bang chiến trường và thất bại khi gắng đưa lên Tối cao Pháp viện vẫn không làm ông Trump thừa nhận thất bại. Việc cử tri đoàn bỏ phiếu chọn Biden hay hầu hết các nước trên thế giới chúc mừng Biden cũng không khiến ông Trump chịu thua mà vẫn chờ ngày Quốc hội nhóm họp vào 6.1
3/ Căng thẳng Mỹ - Trung leo thang
Xuất phát từ Tổng thống Donald Trump không chấp nhận chênh lệch quá lớn trong cán cân thương mại Mỹ - Trung, cuộc chiến thuế quan bắt đầu từ 2018, được đẩy mạnh trong năm 2019. Bước sang năm 2020, căng thẳng càng leo thang khi COVID bùng phát và Mỹ nhiều lần cáo buộc Trung Quốc che giấu dịch.
Hậu quả từ căng thẳng thương mại, Mỹ đã trừng phạt nhiều tập đoàn của Trung Quốc vì vi phạm các quy định của Mỹ. Về cấp độ ngoại giao, Mỹ đã khiến Trung Quốc mất mặt khi ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán của Trung Quốc tại Houston, đưa người bẻ khóa tiến vào lãnh sự quán…
Phía Trung Quốc dù không trả đũa mạnh mẽ như phía Mỹ nhưng cũng có một số phản ứng thể hiện thái độ bất bình như cấm nhà báo Mỹ hành nghề, đóng cửa tòa lãnh sự Mỹ tại Thành Đô. Đặc biệt trong thời gian cuối năm, Trung Quốc thi hành chính sách trừng phạt kinh tế đối với Úc như động thái dằn mặt những nước ủng hộ Mỹ, chống đối Trung Quốc.
4/ Hòa ước lịch sử giữa Israel và UAE, Bahrain
Hiệp định hòa bình giữa Israel và UAE hay Hiệp ước Abraham là thỏa thuận giữa Israel và UAE được thông báo vào 13.8.2020. Sự nhất trí của Israel và UAE về công nhận ngoại giao lẫn nhau được thể hiện trong tuyên bố chung giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Thái tử Abu Dhabi Mohammed Bin Zayed, hàm ý phía Mỹ đóng vai trò trung gian cho thoả thuận lịch sử này giữa Israel và UAE.
Ít lâu sau, đến lượt Bahrain và Israel thông báo việc ký hiệp định bình thường hóa quan hệ. Ngày 15.9, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain đã chính thức hòa giải với Israel bằng việc ký các thỏa thuận hòa bình do Mỹ làm trung gian tại buổi lễ diễn ra ở Nhà Trắng.
Việc giảm căng thẳng giữa Israel với UAE và Bahrain giống như cơn mưa mát lành cho Trung Đông nóng bỏng năm 2020 vì bệnh dịch và vì những nghi ngại xung quanh lò lửa Iran, đặc biệt khi Iran bị kích động bởi những vụ ám sát nhắm vào các nhân vật quan trọng trong quân đội.
5/ Giao tranh biên giới giữa Trung Quốc - Ấn Độ
Cuộc chạm trán đầu tiên bắt đầu vào ngày 5.5 khi những người lính Ấn Độ và Trung Quốc đụng độ tại Pangong Tso, một hồ nước kéo dài từ Ấn Độ đến Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc, với LAC đi qua nó. Một video cho thấy những người lính từ cả hai quốc gia tham gia vào các trận đánh đấm và ném đá dọc theo Đường kiểm soát thực tế. Vào ngày 10. 11, một cuộc đụng độ khác đã diễn ra. Truyền thông Ấn Độ cho biết khoảng 72 binh sĩ Ấn Độ đã bị thương trong cuộc đối đầu tại Pangong Tso.
Từ Pangong Tso, tình hình căng thẳng lan đến các khu vực biên giới khác của 2 nước ở Sikkim, thung lũng Galwan, đồng bằng Depsang và Đông Ladakh. Sự kiện xung đột thể hiện thái độ chiến lăng chưa từng thấy của Bắc Kinh trong 40 năm qua ở khu vực. Đồng thời, vụ này cũng châm ngọn lửa phẫn nộ với người dân Ấn Độ dẫn đến làn sóng tẩy chay các sản phẩm của Trung Quốc.
6/ Biểu tình đòi dân chủ tại Thái Lan
Biểu tình tại Thái Lan không phải hình ảnh xa lạ với cộng đồng thế giới nhưng cuộc biểu tình năm 2020 thì lại khác. Trong các cuộc biểu tình trước, bất kể phe áo vàng hay áo đỏ phát động thì đích nhắm chỉ là chính phủ mà cao nhất là thủ tướng. Còn cuộc biểu tình 2020 thì nhắm đến thứ vốn là bất khả xâm phạm trước đây: Hoàng gia.
Vua Bhumibol Adulyadej được nhiều người tôn kính, nhưng khi con trai của ông, Vua Maha Vajiralongkorn, 68 tuổi, kế vị sau khi vua cha qua đời vào năm 2016, thì mọi thứ thay đổi. Vua Vajiralongkorn đã củng cố quyền lực, sự giàu có và tăng quyền lực hiến pháp - điều mà những người phản đối muốn đảo ngược.
Các nhà hoạt động Thái Lan đang phản đối chế độ quân chủ lập hiến được thành lập vào năm 1932, khi chế độ quân chủ chuyên chế chấm dứt. Lý do là chế độ quân chủ hiện quá gần gũi với quân đội, điều mà người phản đối cho là đã làm suy yếu nền dân chủ.
Những người biểu tình muốn thay đổi một đạo luật về Hoàng gia và buộc nhà vua từ bỏ quyền cá nhân đối với khối tài sản ước tính hàng chục tỉ đô la của Hoàng gia.
7/ Trung Quốc thông qua luật an ninh Hong Kong, truy tố các thủ lĩnh dân chủ
Hồi tháng 5, Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (quốc hội) Trung Quốc đã thông qua nghị quyết xúc tiến các kế hoạch triển khai và đưa vào áp dụng luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông. Theo dự thảo, luật an ninh quốc gia đối với Hồng Kông sẽ ngăn chặn các hành vi và hoạt động can thiệp của nước ngoài “gây tổn hại việc thực thi luật lệ và đe dọa chủ quyền, an ninh và các lợi ích liên quan đến quốc gia” của Trung Quốc.
Vào tháng 12, các nhà hoạt động Joshua Wong, Agnes Chow và Ivan Lam đã bị tòa án Hồng Kông tuyên án lần lượt 13 tháng rưỡi, 10 tháng và 7 tháng tù giam vì các tội danh liên quan đến cuộc biểu tình vào tháng 6 năm ngoái. Nếu 2019, Hồng Kông sục sôi với các cuộc biểu tình phản đối luật an ninh áp dụng cho đặc khu này thì năm 2020, không còn những cuộc biểu tình lớn mà một phần do hạn chế tụ tập trong bối cảnh đại dịch.
8/ Giao tranh Azerbaijan – Armenia và vũ khí UAV
Cuộc chiến giữa hai nước Azerbaijan và Armenia hồi cuối tháng 9 liên quan đến tranh chấp lãnh thổ đầy phức tạp tại khu vực Nagorno-Karabakh. Con số thương vong ở cả hai bên có thể lên đến vài ngàn. Nhiều quốc gia và Liên Hiệp Quốc lên án mạnh mẽ cuộc chiến và kêu gọi hai bên giảm leo thang căng thẳng và quay lại đàm phán ngay lập tức. Ba thỏa thuận ngừng bắn do Nga, Pháp, và Mỹ làm trung gian vẫn không thể chấm dứt cuộc giao tranh.
Cuộc chiến đánh dấu việc sử dụng drone, cảm biến, pháo binh hạng nặng tầm xa và tên lửa. Ấn tượng nhất là việc sử dụng UAV phóng tên lửa tiêu diệt xe tăng của đối phương một cách chính xác gọn gàng. Điều này gợi ra một kỷ nguyên mới của thế hệ vũ khí mới trong chiến tranh quy ước khi các thiết bị công nghệ mới lên ngôi.
9/ Anh, Pháp, Đức gửi công hàm lên LHQ bác bỏ đường 9 đoạn
Ngày 17.9, Anh, Pháp, Đức đã gửi công hàm chung lên Liên hợp quốc (LHQ) khẳng định các tuyên bố chủ quyền "lịch sử" của Trung Quốc ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS).
Nội dung công hàm khẳng định: “Pháp, Đức và Vương quốc Anh cũng nhấn mạnh, các tuyên bố chủ quyền liên quan đến việc thực thi 'quyền lịch sử' đối với các vùng biển ở Biển Đông không tuân thủ luật pháp quốc tế và các điều khoản của UNCLOS và nhắc lại rằng phán quyết của trọng tài trong vụ kiện của Philippines và Trung Quốc ngày 12.7.2016 xác nhận rõ ràng điểm này”.
Công hàm cũng nêu rõ: “Lập trường này được tái khẳng định mà không ảnh hưởng đến các tuyên bố của các quốc gia ven biển có liên quan tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể đất liền được hình thành tự nhiên và các khu vực thềm lục địa ở Biển Đông”.
10/ Thành lập khối RCEP
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên của ASEAN, gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand được ký vào 15.11.
RCEP khi được thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới. Với các cam kết về mở cửa thị trường trong lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ và đầu tư và hài hòa hóa quy tắc xuất xứ giữa tất cả các bên tham gia cũng như tăng cường các biện pháp tạo thuận lợi thương mại, việc thiết lập Hiệp định này sẽ tạo cơ hội để phát triển các chuỗi cung ứng mới trong khu vực.
RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho các nước ASEAN trong bối cảnh các chuỗi cung ứng toàn cầu đang có nhiều rủi ro, bất định. Ngoài ra, hiệp định sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lý trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quyết tranh chấp.., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.