Vắc xin COVID-19 của Trung Quốc bị hoài nghi vì liên tục trì hoãn công bố hiệu quả
Quốc tế - Ngày đăng : 08:53, 24/12/2020
Theo Nikkei, Brazil là quốc gia đầu tiên hoàn thành thử nghiệm giai đoạn cuối của vắc-xin có tên CoronaVac, nhưng việc công bố kết quả, vốn định đưa ra hồi đầu tháng 12, đã bị trì hoãn ba lần.
Sự trì hoãn mới nhất là một đòn giáng mạnh vào Bắc Kinh, vốn đang chạy đua để bắt kịp các nhà sản xuất thuốc phương Tây, và sẽ làm tăng thêm sự chỉ trích rằng các nhà sản xuất vắc xin Trung Quốc thiếu minh bạch.
Nó cũng có khả năng làm dấy lên sự hoài nghi ngày càng tăng đối với vắc-xin Trung Quốc ở Brazil, nhất là trong trường hợp vi-rút này bùng phát trở lại. Tổng thống Jair Bolsonaro, một người hoài nghi về coronavirus, từng nói rằng ông sẽ không sử dụng vắc xin COVID-19, đã nhiều lần đặt câu hỏi về vắc xin Trung Quốc dựa trên "nguồn gốc" của nó.
Ngoài ra, một cuộc thăm dò hồi đầu tháng cho thấy một nửa số người Brazil hiện từ chối dùng vắc xin Trung Quốc. Các quan chức từ Viện Butantan của chính quyền bang Sao Paulo từ chối nêu rõ tỷ lệ hiệu quả từ cuộc thử nghiệm mà họ thực hiện với 13.000 tình nguyện viên, với lý do là các nghĩa vụ hợp đồng với Sinovac. Tuy nhiên, họ cho biết, vắc-xin đủ hiệu quả để được chấp thuận sử dụng khẩn cấp ở Brazil. Cơ quan quản lý y tế Anvisa đã quy định tỷ lệ hiệu quả tối thiểu đối với vắc xin trong đại dịch là 50%.
Bộ trưởng Y tế Sao Paulo Jean Gorinchteyn cho biết: "Mục tiêu của chúng ta là trên 50%. Nếu là 51%, thì điều này rất quan trọng đối với chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta đang sống trong thời điểm khủng hoảng y tế. Đối với chúng ta, đó sẽ là khoảnh khắc để ăn mừng."
Các quan chức cho biết Sinovac đã yêu cầu họ trì hoãn công bố dữ liệu chính xác về hiệu quả của vắc xin trong tối đa 15 ngày kể từ hôm qua để công ty có thời gian tổng hợp dữ liệu từ các thử nghiệm toàn cầu. Sinovac đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Giám đốc Butantan Dimas Covas cho biết không ai trong số tình nguyện viên được tiêm chủng trong thử nghiệm CoronaVac ở Brazil rơi vào tình trạng nguy hiểm do COVID-19, góp phần vào sự lạc quan về hiệu quả của nó.
Nhà miễn dịch học Cristina Bonorino, người đứng trong ủy ban khoa học của Hiệp hội Miễn dịch học Brazil, cho biết: "Không có ca bệnh nặng là rất tốt. Điều đó sẽ rất hữu ích để chống lại đại dịch này".
Bà nói thêm: “Nhưng sự trì hoãn này làm tổn hại hình ảnh vắc xin của họ. Họ không nên phô diễn thứ gì đó mà cuối cùng họ không báo cáo. Đó là vấn đề lớn hơn".
Sinovac sẽ là nhà sản xuất vắc xin thứ hai của Trung Quốc ghi nhận kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối, sau khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cho biết trong tháng này vắc xin từ một đơn vị có trụ sở tại Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) có hiệu quả 86%.
Các sản phẩm đối thủ do AstraZeneca Plc, Pfizer Inc và Moderna Inc phát triển đã tạo ra những kết quả tích cực. Phương pháp điều trị của Pfizer, được phát triển với đối tác BioNTech SE của Đức, là vắc xin COVID-19 đầu tiên được thử nghiệm đầy đủ đã bắt đầu triển khai ở Anh, Mỹ và Canada.
Trung Quốc đã tiêm vắc-xin coronavirus thử nghiệm, bao gồm cả vắc-xin do Sinovac phát triển, cho các nhóm nguy cơ cao ở nước này kể từ tháng 7 theo một chương trình sử dụng khẩn cấp. Sinovac đã ký hợp đồng cung cấp vắc xin của mình với một số quốc gia bao gồm Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Chile và Singapore, đồng thời đang đàm phán với Philippines và Malaysia.