Vàng lậu ‘hô biến’ thế nào?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 09:04, 25/12/2020
Những phi vụ “khủng” đưa vàng qua biên giới
Cuối tháng 10.2020, Công an tỉnh An Giang bắt được 51kg vàng lậu do nhóm người dùng xuồng máy vận chuyển qua biên giới Việt Nam - Campuchia. Địa điểm bị phát hiện và truy bắt ở P.Vĩnh Ngươn, TP.Châu Đốc. Hơn 10 người bị khởi tố, truy tìm, truy nã vì có liên quan đến đường dây buôn lậu vàng này. Công an An Giang cũng xác định số vàng nhóm người trên buôn là vàng nguyên chất 9999. Với trọng lượng vàng “khủng” và nhiều người tham gia, nguồn lợi mà vàng lậu đem lại hiển nhiên rất cám dỗ người buôn.
Nhưng đây chưa phải là phi vụ buôn bán trái phép vàng lớn nhất từng được triệt phá ở miền Tây. Năm 2010, Công an H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang từng phát hiện 4 người trên xe ô tô chở theo 92kg vàng. Mở rộng điều tra, Công an tỉnh Tiền Giang đã khởi tố vụ án và 7 bị can trong vụ kinh doanh trái phép vàng. Cộng thêm với những lần vận chuyển trót lọt trước đó, tổng số vàng được làm rõ lên đến 336kg. Số vàng “khủng” này hầu hết “đi lậu” từ Campuchia vào trong nước...
Khi giá vàng trong nước cao hơn đáng kể so với giá vàng thế giới như thời gian vừa qua thì việc nhập lậu vàng lại gia tăng do lợi nhuận hấp dẫn. Như với 51kg vàng lậu bị thu giữ vừa qua ở An Giang, nếu tính theo giá vàng thế giới ở thời điểm thấp nhất là 1.860 USD/ounce thì tổng số tiền bỏ ra để mua 51kg vàng từ Campuchia khoảng 69 tỉ đồng. Như vậy, nếu tính giá vàng nguyên liệu tại Việt Nam cao hơn thế giới chỉ ở mức khoảng 2 triệu đồng/lượng thì khi nhập lậu trót lọt 51kg vàng, lợi nhuận thu được khoảng 4 tỉ đồng. Mức lợi nhuận này rõ ràng quá hấp dẫn. Và tình trạng buôn lậu vàng qua biên giới đã tồn tại từ hàng chục năm nay chứ không phải mới xuất hiện gần đây. Đặc biệt, quy mô buôn lậu vàng từ Campuchia qua Việt Nam không hề nhỏ.
Không chỉ nhập lậu vàng, những năm trước ngành chức năng cũng ghi nhận nhiều trường hợp vàng xuất lậu ra nước ngoài, chủ yếu là qua đường hàng không. Những trường hợp đã bị phát hiện do hành khách, tiếp viên, phi công giấu hàng ký vàng để mang từ Việt Nam sang Hàn Quốc bán kiếm lời. Sự chênh lệch về giá vàng giữa các nước là nguyên nhân để mặt hàng này được bất chấp buôn lậu. Số lượng vàng vận chuyển càng nhiều thì lãi do chênh lệch giá sẽ càng cao. Một số trường hợp xuất lậu vàng là do có người gom vàng trôi nổi trên thị trường trong nước rồi đúc thành khối, tìm cách xuất sang nước khác.
Một chuyên gia về vàng cho biết, dù vàng nhập hay xuất lậu đều có nguồn gốc trôi nổi, không rõ ràng. Chính nguồn vàng này mới đem lại lợi nhuận “khủng” cho các con buôn. Điều đáng nói, nếu nguồn vàng này được tiêu thụ trót lọt ở bên kia biên giới, con buôn sẽ dùng tiền bán vàng được để tiếp tục kinh doanh hay quy đổi ngoại tệ để tiếp tục hưởng lợi. Nếu không kiểm soát được việc buôn lậu vàng sẽ ảnh hưởng đến thị trường và nguồn nguyên liệu vàng trong nước.
Vàng lậu dùng để làm gì?
Hiện nay, nhà nước quản lý hoạt động kinh doanh vàng với Nghị định 24, ban hành năm 2012. Trong đó quy định, nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Có thâm niên gần 30 năm kinh doanh tiệm vàng ở Bình Dương, ông Đ.K. cho biết vàng miếng ở đây là vàng SJC do Ngân hàng Nhà nước sản xuất và kinh doanh.
Giá vàng SJC luôn cao hơn hơn với vàng cùng tuổi được dùng làm trang sức một khoản tiền nhất định. Như hiện tại con số chênh lệch này là khoảng 2,5 triệu đồng/lượng. “Các tiệm kinh doanh vàng trang sức không mua vàng miếng này về chế tác. Họ có những đầu mối để mua đứt bán đoạn vàng ký cùng chất lượng với SJC về để làm thành trang sức”, ông K. nói.
Một chủ tiệm vàng khác ở TP.HCM cho biết, vàng được dùng làm trang sức có thể mua từ các đầu mối làm ăn và không cần giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Khi mua vàng về muốn “chế” thành vàng 18k hay thấp tuổi hơn đều được mà không cần bất cứ loại giấy tờ gì. Như vậy có thể hiểu, một phần vàng nguyên liệu trôi nổi dùng để chế tác trang sức có sự “tiếp tay” của vàng lậu. Trong khi đó, nhu cầu vàng nguyên liệu để làm ra trang sức là rất lớn. Theo thống kê của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhu cầu này chiếm khoảng 20-30% mỗi năm tương đương với khoảng 20 tấn vàng nguyên liệu.
Thông tin từ các chủ tiệm kinh doanh vàng nữ trang ở trên cho thấy, nhà nước vẫn chưa quản lý chặt chẽ được kinh doanh vàng trang sức. Dù Nghị định 24, Thông tư 22 của Bộ Khoa học và Công nghệ đã quy định về đo lường quản lý chất lượng vàng trang sức, buộc doanh nghiệp phải đóng ký hiệu, hàm lượng vàng, độ tinh khiết… lên sản phẩm. Dù vậy, chỉ với một số doanh nghiệp lớn làm được điều này. Trong khi đó, với thói quen cố hữu mua đâu bán đó trong nhân dân khiến việc quản lý vàng trang sức càng khó khăn hơn. Việc không quản lý được nguồn nguyên liệu vàng trang sức, vàng lậu sẽ còn có “chỗ đứng” trong thị trường vàng Việt Nam.
Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị sửa đổi 1 phần Nghị định 24, cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện được sản xuất vàng miếng, được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng vàng trang sức, lập sở giao dịch vàng. Hiệp hội này cho rằng nên bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC như hiện nay.
Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý nhà nước, không phải là doanh nghiệp nên việc độc quyền sản xuất vàng miếng là không phù hợp nữa. Tuy nhiên, trước kiến nghị này Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên định với cơ chế, chính sách đã ban hành trước đó. Lý do Ngân hàng Nhà nước đưa ra rằng Nghị định 24 từ khi áp dụng đã giúp giá vàng ổn định, từ đó không ảnh hưởng đến các mặt hàng khác, tỉ giá ngoại tệ, giúp ổn định nền kinh tế vĩ mô…