Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam còn nhiều bất cập
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:42, 25/12/2020
Theo báo cáo của Bộ KH-ĐT về tình hình thực hiện Nghị quyết số 99/NQ-CP (về việc thực hiện Nghị quyết của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 12 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa), nhìn chung, thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam đang dần được hoàn thiện.
Theo đó, hệ thống pháp luật về kinh tế được bổ sung, chất lượng thể chế kinh tế, môi trường kinh doanh được cải thiện, thứ hạng các chỉ số về thể chế kinh tế được nâng cao; các loại thị trường hàng hóa, dịch vụ cơ bản thông suốt và có sự gắn kết với quốc tế…
Vai trò của Nhà nước từng bước được điều chỉnh đi đôi với phát huy tốt hơn vai trò của thị trường. Phạm vi, quy mô đầu tư của Nhà nước được thu gọn, tập trung hơn; tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, trao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập…
Tuy nhiên, báo cáo này cũng cho rằng thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, hiệu quả, còn nhiều bất cập.
Báo cáo này cũng cho rằng việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta thực hiện còn chậm, còn khoảng cách xa với chuẩn mực phổ biến của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Do đó cản trở quá trình nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong bối cảnh hội nhập.
Cụ thể, năm 2019, Việt Nam xếp hàng 67 về chỉ số Năng lực cạnh tranh 4.0 do Diễn đàn Kinh tế thế giới thực hiện nhưng chỉ số thành phần về thể chế vẫn là một trong nhóm chỉ số có thứ hạng thấp nhất, xếp thứ 89. Còn chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 3 bậc, từ 45 lên 42 nhưng chỉ số thành phần thể chế lại giảm tới 3 bậc, từ 78 xuống 81.
Cũng theo báo cáo của Bộ KH-ĐT, một số quy định pháp luật còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu hợp lý, nhất quán, chưa tạo được đột phá trong huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực.
Môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, mức độ minh bạch, ổn định chưa cao, vẫn còn các điều kiện đầu tư kinh doanh bất hợp lý, ban hành giấy phép con trái quy định; thiếu cơ chế thí điểm mô hình kinh doanh mới; việc tiếp cận nguồn lực xã hội chưa bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế…
Một số loại thị trường chậm hình thành và phát triển, vận hành còn nhiều vướng mắc, kém hiệu quả, nhất là thị trường quyền sử dụng đất và thị trường khoa học – công nghệ. Giá cả một số mặt hàng thiết yếu chưa được xác lập thật sự theo cơ chế thị trường.
Báo cáo này cũng chỉ ra, thể chế đảm bảo thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững còn nhiều bất cập. Bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu - nghèo có xu hướng gia tăng.
Hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật chưa cao. Một số chế định pháp luật được triển khai thực hiện thiếu đồng bộ, nhất là xử lý vi phạm chưa kịp thời và đủ nghiêm khắc. Cơ chế đảm bảo cho người dân giám sát thi hành pháp luật còn chưa thực sự phát huy hiệu quả trong thực tiễn.
Nguyên nhân khách quan của tình trạng trên từ việc chuyển đổi mô hình kinh tế kế hoạch sang kinh tế thị trường định hướng XHCN chưa có tiền lệ, đòi hỏi phải nghiên cứu, thử nghiệm.
Do đó, đến nay nhận thức về nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vẫn chưa sâu sắc, thống nhất, nhất là quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, sở hữu đất đai, phân bổ nguồn lực; các mô hình mới liên tục xuất hiện nhưng hệ thống pháp luật hiện hành chưa kịp thời thay đổi…
Tuy nhiên, báo cáo đánh giá nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu. Cụ thể, tư duy trong hoàn thiện thể chế chậm được đổi mới cho phù hợp với yêu cầu phát triển; các kênh phản hồi và tiếp thu những bất cập về thể chế chưa thường xuyên và hiệu quả.
Năng lực xây dựng và thực thi thể chế còn nhiều bất cập, chưa kịp theo với sự phát triển của nền kinh tế thị trường. Năng lực một bộ phận công chức chưa đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; một số bộ, ngành, địa phương chưa quyết liệt triển khai ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo phân công làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện một số chủ trương quan trọng…