Dự kiến nợ công/GDP có xu hướng tăng trở lại vào cuối 2020

Tài chính và đầu tư - Ngày đăng : 10:59, 25/12/2020

Đến cuối năm 2020, dự kiến các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có xu hướng tăng trở lại, nhưng vẫn đảm bảo trong ngưỡng an toàn.

Tại báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 99/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ KH-ĐT cho biết pháp luật về ngân sách, nợ công, quản lý tài sản công tiếp tục được hoàn thiện.

no-cong.jpg
Nợ công có xu hướng tăng trở lại

Phân cấp quản lý ngân sách được hoàn thiện theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương nhưng phát huy tính chủ động của ngân sách các cấp; hoàn thiện cơ chế quản lý, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, giúp nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính – ngân sách, tăng cường minh bạch, công khai trong quản lý ngân sách.

Khung khổ pháp lý nhằm quản lý nợ công hiệu quả tiếp tục được cải thiện và tăng cường. Đề án tái cơ cấu danh mục nợ trong nước giai đoạn 2017-2020 cùng cơ sở pháp lý phát hành công cụ nợ huy động vốn cho ngân sách nhà nước được ban hành đã hỗ trợ tái cơ cấu nợ Chính phủ theo hướng bền vững, giảm thiểu rủi ro về kỳ hạn nợ.

Cụ thể, nợ công giảm từ 61,4% GDP năm 2017 xuống còn khoảng 55% GDP cuối năm 2019. Tốc độ tăng nợ công giảm trung bình từ 18,1% năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 5%/năm giai đoạn 2017-2019, đồng thời, lãi suất giảm dần, kỳ hạn vay tăng dần.

Đến cuối năm 2020, dự kiến các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ so với GDP có xu hướng tăng trở lại dưới tác động bất lợi vĩ mô nhưng vẫn đảm bảo trong ngưỡng an toàn được Quốc hội cho phép.

Việc sử dụng và quản lý tài sản công cũng được hoàn thiện, giúp khai thác tài sản, kết cấu hạ tầng trong từng lĩnh vực, từng cơ quan Việt Nam ở Trung ương, địa phương và ở nước ngoài hiệu quả hơn.

Đối với pháp luật về ngân sách nhà nước, Bộ KH-ĐT cho biết, nợ công, quản lý tài sản công tiếp tục được hoàn thiện. Phân cấp quản lý ngân sách nhà nước được hoàn thiện theo hướng đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương nhưng phát huy tính chủ động của ngân sách các cấp.

Hoàn thiện cơ chế quản lý thanh toán, quyết toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước giúp nâng cao kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách cùng với tăng cường tính minh bạch, công khai trong quản lý ngân sách nhà nước.

Báo cáo của Chính phủ về nợ công giai đoạn 2016-2020 cũng cho thấy, tỷ lệ nợ công/GDP từ 63,7% năm 2016 đã giảm dần về mức 55% năm 2019, ước năm 2020 đạt 56,8%.

Chỉ tiêu nợ Chính phủ/GDP giảm tương tứng từ 52,7% xuống 50,8% ước năm 2020. Tốc độ tăng nợ công giảm từ trung bình 18,1%/năm giai đoạn 2011-2015 xuống còn khoảng 6,8%/năm giai đoạn 2016-2019.

Năm 2021, dự kiến nợ công của Việt Nam tiếp tục giảm mạnh. Mức vay, trả nợ của Chính phủ, của địa phương và các hạn mức nợ như trên, dự báo đến cuối năm 2021 nợ công khoảng 46,1% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 58,6% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại), nợ Chính phủ khoảng 41,9% GDP trên cơ sở GDP đánh giá lại (khoảng 53,2% trên cơ sở GDP chưa đánh giá lại).

Mới đây, Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định số 1130/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2020-2022 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2020.

Theo đó, chương trình nhằm mục tiêu đảm bảo nhiệm vụ huy động vốn vay để đáp ứng nhu cầu cân đối ngân sách nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội với mức độ chi phí - rủi ro phù hợp.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ các chỉ tiêu an toàn nợ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong từng thời kỳ; phấn đấu đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 51,4% GDP, nợ Chính phủ khoảng 46,2% GDP, cơ cấu nợ nước ngoài trong tổng nợ công ở mức 40-45%; Thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn trong nước...

Trong một cuộc trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cho biết đã có những thay đổi rõ nét trong cơ cấu NSNN và quản lý nợ công.

Theo đó, chất lượng nợ công được cải thiện rõ nét. Giai đoạn 2016-2019 tốc độ tăng nợ công giảm còn bằng 6,8%, tương đương với tốc độ tăng trưởng kinh tế.

“Đây là một cố gắng rất lớn khi tốc độ tăng nợ công của giai đoạn 2011-2015 là 18,1%, bằng 3 lần tăng trưởng kinh tế. Riêng năm 2020, do nguồn thu của NSNN giảm 12,5% so với dự toán, trong khi nhu cầu chi NSNN tăng do phòng chống dịch bệnh nên chỉ giảm 3,5% so với dự toán nên NSNN cần tăng vay nợ. Vì vậy ước tốc độ nợ công năm 2020 tăng khoảng 10% so với năm 2019”, ông Thịnh nói.

Theo chuyên gia này, mặc dù tỷ lệ nợ công về số tuyệt đối vẫn tăng lên, nhưng tỷ lệ nợ công so với GDP đang giảm dần. Nợ công giảm từ mức 63,7% GDP năm 2016 xuống còn 55% năm 2019 và lên 56,8% GDP năm 2020.

Cơ cấu nợ công trong nước, nước ngoài được điều chỉnh theo hướng bền vững hơn. Tỷ trọng nợ công vay trong nước tăng từ 38,9% năm 2011 lên 60,1% năm 2016 và 61,9% tổng dư nợ của Chính phủ cuối năm 2019.

Bên cạnh đó, kỳ hạn phát hành, kỳ hạn danh mục trái phiếu Chính phủ được tăng lên, kỳ hạn trả nợ tăng dần, cơ sở nhà đầu tư được mở rộng, góp phần giảm rủi ro danh mục nợ Chính phủ, góp phần đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.

Về lãi suất phát hành trái phiếu Chính phủ, trong giai đoạn từ năm 2016 đến nay, mặt bằng lãi suất đã giảm từ mức khoảng 6,5-8,0%/năm đối với các kỳ hạn từ 5 năm đến 30 năm xuống còn khoảng từ 1,5-3,5%/năm, trong đó kỳ hạn 10 năm đến 30 năm.

“Đây là mức lãi suất thấp nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, các ngân hàng thương mại không còn là nhà đầu tư chính trên thị trường mà các tổ chức phi ngân hàng đang chiếm vị thế trọng yếu. Rõ ràng, với những nỗ lực của Chính phủ và các cơ quan quản lý, cơ cấu NSNN trong giai đoạn 2016-2020 đã có những thay đổi theo chiều hướng rất tích cực”, ông Thịnh chia sẻ.

Lam Thanh