Góc nhìn từ Philippines: Cần tìm hiểu tại sao Việt Nam thành công

Góc nhìn - Ngày đăng : 12:10, 29/12/2020

Cây viết Ei Sun Oh sau khi có bài "Vietnam making it through" trên The Manila Times ca ngợi thành công kinh tế của Việt Nam, đã có bài viết: "Neighbors cheering one another" để tìm hiểu tại sao Việt Nam thành công.

Tôi gần đây đã viết để nói về sự trỗi dậy của Việt Nam như một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở Đông Nam Á và hơn thế nữa. Thật vậy, Việt Nam sẽ là một trong số rất ít nền kinh tế trên thế giới được dự báo sẽ ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong năm nay giữa bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, vốn đã kéo dài ngay từ trước khi có đại dịch coronavirus dù đại dịch chắc chắn đã làm trầm trọng thêm sự suy thoái này. Đó là một thành tích ấn tượng của một đất nước, như người ta nói, gần như đã vươn lên từ đống tro tàn của hơn hai thập kỷ chiến tranh theo đúng nghĩa đen.

Xin lưu ý, Việt Nam cũng sở hữu một số tiềm năng quân sự mạnh nhất trong khu vực và tất nhiên họ đã chứng tỏ được sức mạnh của mình trên chiến trường trong cuộc chiến nêu trên. Tuy nhiên, khi những thành tựu kinh tế đáng chú ý của Việt Nam bắt đầu tạo nên những bước ngoặt trong khu vực, tôi không hề phát hiện ra một chút bất bình hay khó chịu nào từ các nước láng giềng Đông Nam Á. Thay vào đó là những lời thể hiện sự ngưỡng mộ và sẵn sàng noi theo tấm gương tương đối thành công của Việt Nam. Tất cả chúng ta đều nghe nói Việt Nam là điểm đến chính của nhiều nhà máy chuyển đến từ các nước Đông Nam Á cũng như Trung Quốc. Họ cũng đã thu hút một lượng lớn các khoản đầu tư trực tiếp nước ngoài trong những năm gần đây.

Bên cạnh có, các nước láng giềng Đông Nam Á đang mong muốn thu thập thêm thông tin về lý do tại sao lại như vậy và cách họ có thể điều chỉnh hoặc đại tu các chính sách kinh tế của mình để cạnh tranh lành mạnh với Việt Nam.

Lưu ý rằng đó là mong muốn cạnh tranh lành mạnh và không ác ý với Việt Nam. Trên thực tế, đó luôn là thái độ tích cực của hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả, của các quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

ASEAN là một tổ chức khu vực bao gồm các quốc gia thành viên ở các giai đoạn phát triển khác nhau. Một số nước ASEAN được thừa nhận là phát triển hơn - hoặc kém hơn các nước khác. Nhưng mô thức hoạt động tiêu chuẩn luôn là các quốc gia thành viên kém phát triển hơn cố gắng học hỏi và bắt kịp những quốc gia phát triển hơn trong khi quốc gia phát triển hơn sẽ giúp đỡ quốc gia kém phát triển; tất cả trên tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc anh em.

Tôi nghĩ, trong số các lý do, có lý do nổi bật là sự khiêm tốn của hầu hết các quốc gia Đông Nam Á và không ôm tham vọng bá quyền ở một khu vực chắc chắn là rất quan trọng về mặt chiến lược. Đông Nam Á tập trung một số tuyến đường vận chuyển nhộn nhịp nhất trên thế giới và thực sự rất hấp dẫn đối với các cường quốc trong  hoặc ngoài khu vực về việc tìm kiếm yêu sách để có vị thế tối cao trong khu vực. Nhưng ít nhất trong những thập kỷ gần đây, không quốc gia Đông Nam Á nào cố gắng làm như vậy. Họ có thể rất bảo thủ khi tuyên bố những gì họ coi là chủ quyền lãnh thổ, đôi khi chồng chéo lên nhau, nhưng họ không cố gắng tạo ra cái gọi là phạm vi ảnh hưởng để giữ quyền thống trị tối cao. Không có một “đại ca” nào ở Đông Nam Á đòi hỏi sự phục tùng từ phần còn lại.

Thái độ “lịch sự” này một phần có thể là do truyền thống buôn bán ở Đông Nam Á, theo đó các thương gia từ các nơi khác nhau trên thế giới hầu như chắc chắn sẽ phải đi qua hoặc buôn bán với các quốc gia Đông Nam Á, và chính quyền cùng người dân các quốc gia này đều ý thức rõ ràng rằng họ sẽ chỉ đánh mất việc kinh doanh béo bở nếu họ chơi trò triệt hạ ngầm hoặc thậm chí chiến tranh trực diện với nhau. Nói cách khác, chơi nhau bằng những cuộc giao tranh có hại cho công việc kinh doanh. Và nếu không có hoạt động kinh doanh, cả khu vực nói chung và từng quốc gia trong khu vực sẽ không thịnh vượng mà sẽ tàn phai.

Vì vậy, các nước Đông Nam Á thường không đối đầu nhau về quân sự, nhưng cũng không né tránh cạnh tranh gay gắt với nhau về thương mại và đầu tư. Một lần nữa, sự cạnh tranh cần hiểu theo nghĩa lành mạnh là các điều khoản kinh doanh hoặc thương mại ngày càng tốt hơn được cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước để thị trường và các nền kinh tế ở Đông Nam Á ngày càng trở nên tự do hóa. Ví dụ, các nước láng giềng trong khu vực đang tìm hiểu những gì Việt Nam đãi ngộ cho các nhà đầu tư nước ngoài và một số yếu tố văn hóa xã hội khác đã thúc đẩy Việt Nam tiến xa hơn tính toán của nhiều người. Họ có thể bắt chước Việt Nam ở những khía cạnh mà họ cho là có lợi nhất cho sự phát triển của chính họ, và nếu sau này họ đạt được thành tích cao hơn Việt Nam, thì Việt Nam cũng sẽ không phiền lòng, mà ngược lại, cố gắng học hỏi từ những tấm gương của họ để tự tốt hơn. Đó là một vòng tròn đi lên của sự học hỏi và cạnh tranh tích cực lẫn nhau đã đưa Đông Nam Á trở thành khu vực phát triển nhanh nhất thế giới; dù dự kiến ​​vẫn tăng trưởng âm trong năm nay.

Nhưng tình bạn thân thiết trong khu vực và cảm giác gần gũi láng giềng này, như tôi đã nhiều lần đề cập trước đây, không được coi là điều hiển nhiên. Rốt cuộc, đây cũng là một khu vực có một số nền văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ đa dạng nhất. Ngay cả các quốc gia và khu vực có ít đa dạng hơn về văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ đã rơi vào các cuộc xung đột vũ trang chỉ vì một chút khiêu khích hoặc thậm chí là mối thù lịch sử.

Tuy nhiên, các quốc gia Đông Nam Á gắn bó với nhau, lịch sự đến mức họ thậm chí đưa ra các quyết định tập thể dưới sự giám sát của ASEAN bằng cách cố gắng tạo ra sự đồng thuận. Một số người đã chỉ trích đây là một hình thức ra quyết định thiếu mạnh mẽ của khu vực. Thay vào đó, tôi nghĩ đó là điều đã giữ cho ASEAN phát triển và quan trọng hơn là góp phần duy trì hòa bình trong khu vực những năm qua.

Tất nhiên vẫn còn nhiều nhiệm vụ thiết thực mà các quốc gia thành viên ASEAN sẽ phải thực hiện để thúc đẩy sự thịnh vượng của khu vực. Với một số điều, chúng ta vẫn chưa trao đổi đủ với nhau. Ngay cả khi Cộng đồng kinh tế ASEAN tự do thương mại thì thương mại tổng thể của ASEAN với các khu vực khác trên thế giới vẫn gấp khoảng 4 lần quy mô thương mại của các quốc gia ASEAN với nhau. Chúng ta cần học hỏi lẫn nhau và chúng ta cũng cần mua thêm từ nhau, nhập một số sản phẩm và dịch vụ tốt nhất của những người hàng xóm của chúng ta.

theo The Manila Times