Không phải tích lũy vốn, KH-CN mới là yếu tố chi phối tăng trưởng dài hạn

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 15:14, 29/12/2020

Nhiều nhà kinh tế học đã đưa kết luận rằng không phải sự tích lũy vốn mà phải là khoa học công nghệ là yếu tố chi phối tăng trưởng kinh tế dài hạn.

KH-CN là yếu tố chi phối tăng trưởng dài hạn

Theo Ban Dự báo kinh tế vĩ mô, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ KH-ĐT), trong những năm gần đây, trên thế giới, nhiều quốc gia đã có sự lựa chọn các mô hình tăng trưởng khác nhau theo từng giai đoạn phát triển.

doi-moi.jpg
Đổi mới sáng tạo là yếu tố chi phối tăng trưởng dài hạn

Các mô hình tăng trưởng này đều hướng đến việc xác định nguồn gốc của tăng trưởng kinh tế, đáng kể đến như mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào tài nguyên (D. Ricardo), mô hình tăng trưởng phụ thuộc vào vốn đầu tư (Harrod-Dorma).

Tuy nhiên, theo thời gian, các nhân tố như tài nguyên, quy mô vốn và lao động đang ngày càng có giới hạn. Nếu tiếp tục trông chờ vào nguồn tài nguyên hữu hạn đó thì tăng trưởng sẽ sớm cạn kiệt, tăng trưởng sẽ đi đến trạng thái dừng và thậm chí suy giảm.

Mô hình tăng trưởng hai khu vực (A. Lewis, Tân Cổ điển, Harry T. Oshima) là nông nghiệp và công nghiệp mặc dù chú trọng đến yếu tố chính là lao động nhưng cũng cho rằng tăng năng suất do đầu tư và khoa học kỹ thuật là yếu tố thúc đẩy phát triển của hai khu vực này khi việc chuyển dịch lao động hoàn thành.

Mô hình tân cổ điển Robert Solow chỉ ra rằng bên cạnh hai nhân tố là đầu tư và lao động thì yếu tố kỹ thuật (trong đó là việc cải tiến cách thức tổ chức sản xuất, nâng cao trình độ của công nhân, nâng cao quy mô sản xuất) là nhân tố quan trọng đến thúc đẩy tăng trưởng.

Còn các mô hình tăng trưởng của Solow, Kaldor và Sung Sang Park rất phù hợp với bối cảnh hiện đại, vì theo các mô hình tăng trưởng này, tăng trưởng kinh tế dựa vào tiến bộ khoa học kỹ thuật và nguồn nhân lực chất lượng cao, từ đó làm tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Mô hình tăng trưởng nội sinh của Romer đã chứng minh được các yếu tố nội sinh có thể ảnh hưởng đến sự sẵn lòng của chính phủ và doanh nghiệp trong việc đầu tư vào đổi mới, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mô hình này xác định được các yếu tố quyết định đến sự thịnh vượng lâu dài của các quốc gia, vượt ra ngoài yếu tố thị trường và chính sách kinh tế. Trọng tâm tăng trưởng là con người, là chìa khóa cho việc theo đuổi kiến thức kỹ thuật để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và lâu dài.

Cùng với đó, dầu tư nhiều hơn cho R&D sẽ có tác dụng lâu dài hơn so với các chính sách tác động trực tiếp như thuế suất. Công nghệ là yếu tố nội sinh quan trọng của tăng trưởng. Chính công nghệ cùng với nguồn nhân lực phù hợp là yếu tố quyết định cho tăng trưởng trong dài hạn.

KH-CN là điều kiện đạt mức tăng trưởng cao

Một số kinh nghiệm quốc tế cho thấy phát triển khoa học công nghệ là điều kiện đạt mức tăng trưởng cao. Cuối thế kỷ 20, Hàn Quốc là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất trong lịch sử thế giới hiện đại.

Tăng trưởng kinh tế của nước này trong giai đoạn công nghiệp hóa đạt trung bình 8,4%/năm (1961-1996). Trong khi các nước tư bản chủ nghĩa phương tây mất hơn 300 năm thì Hàn Quốc chỉ mất 35 năm để đạt cùng một mặt bằng cơ sở vật chất và hạ tầng kinh tế cùng mức GDP bình quân đầu người. Bí quyết của sự phát triển thần kỳ này là phát triển khoa học và công nghệ.

Chính phủ Hàn Quốc đã nhạy bén trong việc nắm bắt cơ hội công nghệ, đặc biệt với sự lựa chọn ưu tiên tập trung phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao dựa trên các cơ sở dự đoán về thị trường, xu hướng phát triển của khoa học, công nghệ.

Quan điểm của Chính phủ Hàn Quốc là ưu tiên quy hoạch và thực hiện các dự án nghiên cứu và phát triển quốc gia để nâng cao trình độ khoa học và công nghệ.

Đặc biệt, để tăng tính cạnh tranh về công nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc, Chính phủ tập trung vào 3 lĩnh vực chính: đẩy mạnh nghiên cứu khoa học cơ bản; bảo đảm phân phối và sử dụng nguồn lực R&D một cách hiệu quả và mở rộng quy mô hợp tác quốc tế.

Một bài học khác đến từ nền kinh tế dựa trên tri thức Đài Loan. Vào những năm 70, nền kinh tế của Đài Loan nói chung chỉ bao gồm các doanh nghiệp gia đình quy mô nhỏ. Thiết bị và năng lực trong các trường đại học phục vụ nghiên cứu cơ bản yếu và hầu hết doanh nghiệp không có bất cứ khái niệm nào về R&D (nghiên cứu phát triển).

Con đường phát triển của Đài Loan đã trải qua 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu nền kinh tế dựa vào nông nghiệp (1973-1985), tiếp đó là các ngành công nghiệp nhập khẩu công nghệ, sản xuất dựa vào nhân công giá rẻ (1985-1994) và giai đoạn ba là chuyển đổi các ngành công nghiệp nội địa, tăng cường định hướng đổi mới sáng tạo (1994-2002), hiện nay đang chuyển sang phát triển nền công nghiệp giá trị cao, xây dựng kinh tế dựa vào tri thức.

Đài Loan có xuất phát điểm về năng lực khoa học không cao và tiềm lực khoa học sẵn có không nhiều nhưng nước này đã chọn hướng đi sát với thực tế để phục vụ sự phát triển. Họ tận dụng triệt để thành tựu KHCN của các nước khác để đem về ứng dụng cho mình.

Kinh tế Đài Loan phát triển ngoạn mục với tốc độ tăng trưởng GDP trung bình đạt 8,1%/năm trong thời gian dài, từ năm 1973-2000. Nhờ đó, nước này đã thành công vượt bẫy thu nhập trung bình. Điều này có được là nhờ chính sách phát triển khoa học công nghệ có trọng điểm với sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ.

Đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng

Như vậy, có thể thấy khoa học công nghệ hay rộng hơn là đổi mới sáng tạo đóng một vai trò quyết định trong đẩy mạnh tiềm năng phát triển kinh tế. Những lợi ích từ khoa học công nghệ được tích lũy đến từ cả đầu tư công và đầu tư tư nhân vào công nghệ.

Những lợi ích này mở rộng khả năng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế; Thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hướng cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực với việc gia tăng các ngành có giá trị gia tăng cao; tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường.

Nhìn rộng hơn, công nghệ đang giúp kéo dần lại khoảng cách thu nhập giữa các quốc gia thông qua việc nâng cao năng suất lao động. Đổi mới sáng tạo mang đến cơ hội cho các nước đi sau có thể đuổi theo và bắt kịp các nước đi trước, từ đó rút ngắn khoảng cách về năng suất lao động và thu nhập giữa các quốc gia.

Ngoài ra, khoa học công nghệ hình thành các sản phẩm/phương pháp sản xuất mới, chia sẻ kiến thức, hình thành nguồn lực con người, tăng năng suất lao động, giảm thiểu tác hại đến môi trường hay sự suy giảm nguồn lực.

Đổi mới sáng tạo cũng tạo ra những việc làm mới có khả năng đem lại năng suất cao hơn, đồng thời xóa bỏ những việc làm có năng suất thấp. Công nghệ cũng có thể cải thiện chất lượng cuộc sống theo cách khó có thể đo lường nếu chỉ nhìn từ khía cạnh kinh tế.

Đổi mới sáng tạo đang đóng góp đáng kể trong giải quyết các thách thức của xã hội như nghèo đói, già hóa, nâng cao sức khỏe. Công nghệ thay đổi nhanh chóng hướng đến bảo vệ môi trường cũng góp phần quan trọng trong việc đối phó với các thách thức biến đổi khí hậu hiện nay.

Lam Thanh