Ngân hàng giảm lãi suất cho vay, kích cầu tín dụng cuối năm
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:47, 29/12/2020
Nhiều ngân hàng giảm lãi suất cho vay cuối năm
Để tiếp tục chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, mới đây, Vietcombank đã quyết định giảm tới 1%/năm lãi suất cho vay tiền đồng cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng doanh nghiệp, trong thời gian 3 tháng từ 15.12 đến hết 15.3.2021.
BIDV cũng quyết định hạ lãi suất lần thứ 3 liên tiếp đối với gói vay "kết nối - vươn xa" dành cho khách hàng cá nhân. Theo đó , khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 5% một năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc chỉ từ 5,5% mỗi năm với các khoản vay từ 6 đến 12 tháng (giảm 0,5% một năm đối với tất cả kỳ hạn).
Nhiều ngân hàng cũng giảm lãi suất cho vay mua nhà, ô tô để kích cầu tín dụng cuối năm. Điển hình như Techcombank, TP Bank, HSBC, Shinhan... giảm lãi suất cho vay mua nhà. Trong đó, Techcombank giảm lãi suất gói cố định 12 tháng đầu tiên từ 8,29% xuống còn 7,59% một năm. Shinhan Bank giảm lãi suất từ 7% xuống 6,6% một năm. Các ngân hàng TP Bank, Hong Leong Bank, HSBC giảm từ 0,6-1,5% mỗi năm.
Đáng chú ý, bên cạnh các ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cũng quyết định giảm lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội từ ngày 1.1.2021.
Cụ thể, mức lãi suất cho vay ưu đãi của tổ chức tín dụng được chỉ định đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê mua, bán là 4,8%/năm. Mức lãi suất cho vay ưu đãi đối với khách hàng vay vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê là 4,3%/năm.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước còn ban hành quyết định yêu cầu mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2021 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà là 4,8%/năm theo quy định tại Thông tư 32/2014.
Như vậy, từ đầu năm tới nay, các ngân hàng lớn, nhỏ đã liên tiếp giảm lãi suất cho vay, có nơi hạ 2,5-3% so với thời điểm đầu năm. Động thái giảm lãi suất cho vay của các nhà băng diễn ra sau khi có sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước.
Ngân hàng giảm lợi nhuận để giảm lãi vay
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã liên tiếp điều chỉnh giảm 3 lần các mức lãi suất, tổng mức giảm 1,5-2%/năm đối với lãi suất điều hành.
Việc này nhằm hỗ trợ thanh khoản cho tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp hơn, qua đó có điều kiện giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng phục hồi sản xuất kinh doanh. So với các nước trong khu vực, Việt Nam hiện là một trong những nước có mức giảm lãi suất điều hành lớn nhất.
Tính đến 14.12.2020, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại nợ cho khoảng 270 nghìn khách hàng với dư nợ gần 355 nghìn tỉ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho vay cho khoảng 590 nghìn khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỉ đồng. Ngân hàng cho vay mới với lãi suất giảm từ 0,5-2,5% so với trước dịch với doanh số cho vay khoảng gần 2,3 triệu tỉ đồng cho hơn 390 nghìn khách hàng.
Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã gia hạn nợ cho trên 167 nghìn khách hàng với dư nợ trên 4 nghìn tỉ đồng, cho vay mới đối với khoảng trên 2 triệu khách hàng với số tiền trên 72 nghìn tỉ đồng. Tổng số tiền phí các tổ chức tín dụng giảm cho khách hàng ước tính đến hết năm 2020 khoảng 1.000 tỉ đồng.
Bà Hồng cho biết trong năm 2021, ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thiên tai, bão lũ, và biến đổi khí hậu, tái cấp vốn cho ngân hàng chính sách xã hội để hỗ trợ người lao động.
"Ngân hàng Nhà nước tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, giảm chỉ tiêu lợi nhuận để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, mở rộng tín dụng đi đôi với an toàn, hiệu quả; thúc đẩy, nâng cao chất lượng dịch vụ thanh toán, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chia sẻ.