Trung Quốc bỏ tù 10 nhà hoạt động trốn sang Đài Loan, giao 2 trẻ vị thành niên cho Hồng Kông
Quốc tế - Ngày đăng : 11:46, 30/12/2020
Nhóm 12 nhà hoạt động phải đối mặt với các cáo buộc về các cuộc biểu tình chống chính quyền Hồng Kông và bị giam giữ trong một nhà tù ở Trung Quốc kể từ khi thuyền của họ bị chặn vào ngày 23.8 khi trên đường đến Đài Loan.
Theo Reuters, tòa án ở thành phố Thâm Quyến, nơi giáp ranh với Hồng Kông, đã phán quyết 8 trong số các bị cáo phạm tội vượt biên trái phép và kết án họ 7 tháng tù rồi phạt 10.000 nhân dân tệ (1.533 USD).
Tang Kai-Yin (31 tuổi), Quinn Moon (33 tuổi) bị kết tội tổ chức vượt biên trái phép. Hai người này bị kết án lần lượt là 3 năm và 2 năm với số tiền phạt 20.000 và 15.000 nhân dân tệ.
Tòa án cho biết cả 10 người đều đã nhận tội của mình. Tất cả họ đều xuất hiện trước tòa vì các phán quyết và bị đưa đi sau đó.
Công tố viên cho biết hai trẻ vị thành niên đi cùng thuyền với nhóm đó và đã nhận tội vượt biên trái phép sẽ không bị buộc tội.
Trước đó, truyền thông đưa tin hai người trẻ nhất trong số 12 nhà hoạt động (11 nam và 1 nữ từ 16 đến 33 tuổi) sẽ được chuyển giao cho chính quyền Hồng Kông.
Cảnh sát Hồng Kông hôm 30.12 cho biết sẽ tổ chức cuộc họp báo ngay trước buổi trưa về việc chuyển giao 2 nghi phạm bị giam giữ ở đại lục cho chính quyền địa phương.
Khung cảnh bên ngoài tòa án vắng lặng với ít phương tiện truyền thông và không có đại diện ngoại giao nào sau khi họ bị từ chối tham gia phiên điều trần 10 người hôm 29.12.
Cảnh sát đã kiểm tra các phương tiện truyền thông, hỏi các phóng viên đã sắp xếp các cuộc phỏng vấn hay chưa và khuyến cáo họ không nên nán lại khu vực lân cận do coronavirus.
Đài Loan là điểm đến phổ biến của các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông kể từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia với thành phố này vào tháng 6 mà các nhà phê bình cho rằng nhằm dập tắt bất đồng chính kiến và kiềm chế quyền tự do.
Hồng Kông được hứa hẹn theo công thức “một quốc gia, hai hệ thống” khi Anh chấm dứt chế độ thuộc địa và trao thành phố này lại cho Trung Quốc vào năm 1997 với sự đảm bảo các quyền tự do, bao gồm quyền tự do ngôn luận và hội họp.
Các nhà hoạt động dân chủ phàn nàn rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đang dập tắt những quyền tự do đó, cáo buộc mà Bắc Kinh bác bỏ.
Hôm 25.10, hàng trăm người đã tuần hành ở thành phố Đài Bắc vào Chủ nhật để yêu cầu thả 12 người biểu tình chống chính quyền Hồng Kông bị chính quyền Trung Quốc đại lục bắt giữ hôm 23.8 khi đang trên tàu sang Đài Loan.
Giới chức Trung Quốc lẫn Hồng Kông đều không công khai danh tính 12 người này. Song, truyền thông tiết lộ trong nhóm có thanh niên 16 tuổi, nhà hoạt động dân chủ Andy Li (bị cáo buộc rửa tiền và thông đồng với thế lực nước ngoài) cùng một người mang hai quốc tịch Trung Quốc - Bồ Đào Nha.
Cảnh sát Trung Quốc nói 12 người bị tình nghi vượt biên trái phép. Hôm 13.9, Bộ ngoại giao Trung Quốc gọi họ là “những kẻ ly khai” để đáp lại việc Mỹ mô tả vụ bắt giữ là sự suy giảm nhân quyền.
Gia đình 12 người này đã vận động để sử dụng luật sư của riêng họ. Thế nhưng, các nhà chức trách Hồng Kông tiết lộ 12 nhà hoạt động sẽ được đại diện bởi các luật sư đại lục mà họ chọn từ danh sách do chính quyền Trung Quốc cung cấp.
Hôm 22.9, Trưởng đặc khu hành chính Hồng Kông, Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói tại cuộc họp báo rằng 12 người bị giam giữ phải đối mặt với công lý ở Trung Quốc, và Hồng Kông không có cơ sở pháp lý để yêu cầu bất kỳ quyền cụ thể nào như giả định vô tội, xét xử công bằng hoặc đại diện hợp pháp.
Theo ABC News, trong ba ngày từ 23 – 25.10, rất nhiều người đã biểu tình tại ít nhất 10 thành phố trên khắp thế giới, từ New York (Mỹ), Vancouver (Canada) đến Adelaide (Úc), để ủng hộ 12 người bị bắt trong một chiến dịch có tên #save12hkyouths.
Hai nhà hoạt động Hồng Kông nổi tiếng Joshua Wong và Nathan Law đã giúp khởi động chiến dịch trên mạng xã hội.
Trong đám đông tuần hành ở Đài Bắc hôm nay có các nhà hoạt động từ một số tổ chức Đài Loan, cư dân khác trên hòn đảo và nhiều người Hồng Kông. Mặc đồ đen và đeo khẩu trang, nhiều người diễu hành qua Đài Bắc, hô vang "Vinh quang cho Hồng Kông".
Đài Loan với Trung Quốc chia rẽ trong cuộc nội chiến vào năm 1949 và Bắc Kinh đã cắt đứt quan hệ với chính quyền nhà lãnh đại Đài Loan – Thái Anh Văn do bà từ chối chấp nhận yêu cầu công nhận hòn đảo này là một phần của Trung Quốc.
Tsang Cheung-kui, người đã chuyển từ Hồng Kông đến Đài Loan vào tháng 2.2020, nói rằng điều quan trọng với anh là người Hồng Kông phải thể hiện: “Ai trong chúng tôi, những người Hồng Kông ở Đài Loan đều muốn đến ủng hộ họ. Rõ ràng Hồng Kông không còn là Hồng Kông nữa, nhưng chúng tôi chưa từ bỏ Hồng Kông”.
Không giống như năm 2019, khi Tsang Cheung-kui tham gia các cuộc biểu tình chống chính quyền Hồng Kông để yêu cầu bảo vệ các quyền tự do dân chủ của thành phố, thông điệp lần này khác hẳn.
Tsang Cheung-kui nói: “Rất nhiều người trong số chúng tôi phản đối, có suy nghĩ rằng chúng tôi muốn thế giới biết Hồng Kông không còn như xưa nữa. Đừng nghĩ rằng Hồng Kông giống như trước đây là nơi có dân chủ, tự do và pháp quyền. Bây giờ điều này hoàn toàn không tồn tại".
Jeff Hou, cư dân Đài Loan đưa con trai 13 tuổi của mình đến cuộc biểu tình, cho biết điều quan trọng là phải tuần hành vì các quyền tự do dân chủ. Ông nói: “Miễn là nó liên quan đến dân chủ, chúng ta nên nhấn mạnh ở đây. Các quyền tự do dân chủ rất quan trọng với người Đài Loan chúng tôi”.
Một người biểu tình 27 tuổi từ chối tiết lộ họ tên vì lý do an toàn, cho biết cô lo ngại về số phận của 12 người bị bắt. “Tôi nghi ngờ về việc liệu họ có bị bắt hợp pháp hay không và liệu các quyền có được duy trì sau khi bị bắt hay không. Tôi muốn tham gia cuộc tuần hành này để ủng hộ họ”.
Nhiều cư dân Hồng Kông đã tìm cách chuyển đến Đài Loan kể từ khi Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia trên phạm vi rộng với thành phố từ 30.6.