Tàu sân bay Anh sắp đến Biển Đông, Trung Quốc nổi giận
Chuyển động - Ngày đăng : 11:22, 02/01/2021
Vào tháng 2.2019, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tuyên bố HMS Queen Elizabeth sẽ thực hiện nhiệm vụ đầu tiên tại Thái Bình Dương trong đó có cả vùng biển tranh chấp như Biển Đông.
Hãng tin Kyodo News cuối năm 2020 còn tiết lộ nhóm tác chiến tàu sân bay Anh dự kiến hội quân cùng lực lượng Mỹ và Nhật ở ngoài khơi chuỗi đảo Ryukyu vào đầu năm 2021 (có thể tiến hành tập trận chung).
Về kế hoạch trên, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đàm Khắc Phi chỉ trích: “Tình trạng quân sự hóa Biển Đông xuất phát từ việc các quốc gia ngoài khu vực điều tàu chiến đến phô trương sức mạnh. Quân đội Trung Quốc sẽ thực hiện biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển của mình, cũng như hòa bình và ổn định ở Biển Đông”.
Nhiều năm qua chỉ có Mỹ duy trì hoạt động đưa tàu chiến cùng máy bay đi qua vùng tranh chấp nhằm thể hiện quyền tự do hàng hải và bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc. Tuy nhiên thời gian gần đây giới chức Washington bắt đầu kêu gọi đồng minh tham gia, Úc, Ấn Độ đã hưởng ứng bằng cách gửi lực lượng đến tập trận chung.
Là tàu chiến lớn và uy lực nhất trong biên chế hải quân Anh, HMS Queen Elizabeth mang được đến 72 máy bay cùng hơn 700 người. Tàu sân bay này chỉ mới đi vào hoạt động từ đầu năm 2018.
Bên cạnh kế hoạch triển khai HMS Queen Elizabeth, Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn tỏ thái độ tức giận với báo cáo NATO đưa ra đầu tháng 12.2020.
“Trung Quốc phản đối cáo buộc sai trái và vô căn cứ. Chúng tôi theo đuổi chính sách quốc phòng mang tính phòng thủ”, theo phát ngôn viên Đàm.
Trước đó, báo cáo do nhóm cố vấn độc lập làm việc cho Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg soạn thảo xác định: “Về lâu dài Trung Quốc ngày càng có khả năng tăng cường sức mạnh quân sự trên toàn cầu – kể cả khu vực châu Âu - Đại Tây Dương. Nếu đồng minh bị Trung Quốc đe dọa, NATO phải ra tay bảo vệ một cách hiệu quả. NATO cần dành nhiều thời gian, nguồn lực chính trị và có nhiều hành động hơn nữa để đối phó thách thức từ Trung Quốc, tăng cường năng lực phối hợp chiến lược và bảo vệ đồng minh trước Trung Quốc”.
Bản báo cáo phản ánh quan điểm cứng rắn hơn của châu Âu đối với Trung Quốc, xuất phát từ hàng loạt lo ngại xung quanh việc quốc gia châu Á đẩy mạnh phát triển công nghệ, trì trệ mở cửa nền kinh tế, mở rộng ảnh hưởng địa chính trị tại nhiều nước đang phát triển.