Chồn được tiêm vắc xin COVID-19 sớm hơn cả người
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 08:32, 04/01/2021
Hàng tháng trước khi con người bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19, khoảng 120 cá thể chồn sương chân đen sống trong một trung tâm bảo tồn quốc gia Mỹ tại bang Colorado đã được chủng ngừa.
Dù chưa phát hiện cá thể chồn sương chân đen nào nhiễm COVID-19, nhưng giới chuyên gia xác định loài này rất dễ tử vong nếu mắc bệnh. Tại châu Âu đã ghi nhận trường hợp chồn nâu - “anh em họ gần” của chồn sương - mắc bệnh cùng một số ca nhiễm COVID-19 là người liên quan đến trang trại nuôi chồn.
Lây truyền qua lại giữa động vật và người đem lại cơ hội cho vi rút đột biến. Nhà vắc xin học Corey Casper thuộc Viện nghiên cứu Bệnh truyền nhiễm (IDRI) tại Mỹ cho biết: “Đối với vi rút gây bệnh hô hấp dễ lây lan, chú ý đến vật chủ động vật rất quan trọng. Nếu vi rút quay lại vật chủ động vật và đột biến hoặc thay đổi theo cách có thể tái lây nhiễm qua người, thì con người không có khả năng miễn dịch mầm bệnh này nữa”.
Chồn sương chân đen từng bị xác định tuyệt chủng trước khi vài cá thể được phát hiện tại Wyoming năm 1981. Nhờ chương trình nhân giống nuôi nhốt rồi thả về tự nhiên, hiện nay có khoảng 370 con chồn sống trong môi trường hoang dã.
Vắc xin tiêm cho chồn sương chân đen tại Colorado là loại tinh chế kết hợp trợ chất để thúc đẩy phản ứng miễn dịch, thay vì dựa vào RNA thông tin (mRNA) như vắc xin dùng cho người.
Đến nay cá thể chồn đã chủng ngừa vẫn khỏe mạnh và sở hữu kháng thể, nhưng chưa rõ vắc xin có đủ sức ngăn ngừa bệnh hay không.
COVID-19 bùng phát từ chợ hải sản Hoa Nam tại thành phố Vũ Hán. Ngoài hải sản và rau cải thì chợ còn bán thịt động vật hoang dã, cơ quan chức năng Trung Quốc tiến hành lấy hơn 1.000 mẫu từ xác động vật, nước thải, tay nắm cửa,... để tìm hiểu về dịch bệnh, tuy nhiên họ chẳng hề công bố bất cứ thông tin gì về loài động vật lấy mẫu hay về nghiên cứu với người và động vật liên quan đến khu chợ tiếp theo sau đó.