Hàng ngàn người Iraq hô hào trả thù Mỹ vì giết tướng Iran và chỉ huy lực lượng dân quân

Quốc tế - Ngày đăng : 12:16, 04/01/2021

Nhiều người Iraq hô vang chống Mỹ vì thương tiếc hai chỉ huy bị giết một năm trước.

Hàng ngàn người dân Iraq đã hô vang "trả thù" và "không với Mỹ" hôm 3.11, một năm sau khi máy bay không người lái của Mỹ giết chết thiếu tướng Qasem Soleimani (chỉ huy quân sự hàng đầu Iran) và Abu Mahdi al-Muhandis (chỉ huy lực lượng dân quân Iraq). Vụ tấn công diễn ra ở Thủ đô Baghdad của Iraq.

Nhiều người biểu tình ủng hộ Iran, trong đó có những người mặc đồ đen, tập trung đông đảo tại Quảng trường Tahrir ở trung tâm của Baghdad, nơi họ lên án Thủ tướng Mustafa al-Kadhemi là "kẻ hèn nhát" và "tay sai của người Mỹ".

hang-ngan-nguoi-iraq-ho-hang-tra-thu-my-vi-giet-tuong-iran-va-chi-huy-luc-luoc-dan-quan.jpg
Người biểu tình Iraq biểu tình tại Quảng trường Tahrir ở Baghdad đánh dấu một năm kể từ khi máy bay không người lái của Mỹ giết chết Qasem Soleimani và Abu Mahdi al-Muhandis

Lễ kỷ niệm cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Baghdad - khiến Washington và Tehran đến bờ vực chiến tranh vào đầu năm 2020 - cũng được đánh dấu trong những ngày gần đây trên khắp Iran và những người ủng hộ ở Syria, Li Băng, Yemen cùng các nơi khác.

Lễ tưởng niệm làm gia tăng mạnh căng thẳng trong khu vực những tuần trước khi Tổng thống Donald Trump, người ra lệnh giết Qasem Soleimani và Abu Mahdi al-Muhandis, rời Nhà Trắng.

Iran đã tổ chức một loạt các sự kiện tưởng niệm tướng Qasem Soleimani của người Shiite. Qasem Soleimani được xem là người bất tử trong các bức chân dung, tác phẩm điêu khắc, các bản ballad và một bộ phim truyền hình sắp ra mắt.

Iran hôm 3.1 cũng công bố cuốn tự truyện - tập trung phần lớn vào thời thơ ấu và giai đoạn đầu trưởng thành của Qasem Soleimani - và một con tem bưu chính để vinh danh ông.

Tại Iraq, mạng lưới bán quân sự Hashed al-Shaabi thân Iran do nhà nước bảo trợ mà Abu Mahdi al-Muhandis chỉ huy, đưa ra phá ngôn giận dữ trước cái chết của ông và tướng Soleimani, người đứng đầu chi nhánh hoạt động nước ngoài của Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran.

Cuộc biểu tình tại Baghdad hôm 3.1 như màn biểu dương lực lượng của các nhóm vũ trang, dù đã nằm trong bộ máy an ninh Iraq nhưng ngày càng thách thức chính quyền Thủ tướng Mustafa al-Kadhemi.

Hàng ngàn người đã tập trung tại địa điểm gần sân bay quốc tế Baghdad, nơi Mỹ tấn công hai phương tiện và giết chết Soleimani, Muhandis cùng 8 người đàn ông khác.

Dưới ánh nến, họ tôn vinh "những người tử vì đạo" của mình và lên án "Satan vĩ đại" của Mỹ tại địa điểm gần những bức tường vẫn còn hằn vết mảnh bom.

"Chúng tôi nói với Mỹ và những kẻ thù của Hồi giáo rằng họ có thể gây ra những hy sinh lớn nhất cho chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu bất chấp đổ máu", Batul Najjar, người ủng hộ mạng lưới bán quân sự Hashed al-Shaabi, nói.

Hashed al-Shaabi, phe mà Mỹ đổ lỗi cho các cuộc tấn công tên lửa nhằm vào đại sứ quán và quân đội nước này ở Iraq, ngày càng thách thức Thủ tướng Mustafa al-Kadhemi, người bị cáo buộc âm thầm giúp Mỹ trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Điều này một lần nữa đã làm tăng thêm căng thẳng ở đất nước bị chiến tranh tàn phá và mong manh về chính trị mà Mỹ đã tấn công vào năm 2003. Iraq vẫn chìm trong khủng hoảng kinh tế giữa lúc giá dầu thấp và đại dịch coronavirus.

Trước cuộc biểu tình ở Quảng trường Tahrir, Ahmed Assadi, một trong những lãnh đạo Hashed al-Shaabi, tuyên bố: "Abu Mahdi al-Muhandis, hàng triệu người chúng tôi sẽ đi ra ngoài để tô tượng chân dung của ông trên Tahrir".

Những tấm áp phích khổng lồ về Qasem Soleimani và Mahdi al-Muhandis đã được treo phía trên quảng trường mang tính biểu tượng, nơi cuối năm 2019 trở thành trung tâm các cuộc biểu tình chống chính phủ lớn, từ một tòa nhà bỏ hoang được gọi là nhà hàng Thổ Nhĩ Kỳ từng là trụ sở không chính thức của những người biểu tình.

"Chúng tôi đến để nói không với Mỹ và bất kỳ người chiếm đóng nào khác muốn đến, làm ô uế lãnh thổ của chúng tôi", Oum Mariam, một trong những người biểu tình, nói với AFP.

Sau vụ sát hại Soleimani, Quốc hội Iraq ban đầu đã bỏ phiếu để trục xuất các lực lượng Mỹ - nhưng bất chấp một số cuộc rút quân, khoảng 3.000 lính Mỹ vẫn ở lại nước này.

Trong bối cảnh căng thẳng bùng phát, người Iraq và nhiều người trong khu vực rộng lớn hơn đang hồi hộp theo dõi bất kỳ dấu hiệu leo ​​thang nào trước khi ông Trump rời Nhà Trắng vào ngày 20.1.

Tổng thống Trump đã đối đầu với kẻ thù lâu năm Iran bằng cách đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa Tehran và các cường quốc thế giới vào năm 2018, đồng thời phát động chiến dịch "gây áp lực tối đa" nhằm trừng phạt kinh tế và cô lập nước này.

Trump gần đây tweet rằng: “Mỹ đang nghe thấy những lời bàn tán về các cuộc tấn công tăng cường vào người Mỹ ở Iraq” cảnh báo rằng: "Nếu một người Mỹ bị giết, tôi sẽ buộc Iran phải chịu trách nhiệm. Hãy suy nghĩ lại".

Những ngày gần đây, các máy bay ném bom B-52 của Mỹ đã bay qua khu vực lần thứ hai trong vòng chưa đầy 1 tháng và một số người cho rằng đây là dấu hiệu hăm dọa Iran. Theo Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ - Christopher Miller, tàu sân bay USS Nimitz sẽ tiếp tục ở lại Vùng Vịnh do các mối đe dọa gần đây từ Iran.

Hôm 3.1, Hassan Nasrallah, người đứng đầu phong trào Hezbollah ở Li Băng được Iran hậu thuẫn, cho biết cái chết của tướng Qasem Soleimani là "đòn giáng mạnh" nhưng việc quân đội Mỹ rời khỏi khu vực vẫn là một "mục tiêu đã được tuyên bố".

"Bất cứ ai đặt cược rằng những vụ giết người, ám sát, chiến tranh, bao vây và trừng phạt sẽ ảnh hưởng đến quyết tâm của cuộc kháng chiến đều là sai lầm", ông Hassan Nasrallah nói trong một bài phát biểu trên truyền hình

Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran, Hossein Salami hôm 2.1 tuyên bố sẽ đáp trả bất kỳ hành động nào mà kẻ thù thực hiện bằng "một đòn có đi có lại, quyết đoán và mạnh mẽ".

Kể từ cuộc cách mạng Hồi giáo Iran và khủng hoảng con tin trong Đại sứ quán Mỹ ở Tehran (nhóm sinh viên Iran đã xông vào Đại sứ quán Mỹ tại Tehran bắt giữ hơn 60 nhà ngoại giao và công dân Mỹ làm con tin - PV) vào năm 1979, Iran và Mỹ đã hai lần đi đến bờ vực chiến tranh.

Nhân Hoàng