Quốc hội Trung Quốc trao thêm quyền lực Quân ủy Trung ương
Quốc tế - Ngày đăng : 12:23, 04/01/2021
Được biết, Ủy ban Quân sự Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, gọi tắt là Quân ủy Trung ương Trung Quốc hoặc CMC (tiếng Anh: China Military Commitee) là cơ quan quân sự cấp cao nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo và quản lý. Chức năng chính là lãnh đạo trực tiếp lực lượng vũ trang quốc gia. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình hiện là người phụ trách toàn bộ hoạt động của Quân ủy trung ương Trung Quốc.
Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc Trung Quốc (Quốc hội Trung Quốc) hôm 26.12.2020 đã thông qua Luật quốc phòng sửa đổi và luật có hiệu lực từ ngày 1.1.2021. Luật sửa đổi này đã thu hẹp vai trò của Quốc vụ viện Trung Quốc (chính phủ Trung Quốc) trong việc hoạch định các chính sách quân sự và ra quyết định, mặt khác mở rộng quyền lực đó cho CMC.
Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP), cho biết, các sửa đổi được Quốc hội Trung Quốc thông qua vào cuối năm ngoái sau hai năm cân nhắc. Luật mới gồm 50 điều được sửa đổi, 6 điều bổ sung và loại bỏ ba điều. Trong một cuộc họp báo vào đầu tháng trước, người phát ngôn của Quân ủy Trung ương cho biết những thay đổi đã mang lại cho quân đội Trung Quốc (PLA) một định hướng rõ ràng trong các mục tiêu hiện đại hóa và phát triển của mình.
Theo SCMP, lần đầu tiên, các cụm từ "phá vỡ" và bảo vệ "các lợi ích phát triển" được thêm vào luật quốc phòng sửa đổi của Trung Quốc, làm cơ sở cho việc huy động và triển khai binh sĩ và lực lượng dự bị.
Luật cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc xây dựng cơ chế phối hợp toàn quốc để huy động các doanh nghiệp và tư nhân và nhà nước tham gia nghiên cứu các công nghệ quốc phòng mới bao gồm vũ khí thông thường, cùng những lĩnh vực phi truyền thống như an ninh mạng, vũ trụ và điện từ.
Các nhà phân tích quân sự và chính trị nhận định luật quốc phòng Trung Quốc được sửa đổi nhằm củng cố vai trò lãnh đạo quân đội dưới thời ông Tập Cận Bình, cung cấp cơ sở pháp lý để đối phó với những thách thức giữa lúc đối đầu Mỹ - Trung gia tăng.
Deng Yuwen, cựu phó tổng biên tập tờ Study Times của Trung Quốc, cho biết các sửa đổi nhằm hợp pháp hóa và áp dụng tính chất "đặc biệt" của hệ thống chính trị và quốc phòng của Trung Quốc khi đối phó với các tình huống ở trong và ngoài nước có thể gây tổn hại đến quốc gia này.
"Bản chất chính trị của Trung Quốc rất khác so với nhiều quốc gia… không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh nâng cao vai trò lãnh đạo của CMC khi quân đội Trung Quốc (PLA) tiến ra bên ngoài để bảo vệ lợi ích quốc gia của Trung Quốc trên toàn thế giới", Deng, người hiện là một nhà bình luận chính trị độc lập tại Mỹ cho hay
Theo ông Deng, Bắc Kinh coi thành công trong việc kiểm soát đại dịch COVID-19 là minh chứng điển hình cho sự quản lý “sáng suốt” của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bối cảnh khi nhiều nước phương Tây vẫn đang phải vật lộn với số lượng ca nhiễm bệnh ngày càng tăng.
Chen Daoyin, một nhà bình luận chính trị độc lập và cựu giáo sư tại Đại học Khoa học Chính trị và Luật Thượng Hải, cho biết những thay đổi cho thấy đảng Cộng sản Trung Quốc đã có được sự tự tin để hợp pháp hóa nguyên tắc lâu đời của mình rằng "đảng cầm súng" và khẳng định vị thế “lãnh đạo tuyệt đối” đối với các lực lượng vũ trang và dự bị động viên.
“Động thái đưa 'lợi ích phát triển' làm lý do cho việc huy động vũ trang và chiến tranh sẽ tạo cơ sở pháp lý cho đất nước phát động chiến tranh dưới danh nghĩa hợp pháp để bảo vệ lợi ích phát triển quốc gia.
Zeng Zhiping, một chuyên gia luật quân sự tại Đại học Tô Châu, cho biết một trong những thay đổi quan trọng nhất của luật quốc phòng Trung Quốc là "giảm vai trò của Quốc vụ viện trong xây dựng nguyên tắc phòng thủ quốc gia" cùng quyền chỉ đạo và điều động các lực lượng vũ trang.
"Quân ủy Trung ương giờ chịu trách nhiệm định hình các nguyên tắc và chính sách quốc phòng, trong khi Quốc vụ viện trở thành cơ quan hỗ trợ cho quân đội. Đó là sự tương phản lớn khi so sánh với Israel, Đức và Pháp, những nước đặt lực lượng vũ trang dưới sự lãnh đạo của dân sự. Ở Mỹ, bộ quốc phòng do quan chức dân sự lãnh đạo đóng vai trò quan trọng hơn cơ quan tham mưu hàng đầu của họ là Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân", Zeng, cựu trung tá quân đội Trung Quốc, cho biết.
Trong khi đó, chuyên gia quân sự Chi Le-yi tại Đài Bắc cho rằng, các sửa đổi trong luật quốc phòng Trung Quốc nêu bật việc điều động các lực lượng vũ trang để trấn áp tình trạng phá rối trong nước, nhằm vào các lực lượng ủng hộ độc lập cho Đài Loan – hòn đảo vốn được Trung Quốc coi là một phần lãnh thổ và sẵn sàng sử dụng vũ lực để thống nhất nếu cần.
Ông Chi cho biết mục tiêu cuối cùng của luật quốc phòng sửa đổi có thể được coi là phản ứng mới nhất của Bắc Kinh với chính sách của Mỹ ngăn sự trỗi dậy của Trung Quốc.
"Đảng Cộng sản Trung Quốc hiện có nhận thức rõ ràng về khủng hoảng khi phải đối mặt với nhiều thách thức ăn ninh mới, thúc đẩy PLA sớm đưa ra chính sách quốc phòng mới sau khi thiết lập các hệ thống chỉ huy và điều phối từ trên xuống dưới dưới sự sự lãnh đạo của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Việc sửa đổi luật còn lời kêu gọi mang tính biểu tượng cho tất cả dân Trung Quốc về việc sẵn sàng chiến đấu trong một cuộc tổng động viên toàn quốc, điều mà đảng Cộng sản Trung Quốc chưa bao giờ thực hiện từ khi nắm quyền từ năm 1949", chuyên gia Chi nhận định.