‘Người hùng của Trump, tội đồ với Obama’ thoát cảnh bị dẫn độ về Mỹ và đi tù 175 năm
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 18:00, 04/01/2021
Theo BBC, thẩm phán đã chặn yêu cầu vì lo ngại về sức khỏe tâm thần của Julian Assange. Người đàn ông Úc 49 tuổi này bị truy nã vì công bố hàng ngàn tài liệu mật trong năm 2010 và 2011, thời ông Obama làm Tổng thống Mỹ.
Mỹ tuyên bố những vụ rò rỉ này vi phạm luật và gây nguy hiểm đến tính mạng người khác. Ông Julian Assange đã đấu tranh với việc dẫn độ và nói rằng vụ việc có động cơ chính trị.
Các nhà chức trách Mỹ cho biết sẽ quyết định kháng cáo. Luật sư Edward Fitzgerald nói sẽ nộp đơn xin tại ngoại cho Julian Assange vào ngày 6.1.
Thẩm phán Vanessa Baraitser đã đưa ra bằng chứng về việc Julian Assange tự làm hại mình và suy nghĩ tự tử khi nói: "Tôi nhận thấy rằng nguy cơ tự tử của ông Assange, nếu lệnh dẫn độ được đưa ra, là rất đáng kể. Ấn tượng chung là về một người đàn ông chán nản và đôi khi tuyệt vọng, lo sợ cho tương lai của mình".
Bà Vanessa Baraitser nói Julian Assange đôi khi bị trầm cảm nặng và đã được chẩn đoán mắc hội chứng Asperger - một dạng của bệnh tự kỷ. Một nửa lưỡi dao cạo được tìm thấy trong phòng giam ở London của Julian Assange vào tháng 5.2019 và ông ta nói với nhân viên y tế về ý định tự tử rồi lên kế hoạch kết liễu cuộc đời mình.
Tại tòa, các luật sư của Julian Assange lập luận rằng vụ này là chính trị và cuộc tấn công vào báo chí cùng quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, Vanessa Baraitser bác bỏ điều đó, nói rằng không có đủ bằng chứng cho thấy các công tố viên đã nhóm của ông Trump gây áp lực và có rất ít bằng chứng về sự thù địch của Tổng thống Mỹ vớ
Julian Assange.
Vanessa Baraitser nói rằng không có bằng chứng cho thấy Julian Assange sẽ không được xét xử công bằng ở Mỹ cũng như các công tố viên đang tìm cách trừng phạt nhà sáng lập Wikileaks và nói rằng hành động của ông đã vượt ra ngoài giới báo chí điều tra.
Song, Vanessa Baraitser nói rằng có một nguy cơ thực sự là nếu bị kết tội, Julian Assange sẽ bị giam trong nhà tù siêu an ninh ADX Florence (SAM) gần như cô lập hoàn toàn và ông ta sẽ tìm cách vượt qua các biện pháp ngăn chặn tự tử của họ.
“Tôi cho rằng, nếu Julian Assange phải chịu những điều kiện khắc nghiệt ở SAM, sức khỏe tâm thần của ông sẽ xấu đi đến mức sẽ tự sát”, Vanessa Baraitser nói.
Mặc bộ đồ hải quân và đeo khẩu trang, Julian Assange tỏ ra không mấy xúc động trước phán quyết. Bên ngoài tòa án, bà Stella Moris -
vợ chưa cưới Julian Assange nhưng cả hai đã có hai con trai - cho biết quyết định này là một thắng lợi nhưng mối đe dọa dẫn độ vẫn đeo bám chồng chưa cưới.
“Tôi kêu gọi Tổng thống Mỹ chấm dứt điều này ngay bây giờ: Thưa Tổng thống, hãy phá bỏ những bức tường nhà tù này, để những đứa con trai nhỏ của chúng ta có cha. Giải phóng Julian, giải phóng báo chí, giải phóng tất cả chúng ta”, Stella Moris nói.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết nước này sẽ tiếp tục tìm cách dẫn độ Julian Assange.
“Dù vô cùng thất vọng về quyết định cuối cùng của tòa án nhưng chúng tôi hài lòng rằng Mỹ đã thắng thế với mọi điểm luật được đưa ra. Đặc biệt, tòa án đã bác bỏ tất cả lập luận của ông Assange liên quan đến động cơ chính trị, hành vi phạm tội chính trị, xét xử công bằng và quyền tự do ngôn luận. Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm cách dẫn độ ông Assange sang Mỹ”, Marc Raimondi - phát ngôn viên của Bộ Tư pháp Mỹ tuyên bố.
Tháng 6.2020, Bộ Tư pháp Mỹ chính thức yêu cầu Anh dẫn độ
Julian Assange.
Nếu bị kết án ở Mỹ, Julian Assange sẽ phải đối mặt với hình phạt có thể lên tới 175 năm tù, các luật sư của ông cho biết. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ nói mức án có khả năng từ 4 đến 6 năm.
Các công tố viên Mỹ và các quan chức an ninh phương Tây coi nhà sáng lập WikiLeaks là kẻ thù liều lĩnh và nguy hiểm của đất nước, có hành động đe dọa tính mạng các đặc vụ có tên trong tài liệu bị rò rỉ.
Các nhà chức trách Mỹ cho biết hơn 100 người đã gặp rủi ro do bị tiết lộ thông tin và khoảng 50 người đã nhận được sự hỗ trợ, trong đó một số người đã bỏ trốn khỏi quê hương cùng vợ/chồng và gia đình để chuyển đến Mỹ hoặc một quốc gia an toàn khác.
Những người ủng hộ coi Julian Assange như người hùng vì vạch trần hành động sai trái của Mỹ trong các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, đồng thời cho rằng việc truy tố ông là cuộc tấn công có động cơ chính trị nhằm vào báo chí và tự do ngôn luận.
WikiLeaks nổi tiếng khi công bố một video quân sự của Mỹ vào năm 2010 cho thấy một cuộc tấn công năm 2007 bằng trực thăng Apache ở Baghdad khiến hàng chục người thiệt mạng, trong đó có hai nhân viên hãng tin Reuters. Sau đó, WikiLeaks đã phát hành hàng ngàn tập tin mật và điện tín ngoại giao.
Julian Assange phải đối mặt với bản cáo trạng gồm 18 tội danh từ Chính phủ Mỹ, cáo buộc ông âm mưu xâm nhập cơ sở dữ liệu quân sự Mỹ để lấy thông tin bí mật nhạy cảm liên quan đến cuộc chiến Afghanistan và Iraq, sau đó được công bố trên trang web Wikileaks.
Julian Assange nói rằng thông tin này đã phơi bày tội ác chiến tranh và sự lạm dụng của quân đội Mỹ ở Iraq. Thế nhưng, các công tố viên Mỹ nói rằng việc rò rỉ tài liệu đã được phân loại có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nhiều người nên Mỹ đã tìm cách dẫn độ Julian Assange khỏi Vương quốc Anh, nơi ông đang ở trong nhà tù Belmarsh.
Dẫn độ là quá trình mà một quốc gia có thể yêu cầu nước khác giao nghi phạm ra xét xử.
Những người ủng hộ Assange đã tụ tập bên ngoài Old Bailey (Tòa án hình sự trung tâm của Anh và xứ Wales) vào sáng 4.1. Julian Assange đã bị bỏ tù 50 tuần vào tháng 5.2019 vì vi phạm các điều kiện tại ngoại sau khi trốn trong Đại sứ quán Ecuador ở London.
Julian Assange đã tìm cách ẩn náu trong Đại sứ quán Ecuador trong 7 năm từ 2012 cho đến khi bị bắt vào tháng 4.2019.
Vào thời điểm chạy trốn đến đại sứ quán, Julian Assange phải đối mặt với việc bị dẫn độ sang Thụy Điển vì những cáo buộc tấn công tình dục mà ông phủ nhận. Vụ việc đó sau đó đã bị bỏ.
'Người hùng của Trump, tội đồ với Obama'
Julian Assange từng hứng bão chỉ trích vì công bố các tài liệu tuyệt mật của Chính phủ Mỹ nhưng hồi tháng 1.2017 lại được ông Donald Trump tung hô như người hùng.
Hôm 3.1.2017, ông Donald Trump khi đó là Tổng thống đắc cử Mỹ không tiếc lời khen ngợi Julian Assange, người mà hầu hết các thành viên đảng Cộng hòa đều không muốn nhắc tới.
Trong thời gian vận động tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2016, ông Trump không ít dịp tỏ thái độ hân hoan trước việc Wikileaks công bố loạt email đánh cắp từ Uỷ ban Toàn quốc đảng Dân chủ hay chiến dịch tranh cử của bà Clinton.
Từ đó đến nay, ông Trump vẫn tiếp tục ca ngợi sự minh bạch mà WikiLeaks mang đến, trong khi Tổng thống Obama cùng các quan chức hàng đầu khác chỉ trích, cho rằng WikiLeaks gây nguy hại vì làm rò rỉ những bí mật quốc gia quan trọng.
Trump cũng lên tiếng bảo vệ ông chủ WikiLeaks, người được Ecuador cho phép tị nạn tại Đại sứ quán ở London sau khi một tòa án Anh ra lệnh dẫn độ ông về Thụy Điển để đối mặt với cáo buộc quấy rối tình dục liên quan đến hai phụ nữ.
Những bình luận mà ông Trump đưa ra đồng điệu với các phương tiện truyền thông bảo thủ, một thời lên án WikiLeaks, nhưng nay lại có chiều hướng tung hô Assange như người hùng.