Khởi công xây dựng sân bay Long Thành: Dự án có tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay

Sự kiện - Ngày đăng : 12:28, 05/01/2021

Sân bay Long Thành nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia và là dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay.

Sáng 5.1, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và UBND tỉnh Đồng Nai đã tổ chức lễ khởi công xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 - dự án thành phần 3, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư.

Tại buổi lễ, ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch HĐQT ACV cho biết tổng mức đầu tư cho toàn bộ dự án là 336.630 tỉ đồng, được chia làm 3 giai đoạn.

Giai đoạn 1 sẽ đầu tư 1 đường cất hạ cánh và 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi hoàn thành, sân bay Long Thành có 4 đường cất hạ cánh, 4 nhà ga hành khách cùng với các hạng mục phụ trợ đồng bộ, công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.

thu-tuong-san-bay-long-thanh-1.jpg
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn nút phát lệnh khởi công sân bay Long Thành

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trong top 16 dự án sân bay được mong chờ nhất thế giới. Đây là dự án quan trọng đặc biệt cấp quốc gia và là dự án hạ tầng với tổng vốn đầu tư lớn nhất từ trước tới nay.

Theo một tổ chức quốc tế của Australia đánh giá nếu hoàn thành, đưa vào sử dụng thì sân bay này có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP từ 3-5%. Mục tiêu xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F, là mức cao nhất theo tiêu chuẩn của ICAO, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế và khu vực.

Sân bay Long Thành có vị trí địa lý và khí hậu thuận lợi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp thu các loại máy bay dân dụng lớn nhất, hệ thống giao thông kết nối đồng bộ. Vì vậy, khi hoàn thành và đưa vào khai thác sẽ là điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh các đường bay trong nước và quốc tế, tạo nền tảng phát triển cho Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, thúc đẩy kết nối nền kinh tế nước ta với thị trường ASEAN, châu Á và toàn cầu. Sân bay này cũng đồng khắc phục tình trạng quá tải tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng nhu cầu đi tăng trưởng của thị trường hàng không.

“Sân bay Long Thành sau năm 2030 sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á vì lý do chính là vị trí địa lý với 3 giờ bay có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới không chỉ kinh tế mà cả an ninh quốc phòng”, Thủ tướng nói.

thu-tuong-san-bay-long-thanh.jpg
Thủ tướng chỉ đạo tại buổi lễ

Đáng chú ý, để hoàn thành dự án đúng tiến độ đề ra, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, sớm khởi công, đưa sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào khai thác năm 2025.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Đồng Nai, TP.HCM, các tỉnh Đông Nam Bộ, kể cả một số tỉnh Tây Nam Bộ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng sớm có phương án kết nối giao thông với sân bay Long Thành một cách đồng bộ, kể cả phát triển đô thị, các khu du lịch, dịch vụ, trong đó hệ thống giao thông kết nối sân bay gồm ba tuyến đường bộ và hai tuyến đường sắt.

Những tuyến này cùng với sân bay Long Thành mở ra không gian phát triển mới cho vùng nhờ kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới thiên về sản xuất dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho cả vùng Đông Nam Bộ và cả nền kinh tế.

Trong khi đó, 22 sân bay còn lại của ACV cần tiếp tục phải nâng cấp, đảm bảo đón khách nhiều hơn nữa, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và khách quốc tế, kể cả sân bay ở miền núi. Như vậy, hệ thống sân bay Việt Nam, trong đó có sân bay Long Thành, sẽ đóng góp quan trọng vào sự hùng cường của Việt Nam trong thời gian tới.

thu-tuong-san-bay-long-thanh-2.jpg
Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành giai đoạn 1

Cũng tại buổi lễ, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng nói rằng đến nay, tỉnh này đã bàn giao khoảng 2.600 ha cho giai đoạn 1 dự án. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ tập trung lực lượng hoàn thiện diện tích còn lại trong năm 2021; kiến nghị sớm triển khai các tuyến cao tốc kết nối để bảm đảo giao thông khi dự án đi vào vận hành.

Theo đánh giá của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), từ nay đến năm 2030, Việt Nam là một trong 10 quốc gia có tốc độ phát triển hàng không cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đến năm 2025, nhu cầu hàng không của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đạt hơn 65 triệu hành khách, năm 2030 đạt khoảng 85 triệu hành khách.

Phan Diệu