'Phù phép' gia hạn sử dụng cho 3 tấn bánh quy hết date
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:25, 05/01/2021
Lực lượng quản lý thị trường Hà Nội ngày 5.1 đã đột xuất kiểm tra và bắt quả tang Công ty TNHH Chế biến nông sản Minh Quang có trụ sở chính tại Đội 4, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, Hà Nội do ông Lê Văn Hướng là đại diện theo pháp luật đang chứa, trữ một lượng lớn sản phẩm bánh Quy do nước ngoài sản xuất có dấu hiệu hết hạn sử dụng.
Ghi nhận tại đây có hơn 3 tấn bánh quy yến mạch hiệu "Torku" có nguồn gốc xuất xứ trên bao bì từ Thổ Nhĩ Kỳ đã hết hạn sử dụng từ tháng 2.2020 đang được công nhân ngang nhiên "gia hạn sử dụng" bằng máy dập date có sẵn tại doanh nghiệp. Ngoài ra, tại đây còn có nhiều loại máy móc khác như máy in, máy đóng gói bao bì, sản phẩm cùng hàng loạt các loại túi, vỏ hộp để đựng, đóng gói sản phẩm.
Ông Nguyễn Huy Cường - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) cho biết, phải mất một thời gian dài trinh sát Đội mới bắt quả tang vi phạm của doanh nghiệp này. Hầu hết các loại bánh, kẹo tại đây là hàng nước ngoài, được sản xuất từ năm 2018 và có hạn sử dụng đến tháng 2.2020. Doanh nghiệp này đã tiến hành vứt bỏ vỏ hộp với hạn sử dụng đã hết để chuyển sang một bao bì mới với hạn sử dụng mới dài hơn được in lại từ máy dập date có sẵn.
Đội Quản lý thị trường số 24 đã tiến hành lập biên bản vi phạm đồng thời tịch thu toàn bộ tang vật để tiếp tục làm rõ các sai phạm. Khảo sát trên thị trường thương mại điện tử hiện nay cho thấy giá một gói bánh quy yến mạch Torku rơi vào khoảng từ 55.000 - 60.000 đồng/gói và được bán nhiều trên các trang thương mại điện tử.
Gần Tết Nguyên đán 2021 là thời điểm các loại hàng dởm, hàng hết date, hàng nhập lậu... "tung hoành". Các tiểu thương đã không ngại "mua gian bán lận" để kiếm lợi nhuận cho dù sản phẩm đó có gây nguy hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Trao đổi với báo chí về việc kiểm tra hàng hóa trước dịp Tết Nguyên đán 2021 cận kề, đại diện Tổng cục Quản lý thị trường cho biết năm 2020, hoạt động kinh doanh tại địa phương gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh. Vì vậy, để đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà sản xuất và người tiêu dùng địa phương, lực lượng quản lý thị trường sẽ tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chú trọng công tác trinh sát, kiểm tra đột xuất.
Ngày 2.12.2020 là mở đợt cao điểm kiểm tra, kiểm soát thị trường dịp cuối năm 2020, trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021. Các hành vi vi phạm chủ yếu là kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc.
"Trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu - 2021, lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục tăng cường công tác trinh sát, nhân mối, nắm tình hình địa bàn, chú trọng kiểm tra đột xuất đối với các cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu phục vụ tết như rượu, bia, mứt, bánh kẹo, đồ điện tử, quần áo... Bên cạnh công tác kiểm tra kiểm soát, lồng ghép công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện theo quy định của pháp luật", đại diện Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh.