8 ứng dụng bị cấm giao dịch, Trung Quốc cay cú nói Mỹ ‘đạo đức giả’

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 21:00, 06/01/2021

Hôm 6.1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói Mỹ “đạo đức giả” để đáp lại động thái của chính quyền Trump để cấm giao dịch với 8 ứng dụng do các công ty nước này sở hữu.

AP đưa tin phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - bà Hoa Xuân Oánh nói với các phóng viên rằng chính quyền Trump tuyên bố đang bảo vệ an ninh quốc gia là “đạo đức giả”, dựa trên các phương pháp thu thập thông tin tình báo của Mỹ.

"Đây là một ví dụ khác về hành vi bắt nạt, độc đoán và bá quyền của Mỹ. Đây là một ví dụ về việc Mỹ đã quá khái quát hóa khái niệm an ninh quốc gia và lạm dụng quyền lực quốc gia để trấn áp các công ty nước ngoài một cách vô lý. Điều này giống như một tên xã hội đen muốn ăn trộm nhưng sau đó kêu gọi được bảo vệ khỏi bị cướp. Thật là đạo đức giả và nực cười làm sao", Hoa Xuân Oánh nói với giọng điệu cay cú.

Một lệnh hành pháp do Tổng thống Trump ký 5.1 đã cấm người Mỹ giao dịch với Alipay của Ant Group, WeChat Pay của Tencent và 6 ứng dụng khác, cho rằng chúng sẽ cho phép Chính phủ Trung Quốc truy cập thông tin cá nhân người dùng Mỹ.

Alipay, ứng dụng thanh toán và phong cách sống với hơn 1 tỉ người dùng, thuộc sở hữu của Ant Group (chi nhánh dịch vụ tài chính của Tập đoàn Alibaba). Alipay là đối thủ cạnh tranh với WeChat Pay.

Đang biến mất bí ẩn, tỷ phú Jack Ma là nhà sáng lập Alibaba và Ant Group.

bac-kinh-cay-cu-noi-my-dao-duc-gia-vi-cam-giao-dich-voi-8-ung-dung.jpg
Alipay là 1 trong 8 ứng dụng vừa bị Mỹ cấm giao dịch

Lệnh của ông Trump viết rằng: "Bằng cách truy cập vào các thiết bị điện tử cá nhân như smartphone, máy tính bảng và máy tính, các ứng dụng phần mềm được kết nối với Trung Quốc có thể truy cập và thu thập rất nhiều thông tin từ người dùng, bao gồm cả thông tin nhận dạng cá nhân nhạy cảm và riêng tư. Việc thu thập dữ liệu sẽ cho phép Trung Quốc theo dõi vị trí của các nhân viên và nhà thầu liên bang, đồng thời xây dựng hồ sơ thông tin cá nhân”.

Động thái này được xây dựng dựa trên lệnh của Tổng thống Trump vào tháng 8.2020, cấm người Mỹ giao dịch với ByteDance và Tencent, chủ sở hữu ứng dụng nổi tiếng TikTok và WeChat, nhưng sau đó đã bị đình trệ do vụ kiện tại tòa án.

"Tôi ủng hộ cam kết của Tổng thống Trump trong việc bảo vệ quyền riêng tư và an ninh của người Mỹ khỏi các mối đe dọa do Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra và Bộ Thương mại sẽ thúc đẩy các nhà chức trách tiếp tục sứ mệnh của chúng tôi để đảm bảo quốc gia, nền kinh tế và người dân Mỹ", Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross cho biết hôm 5.1.

Một quan chức Mỹ lưu ý rằng lệnh cho Bộ Thương mại Mỹ 45 ngày để hành động, nhưng Bộ này có kế hoạch thực hiện trước ngày 20.1 khi ông Trump rời nhiệm sở để xác định các giao dịch bị cấm.

Bất kỳ giao dịch nào mà chính quyền Trump cấm có khả năng phải đối mặt với các thách thức của tòa án, như Bộ Thương mại từng ra lệnh cấm giao dịch với WeChat và TikTok nhưng bị các thẩm phán liên bang Mỹ chặn.

Hành động mới nhất đã được tranh luận trong chính quyền một thời gian dài. Nhiều quan chức chính quyền đang mong muốn củng cố lập trường cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc trên một số mặt trận trước khi Trump rời nhiệm sở.

Tháng 12.2020, Bộ Thương mại Mỹ đã thêm hàng chục công ty Trung Quốc, bao gồm cả SMIC (nhà sản xuất chip hàng đầu của nước này) và SZ DJI Technology (hãng sản xuất máy bay không người lái), vào danh sách đen thương mại.

Cũng trong tháng trước, chính quyền Mỹ công bố danh sách các công ty Trung Quốc và Nga có quan hệ quân sự bị hạn chế mua một loạt hàng hóa và công nghệ của Mỹ.

Nhân Hoàng