Cần Thơ: Cảnh báo về ‘bộ ba bất bại’ và nhóm lừa đảo công nghệ cao
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 09:47, 07/01/2021
Trong những cách lừa đảo đó, Công an TP.Cần Thơ cảnh báo 9 phương thức thường gặp sau: giả danh cơ quan thực thi pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án; lừa đảo bằng hình thức tặng quà; chiếm quyền sử dụng tài khoản xã hội; lừa đảo qua email; lừa đảo kết bạn qua mạng xã hội; lừa đảo giao dịch mua bán online; giả danh nhân viên ngân hàng; giả danh tổng đài điện thoại; lừa đảo tạo ứng dụng hoặc website thương mại điện tử.
“Bộ ba bất bại” gồm những ai?
Trong các nhóm lừa đảo trên, Công an TP.Cần Thơ lưu ý về “bộ ba bất bại”, “bá chủ” tại sàn giao dịch tài chính SP 500. Đây là nhóm lừa đảo bằng cách tạo ứng dụng hoặc website thương mại điện tử. Chúng tạo ra website để lừa đảo với tên gọi là sàn giao dịch tài chính SP 500. Khi tham gia vào sàn giao dịch này, các nạn nhân được chỉ dẫn để gặp Nguyễn Thị Giàu (Louis Nguyễn), Phạm Văn Thanh (Jacky Phạm), Nguyễn Văn Thọ (Robert Thọ) với danh xưng là “bộ ba bất bại”. Chúng tự giới thiệu là đã đi học nước ngoài, có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính. “Bộ ba bất bại” sẽ hướng dẫn mọi người cách chơi trên sàn SP 500 để cùng nhau kiếm tiền.
Theo bộ ba này, người tham gia sẽ đầu tư bằng cách đặt một số tiền và dự đoán tăng hay giảm của một cặp tỉ giá tiền tệ hoặc giá cổ phiếu một công ty tại một thời điểm. Nếu dự đoán đúng sẽ được hưởng bằng số tiền đã đặt, nếu thua thì mất toàn bộ. Chúng rêu rao rằng sàn SP 500 là sàn giao dịch uy tín, có giấy phép ở Anh, không ủy thác tiền đầu tư, thanh toán dễ dàng nên đáng tin cậy. Công an TP.Cần Thơ cho biết thực chất sàn giao dịch này không phép mà chỉ do bộ ba này dựng lên và sự thắng thua của nhà đầu tư chúng đều quyết định được. Tất cả tiền đầu tư vào sàn này đều được nạn nhân chuyển qua cấp dưới của bộ ba này, hoặc chuyển tiền theo yêu cầu của những người khác qua tài khoản cá nhân. Sau một thời gian lừa được một số tiền lớn, nhóm lừa đảo này đánh sập sàn giao dịch.
Công an TP.Cần Thơ lưu ý các ứng dụng này hoạt động theo phương thức đa cấp, hoặc các website để giao dịch như ứng dụng thương mại điện tử BigBuy24h.com. Ứng dụng này hoạt động từ cuối năm 2018, tự nhận mình là một trong những sàn thương mại điện tử Việt Nam do Công ty Nghiên cứu thị trường iPrice công bố. Khi muốn mở gian hàng kinh doanh trên ứng dụng này, người dùng phải tải về điện thoại, đồng thời nhập mã giới thiệu là số điện thoại của nhân viên tư vấn, là chân rết của ứng dụng này.
Khi tạo được gian hàng, người tham gia muốn bán hàng còn phải đăng ký shop bao gồm địa chỉ cư trú, danh mục hàng muốn bán. Và quan trọng là phải nạp tiền vào ứng dụng BigBuy24h này mới có thể trao đổi mua bán. Người tham gia có thể nộp vào số dư trong tài khoản của shop hoặc nạp trực tiếp vào tài khoản công ty. Công an TP.Cần Thơ cho biết, cũng như ứng dụng MyAladdinz từng thực hiện, BigBuy24h cũng hoàn tiền nhỏ giọt, tỉ lệ rất thấp so với số tiền người đầu tư bỏ ra. Nếu người tham gia muốn kiếm thêm, chỉ có cách kéo thêm người khác tham gia để hưởng hoa hồng.
Ngoài ra số tiền này còn được quy đổi thành tiền ảo mang tên SBCoin. Trong khi đó, Việt Nam chưa công nhận tiền ảo như một phương tiện thanh toán chính thức. Trong số những tổ chức phi ngân hàng có giấy phép hoạt động trung gian thanh toán, cũng không có tổ chức nào là BigBuy24h. Sau khi thu hút được lượng lớn nhà đầu tư, BigBuy24h hiện đang tạm ngưng hoạt động, những nhà đầu tư hiện cũng không thể liên lạc được với người chịu trách nhiệm ở ứng dụng này. Với cách thức này, BigBuy24h đã chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng của khách hàng.
Cẩn trọng với thông tin cá nhân
Ngoài ra những kẻ lừa đảo sử dụng những phương thức lừa đảo giả danh cơ quan thực thi pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án; lừa đảo bằng hình thức tặng quà; chiếm quyền sử dụng tài khoản xã hội; lừa đảo qua email; lừa đảo kết bạn qua mạng xã hội; lừa đảo giao dịch mua bán online; giả danh nhân viên ngân hàng; giả danh tổng đài điện thoại. Công an TP.Cần Thơ lưu ý, kẻ lừa đảo thường đánh vào tâm lý của nạn nhân để hoạt động.
Để tiếp cận “con mồi”, kẻ lừa đảo thường đưa ra lý do nạn nhân đang nợ cước điện thoại hoặc có quà gửi, bưu phẩm, giấy triệu tập của tòa… Sau đó dẫn dắt khai thác thông tin của nạn nhân như ngày tháng năm sinh, số CMND, thông tin về tài sản… Sau đó sẽ có kẻ mạo danh công an, viện kiểm soát, tòa… và thông báo những thông tin này đã được dùng mở tài khoản ngân hàng và có phát sinh giao dịch liên quan đến những tội phạm nghiêm trọng. Đồng thời đe dọa bắt nạn nhân để điều tra.
Khi nạn nhân lo sợ, chúng sẽ yêu cầu chuyển tiền đến các tài khoản do chúng chỉ định để kiểm tra, khi tiền đã chuyển sẽ được lập tức rút ngay. Tinh vi hơn, một số kẻ còn yêu cầu nạn nhân cài những ứng dụng mạo danh cơ quan thực thi pháp luật, sau đó yêu cầu nhập thông tin tài khoản ngân hàng rồi chúng dùng những thông tin này để chuyển tiền đi mà nạn nhân không hay biết.
Công an TP.Cần Thơ xác định, nhóm tội phạm này có tổ chức, hoạt động xuyên quốc gia, có sự phân công nhiệm vụ chặt chẽ. Trong đó, nhóm người Đài Loan, Trung Quốc giữ vai trò chủ mưu, nhóm người Việt được thuê tìm kiếm danh sách bị hại, gọi điện lừa đảo. Dòng tiền lừa đảo này được “rửa” thông qua các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số hoặc đổi tiền bất hợp pháp ở các tỉnh biên giới phía bắc. Do đó, rất khó để truy vết số tiền này.
Với những phương thức còn lại, kẻ lừa đảo giả tặng quà, chiếm tài khoản mạng xã hội… chúng đánh vào vào lòng tham của nạn nhân. Chúng đưa ra một phần quà giá trị hấp dẫn nhưng sau đó lại yêu cầu một khoản phí nhỏ, hoặc yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu, CMND rồi lợi dụng vào những thông tin này để chiếm đoạt tài sản.
Mất công sức hơn hết là chiêu thức lừa đảo kết bạn qua mạng xã hội, chúng thường sử dụng hình đại diện là người lịch lãm, có công việc ổn định, là người ngoại quốc, nhiều tiền nhưng cuộc sống hôn nhân gặp trắc trở. Từ đó, chúng kết bạn với những người phụ nữ Việt Nam có công việc, thu nhập ổn định nhưng hoàn cảnh độc thân. Sau một thời gian nhắn tin làm quen, chúng sẽ ngỏ lời yêu đương và đặt vấn đề hôn nhân. Bước tiếp theo là chúng sẽ đề nghị tặng quà giá trị cực cao để làm “mồi nhử”. Nhưng chúng cũng đặt ra vấn đề là để nhận được quà thì nạn nhân phải đóng phí dịch vụ, phí hải quan, tiền phạt qua tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định. Khi nhận được tiền, chúng sẽ cắt đứt liên lạc.
Công an TP.Cần Thơ cảnh báo người dân không thực hiện yêu cầu hay cung cấp thông tin cá nhân như tài khoản ngân hàng, số điện thoại thường giao dịch với ngân hàng, địa chỉ nhà riêng… qua điện thoại cho những người lạ, nhất là những người xưng là đại diện cơ quan thực thi pháp luật. Bởi các cơ quan pháp luật chỉ gửi thư mời, triệu tập… khi có yêu cầu làm việc. Khi có giao dịch mua bán thông qua không gian mạng, cần hết sức thận trọng, không chuyển tiền đặt cọc khi không rõ thông tin, danh tính người bán.
Không cho mượn, thuê giấy tờ tùy thân, không mở tài khoản ngân hành rồi bán lại cho người khác nhằm tránh để tội phạm lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và gặp các vấn đề liên quan trách nhiệm pháp lý khi có tội phạm xảy ra.