Công trình ‘rùa’ chiếm giữ khu đất vàng ở Tiền Giang

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:16, 07/01/2021

“Công trình Trung tâm thương mại (TTTM) Mỹ Tho nhiều lần khởi công, cam kết đến ngày 18.1.2021 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng, nhưng hiện nay vẫn án binh bất động, đúng là 1 công trình… họ hứa”, ông Tư Sơn cho biết.

Công trình nhiều tai tiếng

Ngày 7.1, theo ghi nhận của PV, công trình cải tạo, nâng cấp TTTM Mỹ Tho (số 46-48 Lê Lợi, KP.2, P.1, TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) vẫn được rào chắn kín mít 4 phía, án binh bất động. Từ ngoài nhìn vào, những bức tường ở các tầng của công trình đồ sộ này vẫn nhem nhuốc, không khí im lặng, không thấy bóng thầy thợ thi công xây dựng. Ông Tư Sơn, một tiểu thương buôn bán ở chợ Mỹ Tho, lắc đầu ngán ngẩm: “Lần cuối tui nghe nói nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành dứt điểm việc cải tạo, nâng cấp cái TTTM này vào ngày 18.1.2021. Nhưng hôm nay là ngày 7.1, chỉ còn 11 ngày nữa là đến hạn chót, mà hiện trạng cái TTTM vẫn… như hồi mới khởi công. Theo tui, chỉ có “phép màu” mới có thể giúp cái TTTM này hoàn thành đúng ngày 18.1”.

1(5).jpg
Công trình TTTM Mỹ Tho sau nhiều năm cải tạo, nâng cấp vẫn án binh bất động, trong khi thời hạn cam kết hoàn thành là ngày 18.1.2021 (ảnh chụp ngày 7.1.2021) - Ảnh: Thanh Anh

Trên thực tế, công trình cải tạo, nâng cấp TTTM TP Mỹ Tho có nhiều tai tiếng, gây bức xúc trong dư luận người dân, cán bộ TP.Mỹ Tho và tỉnh Tiền Giang từ cuối năm 2018 đến nay.
TTTM TP.Mỹ Tho tọa lạc trên “khu đất vàng” rộng hơn 5.800 m 2, nằm lọt giữa 4 con đường Lê Lợi, Lê Đại Hành, Nguyễn Huệ, Lê Thị Phỉ thuộc khu buôn bán náo nhiệt, sầm uất nhất TP.Mỹ Tho. TTTM TP.Mỹ Tho được xây dựng vào năm 1995, đưa vào sử dụng vào tháng 6.1996, với tổng vốn xây dựng lúc đó là 45 tỉ đồng, là TTTM đầu tiên ở vùng ĐBSCL. Khi đưa vào hoạt động, TTTM Mỹ Tho có 4 tầng nổi và 1 tầng hầm, 1.818 quầy sạp, 77 ki-ốt loại 4m2 và 52 ki-ốt loại 9m2.

Sau nhiều năm hoạt động, do mặt bằng quầy sạp, ki-ốt chật hẹp, tiểu thương kinh doanh không hiệu quả nên tầng 3 và 4 của TTTM Mỹ Tho bị bỏ hoang. Đến tháng 10.2018, toàn bộ TTTM chỉ còn 108 hộ tiểu thương thuê 332 quầy sạp ở tầng trệt, tầng hầm để kinh doanh mua bán và làm kho chứa hàng hóa. Giữa năm 2018, UBND TP.Mỹ Tho quyết định cho Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Hợp Phát (P.8, Q.6, TP.HCM) đầu tư thực hiện công trình cải tạo, nâng cấp TTTM Mỹ Tho. Công trình có diện tích xây dựng hơn 3.255 m2, tổng diện tích sàn hơn 14.648m2, gồm 1 tầng hầm, 1 tầng trệt và 3 tầng lầu. Theo UBND TP.Mỹ Tho, công trình có tổng vốn đầu tư 120 tỉ đồng.

Tháng 10.2018, UBND TP.Mỹ Tho đã mời các hộ tiểu thương đang buôn bán trong TTTM đến làm việc, yêu cầu các tiểu thương phải di dời, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư trước ngày 29.10.2018. Lý do lãnh đạo UBND TP.Mỹ Tho đưa ra là Công ty Hợp Phát sẽ triển khai thực hiện dự án từ ngày 19.11.2018. Do đây là thời điểm cận Tết Nguyên đán 2019, mọi người đang tích trữ hàng hóa bán tết, nên các tiểu thương tha thiết đề nghị UBND TP.Mỹ Tho cho dời thời điểm bàn giao mặt bằng qua tết để giảm thiệt hại. Nhưng bất chấp những yêu cầu chính đáng của tiểu thương, lãnh đạo UBND TP.Mỹ Tho vẫn cương quyết yêu cầu các tiểu thương ra khỏi TTTM trước tết.

Nhưng mãi đến ngày 21.1.2019, Công ty Hợp Phát mới làm lễ khởi động công trình. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Phong Điền, Tổng Giám đốc Công ty Hợp Phát cho biết đến cuối năm 2019 công trình TTTM Mỹ Tho sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng, với tên gọi TTTM Viet Market. Nhưng hết năm 2019, qua đến năm 2020, do Công ty Hợp Phát thất hứa, nên dự án TTTM Mỹ Tho vẫn nằm ỳ như 1 “con tàu chết chìm” giữa lòng đô thị loại 1. Điều này gây nhiều bất bình, bức xúc cho các tiểu thương bị di dời, thiệt hại; đông đảo người dân, cán bộ đảng viên của TP.Mỹ Tho và tỉnh Tiền Giang.

Chính ông Nguyễn Quang Thành, Phó chủ tịch UBND TP.Mỹ Tho, trong các văn bản cũng thừa nhận là những lần đại biểu HĐND TP, HĐND tỉnh đi tiếp xúc cử tri, bà con cử tri của TP.Mỹ Tho đều có nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc về sự chậm trễ của TTTM Mỹ Tho. Theo thông tin PV có được, từ ngày 31.12.2019 đến ngày 31.3.2020, Công ty Hợp Phát mới nộp xong hơn 158,4 tỉ đồng tiền thuê đất, hơn 41 tỉ đồng tiền mua tài sản của TTTM Mỹ Tho, gần 34 triệu đồng tiền lệ phí trước bạ nhà đất và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2019, hơn 5,9 tỉ đồng tiền phạt do chậm nộp tiền thuê đất.

Đến ngày 8.4.2020, UBND tỉnh Tiền Giang mới ký hợp đồng cho phía Công ty Hợp Phát thuê đất, thời gian tính từ ngày 19.2.2019 đến hết ngày 19.2.2059. Và ngày 28.5.2020 Công ty Hợp Phát tiến hành khởi công dự án lần 2. Tại lần khởi công này, lãnh đạo Công ty Hợp Phát tiếp tục hứa: sẽ hoàn thành công trình vào ngày 18.1.2021. Nhưng cho đến nay, một lần nữa lãnh đạo Công ty Hợp Phát lại... "thất hứa".

Chỉ kiểm tra, động viên, nhắc nhở

Theo ông Nguyễn Quang Thành, trước sự chậm trễ của Công ty Hợp Phát đối với công trình TTTM Mỹ Tho, trong năm 2019 và 2020 UBND TP.Mỹ Tho đã thành lập nhiều đoàn kiểm tra, ban hành rất nhiều văn bản nhắc nhở, đôn đốc công ty này nhanh chóng thực hiện dự án, nhưng mọi chuyện vẫn ì ạch. PV đặt vấn đề tại sao chủ đầu tư dự án cố tình chây ì, triển khai dự án hết sức chậm chạp, gây dư luận không tốt, nhưng UBND TP.Mỹ Tho lại không có biện pháp khả thi nào để xử lý, chế tài, ông Thành cho biết, hiện tại UBND TP.Mỹ Tho không có biện pháp nào để chế tài nhà đầu tư, buộc họ phải đẩy nhanh tiến độ thi công dự án.

2(2).jpg
Những thông báo di dời địa điểm buôn bán của các tiểu thương dán trên hàng rào TTTM Mỹ Tho - Ảnh: Thanh Anh

Vì vậy, lâu nay giải pháp của UBND TP.Mỹ Tho chỉ là kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc, nhưng rõ ràng là… không có hiệu quả. Theo UBND TP.Mỹ Tho, phía Công ty Hợp Phát lý giải việc chậm trễ tiến độ thi công là do nhà đầu tư có thay đổi về các đối tác nước ngoài. Mặt khác, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 nên các chuyên gia nước ngoài của đối tác chưa thể vào Việt Nam làm việc. Phía Công ty Hợp Phát cũng có chiến lược kinh doanh mới, nên có thay đổi công năng sử dụng và kết cấu sàn của công trình theo yêu cầu của đối tác mới, nên phải ký hợp đồng mới với đơn vị tư vấn thiết kế về việc thay đổi kết cấu và trình Sở Xây dựng Tiền Giang thẩm định.

Theo ông Phạm Văn Trọng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, UBND tỉnh đã nắm được những thông tin liên quan đến việc nhà đầu tư TTTM Mỹ Tho thi công chậm chạp kéo dài, có dấu hiệu chây ỳ, gây dư luận không tốt. Tuy nhiên, việc xử lý công trình trì trệ này thuộc thẩm quyền của UBND TP.Mỹ Tho. Nếu UBND TP.Mỹ Tho cho rằng không có biện pháp nào để chế tài nhằm buộc phía Công ty Hợp Phát phải đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện các cam kết để hoàn thành công trình, là chưa đúng. Sắp tới, UBND tỉnh sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến công trình này, vì đây là công trình đang gây ra nhiều bức xúc trong dư luận.

Nhiều người dân TP.Mỹ Tho cho rằng , nhiều khả năng phía Công ty Hợp Phát đang “câu giờ” để tìm cách bán lại dự án này. Riêng việc UBND TP.Mỹ Tho cho rằng không có biện pháp để chế tài đối với Công ty Hợp Phát là vô lý. Bởi lẽ, trong hợp đồng của UBND tỉnh Tiền Giang cho Công ty Hợp Phát thuê đất, tại khoản 4, điều 5 ghi rõ: hợp đồng thuê đất sẽ chấm dứt nếu bên thuê đất bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai. Ở trường hợp này, việc Công ty Hợp Phát cố tình nhùng nhằng, nhiều lần chậm tiến độ thi công theo cam kết có thể xem là hành vi vi phạm hợp đồng. Vì vậy UBND TP.Mỹ Tho hoàn toàn có thể đề xuất UBND tỉnh Tiền Giang thu hồi đất cho thuê, để UBND TP có điều kiện thu hồi dự án, đấu thầu tìm kiếm nhà đầu tư mới thực hiện hoàn chỉnh công trình.

Thanh Anh