Triển vọng nào cho nền kinh tế Việt Nam năm 2021?
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 09:42, 08/01/2021
Trước diễn biến phức tạp, nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã hoàn thành "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch bệnh hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Bức tranh kinh tế năm 2020 ghi nhận nhiều điểm sáng, được cộng đồng trong nước và quốc tế ghi nhận.
Tuy nhiên, trong năm 2021, nền kinh tế Việt Nam được cho là vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi sự nỗ lực và quyết tâm giải quyết, khắc phục trong năm tới mới có thể đạt các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội đã đề ra.
Trao đổi với Một Thế Giới về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2021, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho biết năm 2021, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục chịu tác động từ 3 rủi ro chính bên ngoài là căng thẳng thương mại giữa các nước leo thang, dịch COVID-19 diễn biến khó lường và địa chính trị phức tạp, thiên tai ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế toàn cầu.
Giới chuyên gia trên thế giới đã cảnh báo về rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu có thể dẫn đến bong bóng tài sản tài chính nên Việt Nam cũng cần lưu ý vấn đề này.
TS Cấn Văn Lực cho rằng năm 2021 là năm có nhiều ý nghĩa khi hệ thống chính trị tiếp tục được kiện toàn với việc tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XV, đồng thời là năm đầu thực Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm (2021-2025).
Trong bối cảnh thế giới dự báo có nhiều biến động, đặc biệt là dịch COVID-19 còn phức tạp, khó lường. Vì vậy, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của Việt Nam sẽ vẫn là thực hiện thành công "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh hiệu quả vừa phục hồi và phát triển kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Vì vậy, vị chuyên gia này nhìn nhận tăng trưởng GDP năm 2021 của Việt Nam sẽ phục hồi mạnh hơn, dự báo có thể đạt 6,5-7%. Trong đó, động lực tăng trưởng chính của Việt Nam năm 2021 về cơ bản vẫn là ngành công nghiệp chế biến - chế tạo, ngành này được dự báo tăng khoảng 10-11%.
Tuy nhiên, áp lực về lạm phát năm 2021 sẽ tăng do tác động của đà hồi phục kinh tế, lộ trình tăng giá các mặt hàng, độ trễ của chính sách tiền tệ - tài khóa mở rộng. Do đó, CPI bình quân năm 2021 được dự báo sẽ tăng 3,5-3,7% so với năm 2020.
Để bức tranh kinh tế Việt Nam tươi sáng hơn, đạt mục tiêu mà Quốc Hội và Chính phủ đề ra cho năm 2021, TS Lực kiến nghị năm 2021 cần đẩy nhanh tiến độ triển khai các gói hỗ trợ, mở rộng và kéo dài các gói hỗ trợ, nhất là đối với các lĩnh vực chịu tác động mạnh như du lịch, hàng không, bán lẻ...
Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và giá cả nhằm kiểm soát lạm phát, trong đó cần xây dựng lộ trình và thực thi kế hoạch tăng giá các mặt hàng, thực thi hiệu quả các FTA thế hệ mới và thúc đẩy đầu tư công.
"Trong năm 2021, đầu tư công vẫn được xem là giải pháp quan trọng để hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau dịch COVID-19, song cũng cần lưu ý tính hiệu quả và thực chất của việc giải ngân đầu tư công", TS Lực nhấn mạnh.
Vị chuyên gia này đề nghị cần có kế hoạch, lộ trình và giải pháp phù hợp để kiểm soát nợ xấu nội bảng dưới 3%, nợ xấu gộp dưới 5%, giảm dần nợ công về khoảng 43-45% GDP, thâm hụt ngân sách về mức dưới 3,5% GDP và nghĩa vụ trả nợ dưới 25% thu ngân sách nhà nước đến cuối năm 2021-2022. Trong đó đặc biệt lưu ý đến việc theo dõi và phải có kịch bản đối với rủi ro bất ổn tài chính toàn cầu.