PGS-TS Đinh Trọng Thịnh: CPI tăng dưới 4% năm 2021 là mục tiêu khó khăn

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 10:43, 08/01/2021

Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng để có thể giữ tốc độ tăng CPI ở mức dưới 4% trong năm 2021 là một mục tiêu khó khăn.

Tổng cục Thống kê ngày 27.12.2020 thông báo GDP 12 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam tăng 2,91%, là mức tăng thấp nhất của nhiều năm qua của nền kinh tế. CPI bình quân năm 2020 tăng 3,23% so với năm 2019. Đây là mức tăng cao so với năm trước, nhưng thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu được Quốc hội giao.

Nếu xét theo tháng cụ thể, trong 6 tháng đầu năm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) theo tháng chỉ có tháng 1 tăng 1,23%, tháng 6 tăng 0,66% còn các tháng khác đều giảm, nhưng chỉ số CPI chung 6 tháng vẫn cao (4,19%) so với cùng kỳ năm 2019.

Bình quân năm 2020, CPI tăng 3,23% so với năm 2019; trong đó: CPI khu vực thành thị tăng 2,91%, khu vực nông thôn tăng 3,53% so với năm 2019. Lạm phát cơ bản năm 2020 tăng 2,31% so với năm 2019.

Năm 2021 có nhiều nhân tố phức tạp có thể đẩy chỉ số CPI tăng cao nên việc duy trì chỉ số CPI ở mức 4% là nhiệm vụ không đơn giản. Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính để làm rõ hơn về vấn đề này.

- Ông đánh giá thế nào về các biện pháp kiềm chế chỉ số lạm phát trong năm 2020?

- PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Nhìn lại việc kiềm chế lạm phát ở mức 3,23% trong năm 2020 của Việt Nam có thể có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân khách quan, trước hết, dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lây lan trên diện rộng đã làm cho nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái.

Theo IMF, nền kinh tế thế giới trong năm 2020 đã suy giảm 4,4%. Do các quốc gia thực hiện giãn cách để phòng chống dịch bệnh và nền kinh tế rơi vào khủng hoảng, sản xuất kinh doanh trì trệ, nhu cầu về dầu mỏ, các nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất kinh doanh đều sụt giảm, giá cả xuống thấp. Thậm chí giá dầu có thời điểm xuống rất thấp.

dinh-trong-thinh.jpg
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính

Với một nền kinh tế có mức độ mở cửa hội nhập sâu rộng và có kim ngạch nhập khẩu hàng hóa rất lớn thì đây là nhân tố góp phần kiềm chế tăng giá và lạm phát ở Việt Nam. Thứ hai, để góp phần đẩy lùi dịch bệnh để kích thích nền kinh tế phục hồi và phát triển, các quốc gia trên thế giới đã có các gói hỗ trợ kinh tế từ Ngân sách Chính phủ cực kỳ to lớn.

Chính vì vậy, giá trị các đồng tiền chủ chốt và các đồng tiền trong khu vực đều có xu hướng giảm sút. Đây là cơ hội để VND giữ vững giá trị, thậm chí lên giá. Mức lạm phát cơ bản thấp là cơ sở quan trọng để CPI luôn có mức tăng thấp.

- Vậy còn nguyên nhân chủ quan, phải chăng một phần do động thái giảm lãi suất điều hành, miễn, giảm các loại phí? Thưa ông?

- PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, lần đầu tiên tại Việt Nam chỉ trong vòng 1 năm, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất điều hành.

Theo đó, lãi suất điều hành đã giảm từ 1,5-2,0%/năm; trần lãi suất tiền gửi giảm từ 0,6-1,0%/năm; trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên giảm 1,5%/năm...

Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất điều hành đã hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, giảm chi phí vay vốn của người dân và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do tác động của COVID-19.

Động thái này đã tạo điều kiện cho việc các NHTM hạ lãi suất huy động và trên cơ sở đó dần hạ lãi suất cho vay, tạo điều kiện để các DN trong nền kinh tế có thể tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất thấp hơn.

Việc giãn, hoãn đòi nợ các khoản vay, tạm thời chưa chuyển nhóm nợ, thực hiện tái cơ cấu nợ cho các DN đã góp phần ổn định thị trường vốn và thị trường tiền tệ.

Chính phủ và Bộ Tài chính cũng đã có các gói hỗ trợ DN và nền kinh tế phục hồi và phát triển chưa từng có ngay trong và sau dịch COVID-19.

Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ miễn giảm hơn 20 loại phí, lệ phí cho các DN để giảm chi phí sản xuất.

Bên cạnh đó, để giải phóng lượng hàng hóa chưa bán hoặc không xuất khẩu kịp, các DN đều có chính sách khuyến mại, giảm giá bán các mặt hàng làm cho giá cả nhiều nhóm hàng có xu hướng giảm. Thậm chí lần đầu tiên trong nhiều năm ngành điện đã 2 lần giảm tiền điện cho các DN và người dùng, cũng làm CPI giảm thấp.

Bộ Tài chính với vai trò thường trực Ban chỉ đạo điều hành giá đã chủ động theo dõi, phối hợp với các Bộ, ngành và NHNN trong công tác điều hành giá xăng dầu, giá gas, giá dịch vụ giáo dục, vận tải và giá dịch vụ y tế và dịch vụ công khác vào các thời điểm phù hợp, đảm bảo nguồn cung cấp hàng hóa ổn định, đảm bảo sự ổn định giá cả trên thị trường, giúp tăng khả năng kiềm chế lạm phát.

lam-phat.png
Dự báo lạm phát 2021 sẽ tăng 

Năm 2021, nền kinh tế thế giới sẽ từng bước phục hồi dưới sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ các quốc gia. Trước hết, nhiều quốc gia trên thế giới đã phát triển được vắc -xin chống COVID-19 và đã có những quốc gia thực hiện tiêm chủng rộng rãi trong xã hội. Khi dịch bệnh được kiểm soát thì các quốc gia sẽ đẩy mạnh công cuộc phục hồi và phát triển kinh tế.

Mặc dù dịch bệnh có thể có diễn biến phức tạp, nhưng nhiều quốc gia đã dần quen với trạng thái “bình thường mới”, vừa nỗ lực phòng chống dịch, vừa bắt đầu từng bước phục hồi kinh tế.

Nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ có những bước phục hồi và phát triển. Nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về vật tư, linh phụ kiện và hàng hóa sẽ tăng cao. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng lên.

Hơn nữa, nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới trong thời gian dài vừa qua đã hạ thấp lãi suất, thậm chí áp dụng cơ chế lãi suất âm để thúc đẩy sản xuất. Dư địa và tác dụng của chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế rất hạn hẹp.

Để kích thích phục hồi và tăng trưởng kinh tế, các quốc gia chủ yếu sẽ sử dụng các gói hỗ trợ tài khóa. Điều này sẽ làm giá trị đồng tiền của nhiều quốc gia giảm giá. Đó cũng là nhân tố thúc đẩy lạm phát tăng cao.

- Ông có nghĩ năm 2021, cùng với việc kinh tế hồi phục sẽ đẩy lạm phát tăng cao?

- PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ sẽ tạo áp lực lớn đến mặt bằng giá cả, lãi suất, tỷ giá và lạm phát.

Trước hết, do việc phòng chống và kiểm soát tốt dịch bệnh, ý thức phòng chống dịch của người dân và toàn xã hội tăng cao, Việt Nam đã chuyển sang hình thức kiểm soát chặt chẽ biên giới, khoanh vùng dập dịch ngay tại gốc với phạm vi thích hợp, nền sản xuất của đất nước đã có những dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ trong quý 4.2020.

Nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu, về lao động tăng lên. Thu nhập của người dân cũng tăng cao đòi hỏi hàng hóa cũng phải đáp ứng đa dạng về mẫu mã, chất lượng và giá cả. Cầu tiêu dùng tăng cũng là một nhân tố có thể thúc đẩy lạm phát tăng cao.

Mặt khác, thời gian vừa qua lãi suất ngân hàng đã xuống tương đối thấp. Khi sản xuất phục hồi, nhu cầu về vốn tín dụng tăng cao sẽ có khả năng thúc đẩy lãi suất và lạm phát tăng cao.

Hơn nữa, trong thời gian gần đây do lãi suất thấp, một lượng tiền lớn có thể đã chuyển hướng vào lĩnh vực bất động sản, nên dù đại dịch bùng phát, nhưng giá cả các phân khúc của thị trường này không giảm, thậm chí ở nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM còn tăng cao.

Đặc biệt, có một lượng tiền lớn đang chảy mạnh vào thị trường chứng khoán. Nếu 30.3.2020 VN-Index khoảng 660 điểm thì đến 5.1.2021 đã tăng lên đến 1.130 điểm.

Đây có thể là dấu hiệu nền kinh tế phục hồi rất tốt và kỳ vọng sáng sủa của các nhà đầu tư vào sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Nhưng cũng cần theo dõi chặt chẽ sự biến động trên cả hai thị trường này để tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường và thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.

Thêm vào đó, khả năng vốn FDI sẽ tiếp tục tăng cao trong năm 2021 cũng sẽ là một nhân tố có thể đẩy lạm phát tăng cao.

- Ông có thể đưa ra một số dự báo cụ thể cho lạm phát năm 2021 không?

- PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Dự báo trong năm 2021, nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới phục hồi chậm, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,0% - 6,7% thì khả năng lạm phát sẽ trong khoảng 3,3% (cộng, trừ 0,5%).

Nếu dịch bệnh được khống chế sớm, kinh tế thế giới phục hồi tốt, kinh tế Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do và những thay đổi lớn trong nền kinh tế thế giới, tăng trưởng 6,8% - 7,4% thì khả năng lạm phát có thể sẽ là 3,8% (cộng, trừ 0,5%).

- Như vậy, việc giữ tốc độ tăng CPI 4% là một mục tiêu không đơn giản, theo ông cần những giải pháp gì?

- PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Để có thể giữ tốc độ tăng chỉ số CPI ở mức dưới 4% trong năm 2021 như chỉ tiêu của Quốc hội là một mục tiêu khó khăn, cần thực hiện tốt một số biện pháp như tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 bùng phát trở lại và phòng ngừa các dịch bệnh sẽ là tiền đề tốt cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng.

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các DN và các tầng lớp dân cư, tránh tình trạng “lạm phát do tâm lý”.

NHNN cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính – tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số CPI.

tieu-dung.jpg
Kinh tế hồi phục, dự báo chỉ số CPI sẽ tăng

Tổng cục quản lý thị trường Bộ Công thương và Cục quản lý giá Bộ Tài chính cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả.

Đặc biệt, cần có sự theo dõi chặt chẽ sự biến động trên cả thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán, tránh các tình huống có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.

Đối với các hàng hóa được mua sắm bằng tiền từ nguồn NSNN, hàng hóa dự trữ quốc gia, hàng hóa, dịch vụ phục vụ công ích cần được kiểm tra tính xác thực, tính đầy đủ và chính xác. Với những hàng hóa, dịch vụ có thể đấu thầu cần tổ chức đấu thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ công ích để đảm bảo tính cạnh tranh, tính hiệu quả và công bằng.

Cùng với đó, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về điều hành giá; công khai, minh bạch các thông tin về giá, đặc biệt là đối với các mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá, các mặt hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá, tránh lạm phát kỳ vọng, tránh các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả của một số mặt hàng và mặt bằng giá cả của nền kinh tế.

Đồng thời, cần có các cơ chế theo dõi, quản lý giá thường xuyên giữa các cơ quan có liên quan và có chế tài xử lý nghiêm khắc để các chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành phải được các DN và các tầng lớp dân cư thực thi một cách toàn diện và nghiêm túc.

Nền kinh tế Việt Nam đã bắt đầu trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới sau đại dịch COVID-19, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về giá, đẩy nhanh việc xây dựng và điều chỉnh các định mức kinh tế - kỹ thuật để làm cơ sở xác định giá hàng hóa, dịch vụ cho các loại hình của dịch vụ y tế, giáo dục, xã hội theo đúng lịch trình tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện vào giá và lộ trình cổ phần hóa các đơn vị sự nghiệp công lập.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai xây dựng và số hóa Cơ sở dữ liệu quốc gia về giá, thực hiện kết nối thông tin giữa các cơ quan quản lý giá của các bộ, ngành và các địa phương trong cả nước, nhằm cung cấp thông tin về giá chính xác, kịp thời và có cơ sở lịch sử, cơ sở khoa học.

- Xin cám ơn ông.

Lam Thanh