Hàng vạn lao động ở nước ngoài chưa thể về nước do không có chuyến bay
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 11:22, 11/01/2021
Theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, do tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, thị trường lao động từ đầu năm đến hết quý 3/2020 có nhiều biến động.
Cụ thể, lực lượng lao động có xu hướng giảm, số lao động mất việc làm tiếp tục gia tăng dẫn đến tình trạng thất nghiệp diễn biến khó lường; tỷ lệ thất nghiệp của lực lượng lao động trong độ tuổi lao động khu vực thành thị cao nhất trong 10 năm trở lại đây; tỷ lệ thiếu việc làm tăng, thu nhập của người làm công hưởng lương giảm.
Bước sang quý 4/2020, thị trường lao động phục hồi, nhiều lĩnh vực có tín hiệu tốt, các ngành, nghề, lĩnh vực bị đứt chuỗi, lao động bị ngừng việc đã trở lại thị trường.
Công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Khi dịch bùng phát mạnh trên thế giới, Bộ đã chỉ đạo tạm dừng tuyển chọn, đào tạo và tổ chức xuất cảnh cho người lao động; kiểm soát chặt chẽ số lao động xuất cảnh; tăng cuờng công tác quản lý, nắm tình hình và đảm bảo quyền lợi của người lao động trong trường hợp bị ảnh hưởng của dịch.
Tính đến thời điểm hiện tại, có khoảng hơn 26.000 lao động Việt Nam ở nước ngoài phải về nước do dịch, nhưng chưa thể về nước do không có chuyến bay.
Trong đó, theo số liệu cập nhật, có hơn 8.000 lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài được đưa về nước an toàn trên các chuyến bay thương mại và các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước (Tổng số chuyến bay: 73 chuyến bay, trong đó: Đài Loan: 19 chuyến bay, Hàn Quốc: 14 chuyến bay, Nhật Bản: 40 chuyến bay).
Bên cạnh đó, hoạt động đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại các thị trường trọng điểm (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc) tiếp tục duy trì, tăng cường quản lý, chấn chỉnh để ổn định và phát triển bền vững; đồng thời, xây dựng kế hoạch, đàm phán, ký kết để mở rộng các thị trường tiếp nhận lao động mới.
Ước tính cả năm 2020 giải quyết việc làm khoảng 1,34 triệu người, đạt 83,8% kế hoạch và bằng 81,2% so với thực hiện năm 2019; trong đó, tạo việc làm trong nước khoảng 1,27 triệu người; đưa trên 78 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Tính chung cả năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,61% (đạt mục tiêu); tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2020 dự kiến đạt 64,5%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5% (riêng tỷ lệ lao động trong độ tuổi qua đào tạo có bằng, chứng chỉ dự kiến đạt 26,5%).
Trong tình hình các nước thất nghiệp cao thì kết quả giải quyết việc làm trong năm qua là một thành quả xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của Chính phủ và Nhân dân trong phục hồi, duy trì phát triển kinh tế - xã hội.
Giai đoạn 2016-2020, thị trường lao động có sự chuyển biến tích cực; lực lượng lao động cả nước năm 2020 tuy giảm so với năm 2019 do ảnh hưởng của dịch COVID-19 song vẫn có xu hướng tăng trong cả giai đoạn; tỷ lệ tham gia lực lượng lao động luôn duy trì trên 70%; số lao động có việc làm tăng lên hàng năm, lao động làm công hưởng lương có xu hướng tăng.
Bên cạnh đó, hệ thống trung tâm dịch vụ việc làm tiếp tục được đầu tư để tăng cường kết nối cung - cầu lao động, rút ngắn thời gian tìm việc làm của người lao động, thời gian tuyển dụng của người sử dụng lao động, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động.
Các giải pháp duy trì và phát triển các thị trường lao động ngoài nước tiếp tục được thực hiện đồng bộ, mở mới nhiều thị trường tiềm năng ở châu Âu (Séc, Đức, Áo, Bulgari, Rumani.…).
Hoạt động đưa người lao động Việt Nam sang làm việc tại các thị trường trọng điểm (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Malaysia) tiếp tục được tăng cường quản lý, chấn chỉnh. Công tác tạo nguồn, đào tạo tay nghề, kỷ luật lao động, ngoại ngữ cho lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài được đẩy mạnh.
Ước tính 5 năm cả nước giải quyết việc làm gần 8 triệu người, đạt mục tiêu đề ra; trong đó: Giải quyết việc làm trong nước trên 7,3 triệu người; đưa trên 634 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (vượt chỉ tiêu 27%, về đích kế hoạch 5 năm trước 1 năm); hiện tại có gần 550 nghìn người lao động Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài.
Tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi khu vực thành thị luôn duy trì ở mức dưới 4%; cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực, tỷ lệ lao động khu vực nông lâm ngư nghiệp giảm từ 45% năm 2015 xuống còn 32% năm 2020.
Ngoài ra, theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, hết năm 2020 có khoảng 16,047 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, chiếm khoảng 33,2% lực lượng lao động trong độ tuổi (tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc khoảng 15 triệu người, tăng 24,5% so với cuối năm 2015.
Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là hơn 1 triệu người, tăng 365,4% so với cuối năm 2015); trên 13,27 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp, chiếm 27,5% lực lượng lao động trong độ tuổi.
Riêng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện tăng nhanh, chỉ trong 2 năm 2019-2020 đã phát triển mới khoảng 750.000 người, gấp 3 lần giai đoạn 10 năm trước đây và về đích trước 2 năm so với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Thu nhập bình quân của người lao động từng bước được cải thiện; giai đoạn 2016-2019 tiền lương bình quân tháng của lao động làm công hưởng lương có tốc độ tăng khá cao đạt 9,01%/năm.