Gia tăng bệnh nhân nhập viện vì viêm đường hô hấp và đột quỵ, bác sĩ khuyến cáo
Thông tin Y học - Ngày đăng : 12:53, 11/01/2021
Những ngày qua thời tiết miền Bắc lạnh sâu đột ngột khiến nhiều bệnh nhi nhập viện vì hô hấp tăng lên khá nhanh, thậm chí tại các bệnh viện lớn gần như đã hết giường bệnh nội trú.
Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Trung ương, tính đến chiều ngày 10-1, tổng số bệnh nhi đến khám là 1.436. Toàn bệnh viện hiện có 1.864 bệnh nhân nội trú (tổng số giường nội trú thực kê hiện có 2.184). Số lượng bệnh nhân nội trú hiện có tại các Trung tâm hầu hết đã đạt xấp xỉ 100%, thậm chí vượt số giường thực kê.
Giám đốc trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương - PGS, TS Lê Thị Hồng Hanh cho biết thời tiết lạnh sâu đột ngột khiến nhiều trẻ em nhập viện. "Trời lạnh, không khí lạnh sẽ làm cho niêm mạc và đường thở hanh khô, là điều kiện thuận lợi cho vi trùng, virút dễ thâm nhập nên trẻ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp. Những ngày bình thường bệnh viện tiếp nhận từ 15-20 bệnh nhi bị viêm đường hô hấp hoặc nhiễm vi rút hợp bào hô hấp, tuy nhiên những ngày gần đây do thời tiết lạnh sâu nên số lượng bệnh nhân nhập viện tăng từ 35-50 bệnh nhân. Các bác sĩ phải làm việc liên tục và nhiều người phải nằm ghép giường, luân chuyển dần về các khoa để tránh lây nhiễm chéo bệnh giữa các bệnh nhân từ nặng sang nhẹ".
Thời tiết chuyển lạnh không chỉ làm trẻ dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp mà còn khiến nhiều trẻ dễ bị lên cơn suyễn. Các bác sĩ chuyên khoa hô hấp cũng khuyến cáo cha mẹ nên cẩn trọng đối với các bệnh nhân đã có tiền sử bệnh hen suyễn trước đó, cần sử dụng thuốc đúng thời gian hoặc ngưng là dễ làm bệnh chuyển biến nặng.
Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi trung ương, khoa Hồi sức tích cực, đa số các bệnh nhi từ lứa tuổi 6 tháng đến 4-5 tuổi bị bệnh về đường hô hấp rất nhiều. "Bệnh lý hô hấp viêm đường hô hấp cấp tính phân loại hai mức độ: viêm hô hấp trên thông thường như viêm mũi, họng, amidan, viêm tai giữa. Viêm hô hấp dưới phế quản, tiểu phế quản, phổi nặng hơn. Bệnh nhi vào viện thường do viêm đường hô hấp dưới. Bệnh viêm đường hô hấp, các bệnh nhi sẽ ho rất nhiều vì có đờm đặc, kèm với khí hậu cũng dễ dẫn đến trẻ vừa bị hô hấp vừa bị tiêu chảy đi kèm do nhiễm vi khuẩn. Chính vì thế ở trẻ dưới 2 tuổi cha mẹ không phát hiện kịp thời sẽ gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Cha mẹ cần biết cách chăm sóc con mình trong thời tiết giá rét, giữ ấm cơ thể, cho trẻ em ăn thức ăn nóng ấm để luôn giữ nhiệt độ cơ thể ổn định" - bác sĩ Hanh cho hay.
Trong những ngày trở lạnh này, các bác sĩ lưu ý cha mẹ cần mặc đủ ấm cho trẻ, hạn chế cho trẻ ra ngoài trời. Nên chích ngừa cúm, chích vắc xin để phòng ngừa phế cầu cho trẻ. Cho trẻ uống nhiều nước để tránh hiện tượng mất nước, ăn nhiều rau, trái cây để có nhiều vitamin. Không nên cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 2 tuổi, tiếp xúc với người mắc bệnh về hô hấp.
Không chỉ trẻ em ở bệnh viện Nhi trung ương mà ở người già các bệnh về hô hấp, tim mạch (đột quỵ, tai biến...) là những chứng bệnh đáng lo ngại khi trời lạnh. Ghi nhận tại Bệnh viện lão khoa trung ương, thời gian gần đây tỷ lệ người nhập viện vì lạnh hoặc đột quỵ đang dần trẻ hóa khá nhiều. Các bác sĩ khuyến cáo vào khi thời tiết lạnh, người già hay người có tuổi không nên tản bộ hoặc đi thể dục ngoài trời quá sớm hoặc quá muộn, không nên tắm và gội cùng thời điểm.
Theo bác sĩ Lương Quốc Chính - Khoa cấp cứu bệnh viện Bạch Mai cho biết trong những ngày trời giá lạnh mỗi ngày khoa tiếp nhận khoảng hơn 100 bệnh nhân vào cấp cứu nội khoa, trong đó có tới 30-40% trường hợp do đột quỵ.
"Người nhà khi thấy bệnh nhân bị đột quỵ đừng vội vàng cho uống thuốc gì mà chưa có chỉ định của bác sĩ, thậm chí nhiều gia đình cứ cho uống ngay viên An cung ngưu hoàn - đây là điều cực kỳ nguy hiểm. Bởi bệnh nhân đột quỵ rơi vào trạng thái hôn mê, việc uống nước còn không tự chủ thì việc uống viên thuốc to sẽ càng khó, dễ gây ngạt đường thở. Người nhà chỉ nên sơ cứu cho bệnh nhân bằng cách để phần đầu và lưng bệnh nhân nằm nghiêng 45 độ so với cơ thể để tránh thức ăn, đờm rơi vào mũi, miệng, phổi. Mở cổ áo kiểm tra hô hấp, nếu bệnh nhân ngừng tim phải xoa bóp tim ngoài lồng ngực. Nếu người bệnh co giật, người nhà phải lập tức lấy chiếc đũa đã được quấn lớp vải để ngáng ngang miệng bệnh nhân, tránh để người bệnh cắn vào lưỡi" - bác sĩ Chính thông tin.