Rủi ro 'rình rập', chứng khoán Việt Nam thiếu bền vững
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 12:54, 11/01/2021
Thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2020 đã phục hồi nhanh từ đáy cuối tháng 3.2020. Đến hết ngày 31.12.2020, VNIndex đạt 1.103,87 điểm, tăng 70% kể từ đáy tháng 3 và tăng 14,86% so với đầu năm, mức tăng này tương đương với mức tăng của các thị trường trong khu vực.
Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt gần 5,1 triệu tỉ đồng, tương đương 80% GDP, tăng 14% so với năm 2019. Đặc biệt, thanh khoản thị trường bùng nổ, đạt mức bình quân trên 14.000 tỉ đồng/phiên trên sàn chứng khoán TP.HCM.
Về thị trường trái phiếu, trong năm, có đến 333.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ được phát hành, tăng 68,4% so với năm 2019. Lãi suất bình quân ở mức 2,86%/năm. Đối với trái phiếu doanh nghiệp, khối lượng phát hành khoảng 348.400 tỉ đồng tính đến hết tháng 11.2020, tăng 14,7% so với cả năm 2019.
Với bức tranh tràn đầy điểm sáng năm qua khi dịch COVID-19 được kiểm soát, chứng khoán Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường phục hồi nhanh và mạnh nhất thế giới. Theo thống kê của IndexQ, tính đến ngày 6.11.2020, VN-Index đã tăng 11,7% và đứng thứ 4 trong Top 10 thị trường tăng tốt nhất.
Trao đổi với PV Một Thế Giới về nguyên nhân tăng trưởng của thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua, chuyên gia kinh tế - TS Cấn Văn Lực cho rằng năm 2020, dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát tốt khiến nền kinh tế vẫn tăng trưởng dương. Do đó vẫn duy trì được niềm tin của nhà đầu tư. Cổ phiếu của các ngành hưởng lợi từ dịch bệnh như: công nghệ thông tin, viễn thông, thương mại điện tử, xây dựng... tăng giá mạnh.
Trong khi đó, lãi suất thấp thu hút nhà đầu tư bỏ tiền vào cổ phiếu hơn là gửi tiết kiệm hoặc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong năm 2020, thị trường có thêm gần 340.000 tài khoản mới, nhất là khi lợi nhuận đầu tư chứng khoán hiện nay có vẻ hấp dẫn hơn các kênh đầu tư hợp pháp khác.
Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng cho rằng tính kết nối giữa thị trường chứng khoán Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang lỏng lẻo, thậm chí là ngược chiều nhau. Cụ thể là khi nền kinh tế suy thoái hoặc tăng trưởng thấp nhưng chỉ số chứng khoán vẫn tăng cao.
Điều này thực sự đang tiềm ẩn nhiều rủi ro và khiến thị trường chứng khoán Việt Nam thiếu bền vững. Trong ngắn hạn, rủi ro đang ở mức khá cao khi dựa vào dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân. Dòng tiền này có thể vào nhanh nhưng cũng có thể rút rất nhanh khi có biến động nào đó xảy ra.
"Đơn cử như thời điểm chứng khoán hồi phục kể từ khi thị trường rơi vào trạng thái bán tháo, nhiều cảnh báo đã được đưa ra khi số lượng giao dịch tăng trưởng tích cực trong giai đoạn thị trường khó lường với mức biến động mạnh. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro", vị chuyên gia này nhấn mạnh