Cần Thơ: Tương lai về những khu vườn ‘thần kỳ’
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 15:48, 11/01/2021
Một bác nông dân từ tận Sóc Trăng, ra Hà Nội thăm cháu. Buổi sáng, tiết trời Hà Nội se lạnh, bác ngồi bên ly cà phê bốc khói với đứa cháu, rối móc cái điện thoại ra, bấm bấm. Ngay lập tức, 1 tin nhắn hiện ra: “Máy bơm đã khởi động”. Bác biết, những gốc cây trong khu vườn của mình ở tận tỉnh Sóc Trăng - cách nơi bác ngồi hàng ngàn km đang được tưới.
Vài phút sau, bác lại cầm điện thoại, bấm lệnh tắt. Ngay lập tức, 1 tin nhắn nữa hiện trên màn hình điện thoại: “Máy bơm đã tắt”… Bác thở phào, những gốc cây trong vườn nhà mình đã “uống” đầy nước cho bữa “điểm tâm” sáng.
Hệ thống điều khiển bơm tưới từ xa này thông minh đến nỗi, nếu mương vườn của bác không nước, máy bơm hút không được, lập tức sẽ có tin nhắn gửi về điện thoại, cảnh báo về nguồn nước. Bởi nếu máy bơm không rút nước, chạy không bao lâu sẽ rất nóng, cháy cả máy. Nếu bác nông dân không hồi âm lệnh tiếp theo, 3-5 phút sau máy sẽ tự động được tắt để tránh sự cố. Còn không, bác nông dân phải nhờ ai đó ở nhà chạy ra xem nguồn nước, rồi bấm lệnh tiếp theo…
Hàng ngày, hàng tháng, trên 1 ô nhỏ của hộp điều khiển sẽ cập nhật số lượng điện mà máy bơm đã xài mất bao nhiêu. Nhờ vậy, bác nông dân có thể tính toán chi phí của mình. Và nếu khu vườn quá lớn, thay vì phải sử dụng máy bơm công suất lớn khá đắt tiền, thì bác chỉ cần áp dụng cách tưới luân phiên - xong khoảnh vườn này mới bơm đến khoảnh vườn khác. Chỉ cần lập trình từ đầu, cả khu vườn rộng lớn sẽ được tưới hết mà chỉ cần chiếc máy bơm công suất thấp…
Đó là những ưu điểm của hệ thống điều khiển từ xa bằng Smarphone mang tên Safaco, do nhóm học sinh ở Cần Thơ nghiên cứu sáng chế, với sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Phú Thịnh, giáo viên dạy Hóa của Trường Phan Văn Trị (H.Phong Điền). Đó là các em Liêu Vinh Khôi, Lê Thị Mỹ Duyên, Phạm Văn Hữu Tài (cùng học lớp 12 Trường Phan Văn Trị) và Trần Thị Cẩm Ngọc (học sinh lớp 11 Trường THPT An Khánh, Q.Ninh Kiều). Sáng chế này vừa được nhận giải nhì với bằng khen của Bộ GD-ĐT và 20 triệu đồng tại cuộc thi Học sinh- sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp do Bộ GD-ĐT tổ chức, vừa trao giải vào cuối năm 2020 tại Hà Nội.
Thầy Nguyễn Hoàng Minh, Hiệu trưởng Trường Phan Văn Trị cho biết, trường có 1 nhóm hơn 20 em học sinh chuyên nghiên cứu về khoa học. Các em thông minh, thích sáng tạo, tham gia nhóm với lòng đam mê. Hàng năm, khi có những nghiên cứu, sáng chế hay, các em đều được xét khen thưởng. Và nếu sáng chế của các em đoạt giải ở các cuộc thi lớn, cơ hội được xét tuyển thẳng vào các trường đại học… của các em càng cao.
Các thầy hướng dẫn thường sẽ gợi ý cho các em chọn nghiên cứu theo nhóm: nông nghiệp, thủy sản hay môi trường… Từ đó các em sẽ tự chọn đề tài mình sẽ nghiên cứu, từ chính những khó khăn trong cuộc sống mà chính cha mẹ các em đang gặp phải. Như muốn tưới nước vườn, không thể đi đâu, phải ngồi canh máy để tắt… rất bất tiện. Khi có đề tài phù hợp, các em sẽ nghiên cứu sáng chế theo hướng dẫn của thầy cô.
Em Liêu Vinh Khôi nói: “Khó khăn ban đầu của nhóm thường là kinh phí, do tất cả còn đi học không có tiền. Do đó phải nhờ sự hỗ trợ của ban giám hiệu. Kiến thức lại có hạn, nên cần sự kềm cặp của thầy cô, thậm chí ra Trường đại học Cần Thơ “cầu cứu”. Cuối cùng là phải làm sao có đầu ra cho sản phẩm, không thể nghiên cứu thành công rồi không ứng dụng được vào cuộc sống”.
Nhóm này từng cho ra đời các sản phẩm được đánh giá cao như quạt máy điều khiển bằng giọng nói, xe lăn thông minh có thể biến thành giường bệnh để dễ di chuyển bệnh nhân, hệ thống chữa cháy tự động… Riêng với hệ thống điều khiển từ xa bằng Smarphone, nông dân có thể ứng dụng để bơm tưới, vận hành máy sục khí ôxy cho vuông tôm - cá, tiềm năng đưa vào ứng dụng là rất lớn.
“Giá 1 bộ điều khiển dao động từ 1,5-2,2 triệu đồng, tùy vào tính năng nhiều hay ít. Trong hộp này có thẻ sim điện thoại, có thể kết nối tối đa với 5 điện thoại di động khác để nhắn tin, thậm chí điện thoại theo các câu nói cài đặt sẵn như: “Thưa ông chủ, máy bơm đã bật”…”, thầy Thịnh cho biết. Hiện trường đã giới thiệu hệ thống này với Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang và một số nơi, để quảng bá đến các hộ nông dân sản xuất quy mô lớn. Đồng thời cũng đang nhờ H.Phong Điền giới thiệu rộng rãi đến nông dân huyện nhà.
Theo thầy Thịnh, thực ra lâu nay một số nơi cũng đã áp dụng việc tưới nước tự động qua điện thoại. Nhưng hệ thống của các em học sinh vừa sáng chế có nhiều ưu điểm hơn. Đó là có thể hồi âm rằng máy đã bật - tắt hay chưa (các hệ thống trước giờ, người dùng chỉ nhấn lệnh chứ không biết ở nhà hệ thống có vận hành hay không); cảnh báo về nguồn nước, độ nóng của máy, thống kê lượng điện tiêu thụ…