COVID-19 trong 24 giờ qua: Thế giới ghi nhận 509.476 ca mắc, 8.360 ca tử vong
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 06:15, 12/01/2021
Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 12.1 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 91.234.442 ca, trong đó có 1.951.311 người thiệt mạng.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 65.118.121 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 24.165.010 ca và 108.833 ca đang điều trị tích cực.
Ngày 11.1, thế giới có tới 124 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 103 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước, nhất là tại châu Âu. Diễn biến dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới. Hàng loạt nước châu Âu đã phải tái phong tỏa một phần hoặc siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, đồng thời đẩy nhanh chiến dịch tiêm phòng.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 384.763 ca tử vong trong tổng số 23.093.807 ca nhiễm. Đáng chú ý, trong nhiều ngày qua, Mỹ tiếp tục chứng kiến số ca nhiễm mới, ca tử vong và cả số người nhập viện do COVID-19 tăng mạnh.
Tại Mỹ, chính quyền thành phố New York đã triển khai 2 điểm tiêm chủng quy mô lớn tại Brooklyn và Bưu điện Bathgate Contract ở khu Bronx nhằm đẩy nhanh tiến độ chương trình tiêm chủng tại thành phố này. Hai điểm tiêm chủng trên đã mở cửa theo giờ vào ngày 10.1, sau đó sẽ đi vào hoạt động 24h/ngày trong cả tuần, bắt đầu từ ngày 11.1. Đây là một phần trong kế hoạch thành lập 250 điểm tiêm chủng trên toàn thành phố của Thị trưởng Bill de Blasio, hướng tới mục tiêu đến cuối tháng này chủng ngừa cho 1 triệu người dân New York.
Theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins, Mỹ đã ghi nhận trên 27.000 trường hợp tử vong do COVID-19 chỉ trong 10 ngày đầu năm 2021. Chuyên gia cho rằng với tốc độ này, nhiều người có thể chết vì COVID-19 vào tháng 1 hơn bất kỳ tháng nào kể từ khi đại dịch bùng phát. Trước đó, tháng 12/2020 đã ghi nhận các ca tử vong cao kỷ lục, với 77.431 trường hợp tử vong.
Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) cũng đã áp lệnh phong tỏa với gần 520.000 người dân tại huyện Thuận Nghĩa (Shunyi), ở vùng ngoại ô nhằm khống chế số ca mắc mới COVID-19 đang có dấu hiệu gia tăng. Biện pháp phong tỏa được áp dụng ở tất cả các làng xã trong huyện cho tới khi hoàn thành đợt xét nghiệm trên diện rộng tiếp theo tại khu vực.
Cư dân tại huyện này sẽ không được phép ra khỏi nơi sinh sống cho tới khi được xét nghiệm. Nhìn chung, Trung Quốc đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng vẫn phải áp dụng các biện pháp phong tỏa và xét nghiệm trên diện rộng tại một số khu vực xuất hiện những ổ lây nhiễm cộng đồng. Nhà chức trách ưu tiên ngăn chặn nguy cơ bùng phát tại khu vực thủ đô Bắc Kinh, thành phố có hơn 20 triệu dân, đặc biệt trước kỳ nghỉ Tết âm lịch quan trọng kéo dài 1 tuần trong tháng tới. Ngày 11.1, Bắc Kinh ghi nhận 1 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc trong cộng đồng tại thành phố này tính từ ngày 19.12 tới nay lên là 32 ca, hầu hết ở huyện Thuận Nghĩa.
Số ca mắc COVID-19 mới theo ngày ở Hàn Quốc đã giảm rõ rệt sau khi chính phủ nước này áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội tăng cường và số lượng người đi xét nghiệm giảm dịp cuối tuần.
Theo Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 11.1, Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 451 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 419 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 69.114 ca. Đây là số ca nhiễm mới theo ngày ở mức thấp nhất trong 41 ngày qua và là lần đầu tiên kể từ ngày 1.12, số ca nhiễm mới ở dưới ngưỡng 500 ca/ngày.
Mặc dù chính quyền Hàn Quốc cho rằng nước này đã vượt qua đỉnh dịch của làn sóng lây nhiễm thứ ba, song các nhà dịch tễ học lại cảnh báo rằng chính phủ không nên chủ quan, cần phải kiểm soát chặt chẽ công tác kiểm dịch để duy trì xu hướng giảm các ca lây nhiễm, bởi Hàn Quốc hiện vẫn chưa đến giai đoạn an toàn.
Micronesia, quốc đảo xa xôi ở Thái Bình Dương, đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên. Người mắc bệnh là thủy thủ đoàn của tàu "Chief Mailo". Trước khi quay trở về nước, tàu này đã cập cảng ở Philippines để sửa chữa. Các quốc đảo Thái Bình Dương nằm trong số các nước ngăn chặn đại dịch COVID-19 thành công nhất bằng cách đóng cửa biên giới sớm nhằm ứng phó với mọi rủi ro, chấp nhận những thiệt hại kinh tế do phụ thuộc vào nguồn thu từ du lịch.
Trước Micronesia, Vanuatu, Quần đảo Solomon, Quần đảo Marshall và Samoa đã lần lượt ghi nhận các ca nhiễm virus. Hiện còn Kiribati, Nauru, Palau, Tonga và Tuvalu là các đảo quốc và vùng lãnh thổ chưa bị đại dịch "ghé thăm".
Tại châu Âu, Nga thông báo trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 phát hiện tại Anh là một công dân Nga trở về từ Anh. Do lo ngại biến thể này lây lan, tháng trước, nhà chức trách Nga đã tạm ngừng các chuyến bay đến và đi từ Anh. Trước đó, hàng chục nước cũng đưa ra quyết định tương tự.
Nga hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao nhất trên thế giới. Tính đến thời điểm hiện tại, gần 3,5 triệu ca mắc COVID-19 đã được ghi nhận ở nước này, trong đó có 60.500 ca tử vong.
Chính phủ Anh thông báo sẽ mở 7 trung tâm tiêm chủng quy mô lớn từ ngày 11.1 nhằm đẩy nhanh tiến độ chương trình tiêm vaccine tại nước này, trong đó có mục tiêu đến giữa tháng 2 tới tất cả những người trong nhóm dễ bị tổn thương đều được chủng ngừa.
Hiện tại mỗi ngày nước này tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho 200.000 người và đang hướng tới thực hiện mỗi tuần tiêm chủng cho 2 triệu người, nhằm đảm bảo đến ngày 15.2 tất cả người ở các cơ sở dưỡng lão, người trên 70 tuổi, những người có bệnh lý nền và nhân viên y tế và nhân viên xã hội đều được tiêm vaccine.
Nước Anh đang gồng mình khống chế số ca lây nhiễm mới gia tăng và nước này kỳ vọng việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine có thể đưa cuộc sống trở về bình thường vào mùa Xuân tới. Tới nay, Anh đã ghi nhận 81.431 ca tử vong do COVID-19 trong tổng số 3.072.449 ca mắc.
Tại châu Mỹ, giới chức y tế Mexico cho biết biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh đã xuất hiện ở nước này. Thông tin về trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới của virus tại Mexico đã làm gia tăng lo ngại về đợt bùng phát dịch COVID-19 vốn đang diễn biến rất phức tạp ở quốc gia Bắc Trung Mỹ này. Tổng số ca mắc ở Mexico hiện là hơn 1,53 triệu ca, trong đó có 133.700 ca tử vong.
Mức độ lây nhiễm của virus SARS-Cov-2 thời gian qua không hề giảm tại châu Âu. Để đối phó với thực trạng này, nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang tìm cách đẩy mạnh chiến dịch tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19, đồng thời siết chặt các biện pháp phòng dịch, đặc biệt là đối phó với biến chủng của virus SARS-Cov-2 tại Anh.
Để đối phó với làn sóng lây nhiễm lần thứ 2, ngày 30.10.2020, Chính phủ Bỉ đã quyết định tái phong tỏa toàn quốc. Giới chức Bỉ cũng duy trì lệnh giới nghiêm từ 22h tới 6h. Kể từ ngày 28.12.2020, Bỉ đã triển khai tiêm những liều vaccine phòng COVID-19 đầu tiên tại 3 trại dưỡng lão.
Cuba ghi nhận 388 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 10.1, mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát. Như vậy, đến nay Cuba đã phát hiện hơn 14.500 ca mắc COVID-19, trong đó có 151 ca tử vong. Trong những tuần qua, Cuba ghi nhận tình trạng lây nhiễm gia tăng kỷ lục kể từ đầu mùa dịch với các ca mắc mới hằng ngày ở mức ba chữ số, phần lớn trong số đó là các ca nhập cảnh từ nước ngoài sau khi nước này chính thức mở cửa biên giới cho hoạt động hàng không.
Trong bối cảnh đó, từ ngày 1.1 vừa qua, Chính phủ Cuba đã bắt đầu hạn chế các chuyến bay đến từ một số nước có tỷ lệ lây nhiễm cao như Mỹ, Mexico, Panama, Bahamas, Haiti và CH Dominica, đồng thời yêu cầu mọi du khách tới nước này phải có chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 trước đó 72 giờ.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 11.1, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 13.249 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 37.290 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN chỉ có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.
Indonesia tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cũng như tử vong cao nhất khu vực. Trong vòng 1 ngày, số ca bệnh và tử vong mới của Indonesia cao gấp nhiều lần các nước trong khu vực.
Tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục nghiêm trọng sau nhiều tháng dịch bùng phát tại đây và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong 24 giờ qua, Indonesia là quốc gia có số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Á. Indonesia ghi nhận tới 8.692 ca COVID-19 và 214 ca tử vong, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại nước này lên lần lượt 836.718 ca và 24.343 ca.
Philippines dù dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều thứ 3 trong số các nước Đông Nam Á và số ca tử vong nhiều thứ 2 khu vực với 11 người thiệt mạng. Nhìn chung, sau giai đoạn đỉnh dịch, tình hình COVID-19 tại Philippines đang hạ nhiệt dần.
Ngược lại, Malaysia tình hình cũng ngày càng đáng quan ngại hơn, làn sóng dịch mới đang quay lại tấn công Malaysia khi nước này ghi nhận tới 2.232 ca bệnh mới, 16 ca tử vong vì COVID-19 trong 1 ngày qua. Malaysia là nước có số ca mắc COVID-19 trong ngày nhiều thứ 3 Đông Nam Á trong vòng 24 giờ.
Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin ban bố lệnh hạn chế di chuyển trên toàn quốc và phong tỏa 14 ngày đối với thủ đô Kuala Lumpur cùng 5 bang khác, có hiệu lực từ nửa đêm 13.1, theo đó mọi hoạt động xã hội và đi lại trên cả nước sẽ bị cấm. Các cơ sở kinh doanh trong 5 lĩnh vực kinh tế thiết yếu vẫn có thể hoạt động nhưng phải giảm công suất, bao gồm các nhà máy và cơ sở sản xuất, xây dựng, dịch vụ, thương mại, phân phối và trồng trọt, và lĩnh vực tiêu dùng.
Các siêu thị, ngân hàng và cơ sở chăm sóc y tế vẫn mở cửa trong khi các nhà hàng chỉ được phép phục vụ đồ mang đi. Giới chức y tế Malaysia cho biết làn sóng lây nhiễm hiện nay bắt đầu từ tháng 9.2020 và số ca mắc mới trong ngày có thể tăng lên mức 8.000 ca/ngày vào tháng 5/2021 nếu không có các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt.
Myanmar trong 24 giờ qua không thấy biến động về số liệu dịch COVID-19 (theo trang worldometers.info). Như vậy, hết ngày 11.1, Myanmar có tổng cộng 130.604 người nhiễm virus SARS-Cov-2, trong đó có 2.846 người không qua khỏi.
Thái Lan sau khi chứng kiến số ca lây nhiễm cộng đồng tăng vọt trong mấy ngày gần đây đã phải quyết định lập vùng kiểm soát đặc biệt để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lan diện rộng.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 37.294 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 229 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 1.666.928 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 1.437.280 trường hợp.
Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới, ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Lào, Timor Leste và Brunei là những nước ASEAN không có thêm ca bệnh COVID-19 nào trong ngày 11.1.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định việc triển khai các chương trình tiêm chủng vaccine tại nhiều nước sẽ không thể tạo ra miễn dịch cộng đồng cho toàn thế giới trong năm nay, viện dẫn sự hạn chế trong việc tiếp cận vaccine đối với các nước nghèo, sự hoài nghi của công chúng và khả năng biến đổi của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19.
Miễn dịch cộng đồng hình thành khi tỷ lệ lớn người trong cộng đồng đã trở nên miễn dịch với một bệnh, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" bảo vệ những người chưa bị nhiễm và có thể ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh đó lây lan. Các nước giàu có hơn đang đứng đầu danh sách đặt hàng vaccine, khiến WHO cảnh báo các nước thu nhập thấp và trung bình sẽ bị hạn chế trong việc tiếp cận và mua vaccine phòng COVID-19. Việc một bộ phận người dân thiếu niềm tin vào vaccine cũng ảnh hưởng đến chương trình tiêm chủng, trong khi khả năng virus SARS-CoV-2 tiếp tục biến đổi đang là vấn đề còn bỏ ngỏ.