Ai gây nên thảm họa lũ lụt miền Trung?

Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:28, 28/12/2016

Khi tôi ngồi viết bài này thì ở quê hương tôi - miền Trung - nhiều gia đình phải mất ngủ vì ngày hết, Tết đến mà tài sản chỉ còn đôi bàn tay trắng, bao nhiêu tiền lo Tết bị trôi theo dòng nước. Họ chỉ biết nhìn lên mà than trời sao không thương cho thân phận người nông dân!

Tôi viết bài này không phải để cầu xin những tấm lòng nhân ái đưa tay giúp đỡ tiền bạc cho quê hương, mà tôi muốn cho nhiều người biết sự thật là người dân chúng tôi đã bị những người cùng chung dòng máu nhưng vì lợi ích riêng mà phá hủy môi trường sống. Tôi muốn chúng ta cùng lên tiếng để trả lại môi trường cho thế hệ mai sau!

Nhắc đến mảnh đất miền Trung, những người lớn tuổi chắc ai cũng nhớ đến trận lụt kinh hoàng năm 1964. Chính mốc đó là căn cứ để người dân miền Trung làm mức cao nền nhà. Ở quê tôi nhà dù không lớn nhưng nền nhà có thể bằng hoặc cao hơn đỉnh lụt lịch sử năm 1964 đó. Nhưng các vị biết không, từ năm 1999-2013 ở huyện Đại Lộc 2 lần mức nước lũ bằng năm 1964 cộng với nền nhà mới cho dù mức lũ cả tỉnh thấp hơn năm 1964. Vì sao vậy? Các vị sẽ tự có câu trả lời sau.

Huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam nằm ở vùng hạ lưu của hệ thống sông Vu Gia mà ở đó nổi tiếng bởi mật độ thủy điện cao nhất Việt Nam. Mỗi khi người dân nghe tin xả đập thủy điện A Vương, Sông Bung, Sông Tranh... là phải cơm đùm, áo gói dắt bò trâu lên những chỗ cao hơn để bảo toàn tính mạng. Cho đến giờ, những thủy điện này là niềm vui của một số người nhưng là nỗi căm hận của những người nông dân quê tôi.

Các vị ạ! Khi lập dự án đầu tư về thủy điện, người dân được biết sẽ hết lũ lụt, giúp chống hạn cho mùa màng nhưng thực tế là đó là những điều dối trá không hơn không kém. Trước khi có thủy điện, dân tôi chỉ chịu những trận lụt nhưng từ khi có thủy điện chúng tôi toàn chịu lũ, vì sao vậy? Vì những gì họ làm chỉ là một phần những gì họ đã nói.

Số liệu thủy điện Sông Bung 4

- Diện tích mặt hồ ứng MNDBT: 15,65km2

- Dung tích toàn bộ: 510,8 triệu m3

- Dung tích hữu ích: 233,99 triệu m3

- Mực nước dâng bình thường: 222,5m

- Đập dâng: RCC cao 114m, dài 345m

- Điện lượng bình quân: 586,25 Triệu kWh

- Suất đầu tư: 31,6 tỉ đồng/1MW/156MW

- Nộp ngân sách 6 tháng đầu năm 2015: 22 tỉ đồng

- Đường bao lòng hồ chứa có cao độ từ 300m-500m

Bình độ lòng hồ Sông Bung 4

Thủy điện Sông Bung 4

Số liệu thủy điện A Vương

- Diện tích mặt hồ ứng MNDBT: 9,09km2

- Dung tích toàn bộ: 343,5 triệu m3

- Dung tích hữu ích: 266,5 triệu m3

- Mực nước max: 382,5m

- Cao trình đỉnh đập: 383,4m

- Chiều cao đập 80m, dài 228,1m

- Lượng điện bình quân: 815 triệu KWh

- Suất đầu tư: 18,1 tỉ đồng/MW/210 MW

- Nộp ngân sách 6 tháng đầu năm 2015: 22,8 tỉ đồng

Bình độ lòng hồ A Vương
Thủy điện A Vương

Các thủy điện đã nộp ngân sách tỉnh Quảng Nam 6 tháng năm 2015:

- Nhà máy thủy điện Sông Tranh nộp 58 tỉ đồng.

- Thủy điện ĐắkMi 4 nộp 74 tỉ đồng.

- Thủy điện Geruco Sông Kôn nộp 16 tỉ đồng.

- Nhà máy thủy điện Sông Bung 4 nộp 22 tỉ đồng.

- Nhà máy thủy điện A Vương nộp 22,8 tỉ đồng.

Thủy điện đã đóng góp gì?

- Mỗi năm các hệ thống thủy điện miền Trung hòa vào lưới điện quốc gia hàng chục tỉ MW điện, tạo ra hàng vạn công việc làm lâu dài và thời vụ (xây dựng).

- Khi thủy điện cắt giảm nước mùa khô thì lòng sông cạn và đây là cơ hội để đào vét hàng triệu m3 đất, cát cho xây dựng.

Thủy điện ảnh hưởng gì đến miền Trung?

- Tàn phá rừng để làm hồ chứa thủy điện, mỗi thủy điện ít nhất mất 5km2 rừng, 5km2 đất rừng.

- Thay đổi dòng chảy về hạ lưu làm hàng nghìn km2 đất nông nghiệp của dân bị ảnh hưởng (bồi đất, xói lở - nhiều địa phương diện tích sản xuất tăng lên nằm ngoài diện tích đất sản xuất TW quản lý), tàn phá hoa màu mùa màng của người dân ở hạ lưu.

- Do để đảm bảo nguồn nước sản xuất điện nên việc xả nước vào lúc mức nước đạt đỉnh cao của hồ chứa, cao hơn 100m so với dòng chảy trước đây, đã gây nên lực nước về hạ lưu quá lớn, dòng chảy tức thời nhanh gây ngập diện rộng, gây chết người và thiệt hại tài sản của dân.

- Việc tích nước cho thủy điện khiến dòng nước về cửa biển bị giảm, thay đổi độ mặn của nước ở cửa biển dẫn đến thay đổi hệ sinh thái vùng này, nhiều loại cây có khả năng chống gió biển biến mất. Khi dòng nước từ sông về biển ít đồng nghĩa với việc xâm thực nước biển nhiều hơn, sự tàn phá của sóng biển mạnh hơn và chi phí ngân sách xây dựng đê bao chống xói lở cửa biển nhiều hơn.

- Cảnh quan thiên nhiên dọc theo các dòng sông, suối bị tàn phá đồng nghĩa với mất đi tiềm năng du lịch vốn là nguồn thu sạch với bất kỳ quốc gia nào.

- Sự tàn phá do lũ lụt liên tục có thể dẫn đến sự di cư của người dân và việc này sẽ ảnh hưởng an ninh lương thực, quốc phòng, trình độ dân trí khu vực.

Thủy điện miền Trung có cắt lũ như dự án đã nêu?

Thủy điện ở miền Trung không thể thực hiện việc cắt lũ mùa mưa lũ vì:

- Độ cao của đập ngăn hồ thủy điện quá thấp nên không thể giữ hết lượng nước về hồ chứa (thủy điện A Vương chiều cao đập 80m, có thể xây đập 200m; thủy điện Sông Bung 4 là 114/300m).

- Để các thủy điện này tham gia cắt lũ như báo cáo đầu tư thì nhà đầu tư phải nâng cao đập lên hơn 100m so với thực tại (Sông Bung 4 đến 200m, A Vương 150m) và điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư phải bỏ 40-50 tỉ đồng/MW điện dẫn đến thời gian thu hồi vốn dài hơn, diện tích hồ chứa lớn hơn.

- Không có đơn vị dự báo mưa chuẩn nên các hồ chứa luôn ở trạng thái tích nước cho đến khi mực nước về hồ sắp đạt đỉnh hồ chứa (đúng ra phải xả nước khi có dự báo mưa trước 4-5 ngày).

Đợt xả lũ kép tháng 12 là nguyên nhân chính phá hoại thời vụ của nhân dân

1. Đầu tháng 12.2016 (đầu tháng 11 âm lịch), các nhà máy thủy điện xả nước, gây ngập lụt nhiều vùng mà nông dân đã xuống giống. Lần đó thiệt hại trung bình hơn 40% tổng diện tích.

2. Ngay sau đó các đập thủy điện chắn đập giữ nước, toàn bộ lạch, kênh khô dòng và theo âm lịch là gần giữa tháng 11, với kinh nghiệm nông nghiệp và nhìn nước sông thực tế bà con nông dân xuống giống đúng không? Tôi chắn chắn đúng!

3. Ngày 15-16.12 (giữa tháng 11 âm lịch) các đập cùng nhau xả nước (mặc dù trước đó mấy ngày đài khí tượng đã dự báo đợt mưa kéo dài do không khí lạnh về nhưng các đập không xả nước). Lần xả nước này đã phá hoàn toàn giống hoa màu sống sót đợt trước và vừa xuống giống sau khi cạn dòng.

4. Nếu không có thủy điện (hoặc không chặn dòng) thì sau đợt lũ đầu tháng 11 âm lịch, đến giữa tháng 11 âm lịch mực nước sông, lạch còn nhiều, bà con có xuống giống không? Tôi chắc chắn là không ai dám.

* Qua các dữ liệu trên các vị có thể khẳng định sự tàn phá đợt lũ kép vừa rồi do thiên tai hay thủy điện?

* Người dân miền Trung có chấp nhận đánh đổi và cam chịu sự phá hoại do thủy điện gây nên chỉ vì nguồn điện mà có thể thay bằng nguồn năng lượng khác?

* Chúng ta có thể chấp nhận phá bỏ môi trường sống cho tương lai con em chúng ta?

Nguyễn Đăng Thịnh

Người dân vùng rốn lũ miền Trung