Từ năm 2023, EVN sẽ không còn độc quyền bán điện
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:55, 12/01/2021
Tại Hội nghị tổng kết thực hiện kế hoạch năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) ngày 12.1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết nhiệm vụ trọng tâm của EVN năm 2021 là thực hiện thị trường hóa giá điện để khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện, thực hiện giá bán điện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, tự chủ tài chính để nhằm đảm bảo đưa thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vào vận hành chính thức từ năm 2023.
Như vậy, khi thị trường bán lẻ điện cạnh tranh vận hành chính thức từ năm 2023 thì đồng nghĩa với việc EVN sẽ không còn là nhà bán lẻ điện duy nhất tại Việt Nam. Điều này sẽ có lợi cho người tiêu dùng về giá điện và trong việc lựa chọn các nhà cung cấp điện.
Thị trường điện lực tại Việt Nam được phát triển qua 3 cấp độ: Thị trường phát điện cạnh tranh (năm 2014), thị trường bán buôn điện cạnh tranh (thí điểm từ năm 2015-2016 và hoàn chỉnh từ năm 2017-2021), thị trường bán lẻ điện cạnh tranh thí điểm (từ năm 2021-2023) và thị trường bán lẻ điện cạnh tranh hoàn chỉnh (từ sau năm 2023).
Thị trường phát điện cạnh tranh đã được chính thức vận hành từ tháng 7.2012. Tới đầu năm 2019, thị trường bán buôn điện cạnh tranh chính thức vận hành. Từ lúc này, EVN đã không còn là đơn vị mua buôn điện duy nhất như trước đây mà đã có thêm 5 tổng công ty điện lực trực tiếp tham gia mua điện trên thị trường giao ngay cũng như ký hợp đồng song phương với các nhà máy điện.
Như vậy, xét về thời gian, sau gần 8 năm, Bộ Công Thương đến nay mới chỉ thực hiện được thị trường phát điện cạnh tranh. Thời gian qua, trước những tranh cãi về việc tăng giá điện, vấn đề khi nào thị trường bán lẻ điện cạnh tranh đi vào thực thi lại được người dân quan tâm hơn bao giờ hết.
Bởi lẽ, khi EVN còn độc quyền trong việc cung cấp điện thì việc tăng giá bán lẻ điện là điều không thể tránh khỏi ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu có thị trường bán lẻ điện cạnh tranh bởi nhiều nhà cung cấp thì việc tăng giá bán lẻ điện sẽ không hề dễ dàng xảy ra. Bởi khi có cạnh tranh thì các nhà cung cấp sẽ phải cân nhắc trong việc điều chỉnh giá điện, nếu không tính toán kỹ lưỡng thì sẽ mất khách.
Đề án đề xuất mô hình thị trường bán lẻ điện cạnh tranh được phê duyệt trong năm 2020 cho biết, thị trường bán lẻ điện cạnh tranh Việt Nam sẽ được thực hiện với 3 giai đoạn: giai đoạn 1 (đến hết năm 2021) là giai đoạn chuẩn bị; giai đoạn 2 (từ 2022 đến 2024) cho phép khách hàng sử dụng điện được mua điện trên thị trường điện giao ngay. Giai đoạn 3 (từ sau năm 2024) cho phép các khách hàng được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.
Như vậy, dự kiến trong giai đoạn từ 2022-2024, khách hàng sẽ được mua điện trên thị trường điện giao ngay và sau năm 2024 sẽ được lựa chọn đơn vị bán lẻ điện.
Bộ Công Thương cho biết tốc độ tăng trưởng bình quân của nguồn điện 4 năm lại đây đã sụt giảm còn 8%/năm, thua xa con số 13%/năm của giai đoạn 2011-2015. Trong đó giảm nhiều nhất là thủy điện (còn bình quân 5%/năm so với 15% của giai đoạn trước) và nhiệt điện than (còn bình quân 10%/ năm so với mức 27% trước đó).