Tiến hành tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 Nanocovax trên người tình nguyện
Thông tin Y học - Ngày đăng : 09:15, 14/01/2021
Sau tiêm mũi đầu tiên không phát hiện bất thường, đến nay Học viện Quân Y đã tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocox liều 25mcg, 50mcg và 75mcg trên các nhóm còn lại an toàn.
Sáng 14.1, Việt Nam sẽ tiêm mũi 2 vắc xin Nanocovax liều thấp nhất- 25mcg cho 3 tình nguyện viên nhóm 1. Trước đó, nhóm này là 3 người đầu tiên của Việt Nam tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 vào ngày 17.12.2020.
Giáo sư Đỗ Quyết - Giám đốc Học viện Quân Y cho hay theo kế hoạch đã được đặt ra của chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax, 3 tình nguyện viên đầu tiên của nhóm 1 (gồm 20 người) sẽ tiêm mũi 2 vắc xin Nanocovax liều 25mcg, liều 2 cách liều 1 đủ 28 ngày. Sau tiêm mũi đầu tiên không phát hiện bất thường, đến nay Học viện Quân Y đã tiêm thử nghiệm vắc xin Nanocox liều 25mcg, 50mcg và 75mcg trên các nhóm còn lại an toàn. Đến nay, các tình nguyện viên đều có sức khoẻ ổn định.
Một số trường hợp có phản ứng đau tại vị trí tiêm và sốt nhẹ nhưng đều hết sau 24 giờ. Theo Phó giáo sư Chử Văn Mến - Giám đốc Trung tâm thử nghiệm lâm sàng và tương đương sinh học (Học viện Quân Y), đến nay thử nghiệm giai đoạn 1 đã hoàn tất 50%. Hiện tại, Học viện Quân Y đã nhận được hơn 500 đơn đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nanocovax. Tuy nhiên hiện mới có hơn 200 người đến khám sàng lọc và chỉ 51 người đủ tiêu chuẩn tham gia giai đoạn 1 do tiêu chuẩn tuyển chọn rất khắt khe.
Sang giai đoạn 2, tiêu chí cho tình nguyện viên sẽ mở rộng hơn, dự kiến giai đoạn 2 thử nghiệm trên 560 người, độ tuổi từ 12-17, bắt đầu từ tháng 2 tới để đánh giá tính sinh miễn dịch và hiệu quả bảo vệ của vắc xin. Theo Giáo sư Đỗ Quyết, thời gian nghiên cứu cho mỗi người tham gia là khoảng 56 ngày để đánh giá mục tiêu nghiên cứu và theo dõi đến tháng thứ 6 kể từ liều tiêm đầu tiên.
Trong giai đoạn 1 sẽ đánh giá tính an toàn của vắc xin trên những tình nguyện viên, chia thành 3 nhóm tương ứng tiêm 3 hàm lượng vắc xin 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. Khi thực hiện được 50% giai đoạn 1, sẽ tiếp tục thực hiện thử nghiệm gối giai đoạn 2 với khoảng 400- 600 người tuổi từ 12-75. Ngoài Học viện quân y sẽ có thêm Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tham gia.
Giai đoạn 3 sẽ cần ít nhất 1.500-3.000 người tham gia, độ tuổi từ 12-75 tuổi. Nếu như mọi chuyện đúng như dự kiến, đến tháng 2.2021 sẽ kết thúc giai đoạn 1,2 và tiếp theo là giai đoạn 3. Giai đoạn 3 có đông người thử nghiệm hơn nên đòi hỏi số lượng người đông hơn. Giai đoạn 3 sẽ bắt đầu khi giai đoạn 2 đi được nửa chặng đường.
Theo dự kiến, giai đoạn 3 sẽ mở rộng trên quy mô 10.000-30.000 người, gồm các tình nguyện viên ngoài Việt Nam tại một nước lưu hành dịch ngoài cộng đồng. Một nữ tình nguyện viên chia sẻ, bản thân là sinh viên ngành y, đã được giải thích đầy đủ về loại vắc xin sẽ tiêm cũng như các tai biến có thể gặp nên không lo lắng. “Em cũng biết 40 tình nguyện viên đầu tiên sau tiêm đều có sức khoẻ ổn định nên tâm lý khi tham gia thử nghiệm khá thoải mái. Em đăng ký tham gia vì rất muốn biết trải nghiệm trong quy trình nghiên cứu vắc xin ra sao”.
Khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người. Dự kiến cuối năm 2021, Việt Nam sẽ có đầy đủ dữ liệu nghiên cứu lâm sàng của loại vắc xin này trước khi quyết định tiêm cộng đồng.