Hà Nội: Các trường chú trọng dạy 3 môn cơ bản dù chưa có kế hoạch tuyển sinh lớp 10

Giáo dục - Ngày đăng : 10:17, 14/01/2021

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, học kỳ 1 năm học 2020-2021 đã kết thúc cũng là lúc địa phương chuẩn bị cho công tác tuyển sinh lớp 10 năm 2021-2022.

Phó GĐ Sở GD-ĐT Hà Nội ông Phạm Văn Đại đã trao đổi với phóng viên cho biết hiện nay Sở đang gửi tờ trình cho thành phố về kế hoạch tuyển sinh năm học 2021-2022, với chủ trương giữ ổn định phương thức thi tuyển để tuyển sinh học sinh vào lớp 10 các trường trung học phổ thông công lập. Dự kiến năm 2021-2022, thành phố sẽ tuyển sinh 62% học sinh vào học tại các trường công lập trên địa bàn thành phố và Sở đã yêu cầu các trường THPT xác định chỉ tiêu tuyển sinh trước đó.

“Chậm nhất ngày 25.1.2021, các trường phải hoàn thành hồ sơ xác định chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10. Việc xây dựng chỉ tiêu phải dựa trên căn cứ thực tế về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Sở sẽ kiểm tra điều kiện tuyển sinh, tuyệt đối không giao chỉ tiêu cho các trường không đáp ứng đủ các yêu cầu. Năm học 2021-2022, chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập chiếm khoảng 62% số học sinh dự tuyển, số chỉ tiêu còn lại dành cho các loại hình khác, như trường ngoài công lập, trường công lập tự chủ tài chính, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên…”, ông Phạm Văn Đại khẳng định.

dsc00579-1589887816-width1004height565.jpg
Dù chưa có kế hoạch tuyển sinh nhưng các trường vẫn chú trọng 3 môn chính

Được biết kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 Hà Nội hằng năm có trên dưới 100.000 học sinh tham gia, nhưng chỉ có khoảng 60% thi đỗ vào trường THPT công lập. Năm học 2019-2020, Hà Nội có 107.246 học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng các trường THPT công lập chỉ tuyển 66.492 học sinh. Số còn lại học trường ngoài công lập, trường trung cấp, trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề.

Nhằm bảo đảm chất lượng giáo dục, trang bị đầy đủ kiến thức cho học sinh, phục vụ cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới, các trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động dạy học đồng đều ở tất cả các môn. Ông Phạm Ngọc Anh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết, từ tháng 9-2020, Phòng đã chỉ đạo các trường tổ chức dạy học đồng đều, kiểm tra, đánh giá bảo đảm thực chất, sẵn sàng cho phương án thi tuyển lớp 10 ở bất cứ môn nào.

Hà Nội chưa đưa ra bất kỳ thông báo nào cho việc chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2021-2022. Tuy nhiên, theo hiệu trưởng nhiều trường THPT, các trường THCS nên cho học sinh chú trọng tất cả các môn và sẵn sàng tinh thần cho việc thực hiện 4 bài thi.

Từ năm học 2018-2019, Hà Nội tổ chức thi tuyển vào lớp 10 với 4 bài thi gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ 4. Bài thi thứ 4 được Sở GD-ĐT chọn ngẫu nhiên trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và công bố vào khoảng tháng 3 hằng năm. Tuy nhiên, năm học 2019-2020, do dịch COVID-19, nhiều trường đề xuất hủy môn thi thứ 4, tránh áp lực cho học sinh nên UBND thành phố Hà Nội quyết định cho học sinh thi 3 môn gồm: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ.

thuan.jpg
Ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình, Hà Nội

Trao đổi riêng với phóng viên 1 Thế Giới, ông Lê Đức Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình cho hay hiện nay các trường THCS trên địa bàn quận đã chủ trương dạy đều các môn học cho các học sinh, tránh việc học lệch, học tủ. "Hàng tháng và ở các chuyên đề, Phòng GD-ĐT có gửi các giáo viên các chuyên đề bổ sung tài liệu, phù hợp với từng nhóm học sinh để các giáo viên cùng học sinh ôn tập. Với các kiến thức chuẩn bị sẵn từ các năm trước, các giáo viên sẽ truyền đạt lại cho các học sinh để thuận lợi trong việc ôn tập sau khi biết được các môn thi vào kỳ thi lớp 10 năm 2021-2022.

Hiện nay, các giáo viên vẫn dạy và ôn tập cho các học sinh với 3 hình thức: tăng cường học sinh tự luyện, tăng cường chữa lỗi sai và tăng cường trao đổi kiến thức của học sinh giữa phụ huynh và giáo viên. Quận cũng chú trọng cho các giáo viên dạy cho các học sinh 3 môn: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ".

Bên cạnh đấy, Sở GD-ĐT Hà Nội cũng lưu ý các cơ sở giáo dục công lập, tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, quan tâm nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.

Dạ Thảo