Lý giải chuyện chuột đồng ăn thịt con
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 07:18, 07/02/2017
Ngô được đưa vào trồng ở châu Âu không chỉ giải quyết được nạn đói ở nhiều quốc gia, mà còn mang căn bệnh mới – bệnh nứt da. Bệnh xảy ra ở người do thiếu niacin (vitamin B3) và tryptophan nếu chế độ ăn uống chỉ có ngô. Nguyên nhân của bệnh nứt da chỉ được xác định rõ trong thế kỷ XX. Tuy nhiên, các nhà khoa học lưu ý rằng ở động vật gặm nhấm chỉ ăn ngô thì sự thiếu hụt vitamin B3 gây ra nhiều vấn đề rắc rối. Đặc biệt, các nhà nghiên cứu giải thích rằng do thiếu vitamin B3 nên đã tăng số vụ chuột đồng cái Cricetus cricetus ăn con của chúng trên các ruộng ngô.
Gerard Baumgart, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu Bảo vệ môi trường ở Alsace và một chuyên gia về chuột đồng khẳng định rằng chế độ độc canh trong nông nghiệp đe dọa động vật hoang dã còn nhiều hơn cả biến đổi khí hậu. Hậu quả của tình trạng độc canh ngô làm cho chuột đồng ngày càng trở nên hiếm hoi ở Tây Âu.
Nhóm nhà nghiên cứu trẻ ở trường Đại học Strasbourg, đứng đầu là Mathilde Tissier, đã tiến hành thực nghiệm để xác định giả thiết trên. Họ cho chuột đồng sống với các chế độ ăn uống khác nhau - ngô, lúa mì, cỏ ba lá và sâu. Khác biệt trong chế độ ăn uống không ảnh hưởng đến số lượng con sinh ra. Nhưng nếu con mẹ được cho ăn lúa mì, cỏ ba lá, hoặc giun đất, số con sinh ra sống sót khoảng 75%; trong khi những con chuột mẹ ăn ngô thì tỷ lệ con sống sót chỉ là 5%. Chuột cái ăn ngô thường đưa con vào trong hang nơi có các hạt ngô và sau một thời gian chúng ăn thịt con. Chuột mẹ cũng có những thay đổi về hành vi và thể chất.
Lưỡi của chúng đen sẫm, sưng lên và máu trở nên quá đặc, rất khó lấy mẫu để phân tích. Các nhà nghiên cứu so sánh những triệu chứng này với các triệu chứng của bệnh nứt da ở người. Khi mắc bệnh này, bệnh nhân có ba triệu chứng chính: tiêu chảy, viêm da và bệnh mất trí nhớ. Nhiều con chuột mẹ trở nên hung hăng và ăn thịt con của chúng. Điều cũng cần lưu ý là sự thiếu hụt vitamin B3 cũng gây ra chứng bệnh ở chó, được gọi là "hội chứng lưỡi đen".
Để chứng minh tính chính xác của các giả định, Mathilde Tissier và các đồng nghiệp đã tiến hành một thử nghiệm thứ hai. Họ một lần nữa cung cấp một chế độ ăn toàn ngô, nhưng cũng đã cho chuột uống các loại thuốc vitamin B3. Kết quả không ghi nhận được các trường hợp chuột mẹ ăn thịt con cũng như những bất thường khác.
Vũ Trung Hương