Đã quan hệ tình dục, tiêm phòng ung thư cổ tử cung có tác dụng?
Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:10, 15/01/2021
Theo thống kê tại Việt Nam, mỗi năm có hơn 5.000 phụ nữ bị ung thư cổ tử cung và gần 2.500 người tử vong vì căn bệnh này.
Thời gian gần đây, căn bệnh ung thư cổ tử cung có dấu hiệu tăng cao, không chỉ phụ nữ có chồng mà nhiều phụ nữ còn rất trẻ, chỉ mới đôi mươi, chưa lập gia đình đã mắc ung thư cổ tử cung.
Mới đây, cô gái mới 24 tuổi, đang làm tiếp tân tại một nhà hàng ở quận 1, TP.HCM bất ngờ phát hiện ung thư cổ tử cung. Cô chưa lập gia đình nhưng đã quan hệ tình dục từ lúc 16 tuổi.
Trong một lần quan hệ, cô gái này thấy máu ra nhiều nên đến bệnh viện kiểm tra thì phát hiện ung thư cổ tử cung và được chuyển đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị.
BS.CK2 Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cho biết, thời gian gần đây nhiều cô gái trẻ hoang mang vì đã làm chuyện ấy khi chưa được tiêm phòng ung thư cổ tử cung.
Hiện nay, tình trạng quan hệ tình dục trước hôn nhân đang diễn ra phổ biến trong giới trẻ. Nhiều bạn không ý thức được chuyện phải tiêm phòng ung thư cổ tử cung, đến khi biết chuyện thì hoặc từng quan hệ tình dục, hoặc đã quá tuổi tiêm phòng, nên vô cùng hoang mang. Điều này vô hình chung dẫn đến chuyện nhiều phụ nữ sẽ bỏ qua việc tiêm phòng HPV.
Tuy nhiên, theo bác sĩ Tiến, việc phụ nữ đã quan hệ tình dục thì khi tiêm phòng vắc xin HPV vẫn có tác dụng phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
“Việc tiêm phòng vắc xin HPV sẽ đạt lợi ích tối đa nếu như bạn trong độ tuổi tiêm phòng, từ 9 đến 26 tuổi và chưa từng quan hệ tình dục. Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là nếu bạn từng quan hệ tình dục rồi thì vắc xin sẽ không có tác dụng nữa. Bạn hoàn toàn vẫn có thể tiến hành tiêm phòng HPV khi đã từng quan hệ tình dục, thậm chí là nạo, hút thai… miễn là vẫn còn trong độ tuổi tiêm phòng từ 9 đến 26 tuổi”, bác sĩ Tiến nhấn mạnh.
Dẫu vậy, bác sĩ Tiến cũng khuyến cáo phụ nữ, nhất là chưa lập gia đình, đã quan hệ tình dục thì phải chăm sóc sức khỏe bản thân, duy trì lối sống, sinh hoạt lành mạnh, không làm chuyện ấy với nhiều người.
“Cũng như bất cứ loại vắc xin tiêm phòng nào, không phải cứ tiêm phòng là bạn hoàn toàn yên tâm không mắc bệnh 100%. Tiêm phòng ung thư cổ tử cung không có tác dụng ngăn chặn bệnh 100%. Do đó, bên cạnh việc tiêm phòng, các chị em phải cần tự chăm sóc sức khỏe bản thân, duy trì lối sống, sinh hoạt lành mạnh, tập thể dục điều độ, nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục, không nên làm chuyện ấy với nhiều người”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Bên cạnh đó, bác sĩ Tiến cũng lưu ý phụ nữ, khi đã tiêm vắc xin HPV để phòng ngừa ung thư cổ tử cung, không có nghĩa là thay thế cho việc sàng lọc ung thư cổ tử cung hàng năm. Các chị em vẫn phải đến bệnh viện, trung tâm uy tín để gặp các bác sĩ có chuyên môn sâu và tiến hành thăm khám, tầm soát ung thư cổ tử cung.