Trung Quốc thúc đẩy ngoại giao vắc xin ở Đông Nam Á, Thủ tướng Campuchia nói nhận 1 triệu liều từ 'người bạn'
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:30, 16/01/2021
Là một phần của việc thúc đẩy ngoại giao vắc xin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - Vương Nghị đang công du khu vực Đông Nam Á. Ông đã đến thăm Myanmar, Indonesia, Brunei và sẽ kết thúc chuyến đi của mình ở Thủ đô Manila (Philippines) vào 16.1.
Tại cuộc họp báo với người đồng cấp Indonesia - Retno Marsudi hôm 13.1, ông Vương Nghị cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục cung cấp vắc xin cho Indonesia, nhấn mạnh rằng hai quốc gia sẽ vượt qua COVID-19 và đặt nền tảng cho sự phục hồi kinh tế.
Tổng thống Indonesia - Joko Widodo đã nhận liều vắc xin Sinovac đầu tiên tại phủ tổng thống ở Thủ đô Jakarta cùng ngày, trở thành người đầu tiên ở nước này được tiêm chủng.
"Tiêm phòng là điều quan trọng để phá vỡ chuỗi lây truyền COVID-19, bảo vệ chúng tôi cũng như sự an toàn cho mọi người Indonesia và giúp đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế", ông Joko Widodo nói sau khi tiêm vắc xin.
Chính phủ Indonesia đến nay đã nhận được 3 triệu liều vắc xin Sinovac sẵn sàng để sử dụng và tính đến ngày 12.1 thì 1,2 triệu liều đã được phân phối trên toàn quốc. 15 triệu liều vắc xin cũng đến trong tuần này.
Indonesia có thỏa thuận nhận khoảng 230 triệu liều vắc xin với Sinovac, Novavax (Mỹ) và cơ sở COVAX của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chính phủ nước này cũng đang đàm phán để đảm bảo 50 triệu liều mỗi loại từ AstraZeneca (Anh) và Pfizer (Mỹ).
Chính phủ Indonesia ước tính sẽ cần khoảng 427 triệu liều vắc xin COVID-19 cho 270 triệu dân của mình.
Aaron Jed Rabena, nhà nghiên cứu tại tổ chức nghiên cứu Con đường tiến tới Châu Á - Thái Bình Dương có trụ sở tại Manila (Philippines), nói với trang Nikkei: “Trung Quốc muốn chứng tỏ rằng họ đứa phía sau các nước ASEAN trong giai đoạn tiêm chủng của đại dịch. Đến nay, các quốc gia đã tiếp thu. Các dự án đã được xúc tiến với Myanmar và Tổng thống Widodo cảm ơn Trung Quốc về vắc xin".
Ở Myanmar, ông Vương Nghị cam kết viện trợ 300.000 liều vắc xin Sinovac cho nước này. Vắc xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc cũng đang thu hút sự chú ý ở các quốc gia mà ông Vương Nghị không đến thăm.
Cuối tháng 12, Singapore trở thành nước Đông Nam Á đầu tiên bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 cho nhân viên y tế. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng đã bị tiêm vắc xin vào ngày 8.1. Chính phủ Singapore có kế hoạch đảm bảo đủ liều vắc xin của Pfizer, Moderna (Mỹ) và Sinovac cho 5,7 triệu dân của mình vào cuối tháng 9.2021.
Thái Lan có kế hoạch bắt đầu tiêm chủng vắc xin COVID-19 hàng loạt vào tháng 2.2021. Chính phủ Thái Lan có kế hoạch đảm bảo 63 triệu liều vắc xin, sẽ bao phủ gần một nửa dân số. Lô vắc xin Sinovac đầu tiên sẽ đến Thái Lan vào ngày 28.2.
Hôm 14.1, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Philippines đã cho phép sử dụng khẩn cấp vắc xin do Pfizer và BioNTech (Đức) phát triển.
Chính phủ Philippines có kế hoạch đảm bảo khoảng 150 triệu liều vắc xin và bắt đầu nhận vắc xin do Sinovac cùng các công ty khác sản xuất vào cuối tháng 2.2021.
Theo trang Nikkei, hôm 15.12, Thủ tướng Hun Sen tuyên bố Campuchia không phải chỗ để thử nghiệm vắc xin sau khi Sinovac đề nghị cung ứng vắc xin ngừa COVID-19?! Ông Hun Sen nói để chuẩn bị cho đợt tiêm ngừa COVID-19 đầu tiên ở Campuchia, chính quyền Phnom Penh đã đặt hàng 1 triệu liều vắc xin thông qua chương trình COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tham gia điều phối.
Thủ tướng Hun Sen nói thêm rằng Campuchia sẽ không chấp nhận các loại vắc xin chưa được WHO chứng nhận là an toàn và hiệu quả. Ông Hun Sen cứng rắn tuyên bố: "Campuchia không phải là một cái thùng rác và không phải nơi để thử nghiệm vắc xin".
Ngay sau đó, Bộ Y tế Campuchia vội vàng giải thích tuyên bố của Thủ tướng Hun Sen không có nghĩa nước này công khai từ chối vắc xin COVID-19 của Trung Quốc như trang Nikkei nhận xét.
Giáo sư quan hệ quốc tế Sophal Ear thuộc Đại học Occidental (Mỹ) gọi đây là "nói hai lời" vì không dám làm mất lòng Trung Quốc.
Mới đây, hãng tin AFP dẫn lời Thủ tướng Hun Sen biết Campuchia sẽ được Trung Quốc tặng 1 triệu liều vắc xin của Sinopharm (Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc) để ngừa COVID-19. Cụ thể hơn, ông Hun Sen viết trên Facebook ngày 15.1 rằng: “Người bạn Trung Quốc đang giúp chúng tôi với 1 triệu liều vắc xin”.
Theo đó, số vắc xin này sẽ được dùng để tiêm chủng cho khoảng 500.000 người Campuchia. Các nhóm ưu tiên được chích ngừa gồm nhân viên hoàng gia xung quanh quốc vương, thủ tướng, những người đứng đầu Quốc hội và Thượng viện Campuchia, nhân viên y tế, giáo viên, cảnh sát, lực lượng vũ trang và tài xế taxi.
Như vậy, sau hàng loạt viện trợ cả về quân sự lẫn kinh tế, Trung Quốc sắp tặng 1 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho Campuchia.