Biden đã chìa quân bài để thực hiện chiến lược đối phó Trung Quốc

Hồ sơ - Ngày đăng : 21:19, 16/01/2021

Tổng thống đắc cử Joe Biden đã có một bước tiến dài khi công bố Kurt Campbell cho vị trí điều phối viên Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Đang xuất hiện sự thừa nhận rộng rãi rằng Mỹ dần mất vị thế trước Trung Quốc ở châu Á. Càng ngày, người ta càng thấy rõ ràng rằng Trung Quốc là đối thủ địa chính trị toàn cầu thách thức Mỹ trong khi các đối thủ lớn như Nhật Bản, Ấn Độ và Úc đang mong muốn hợp tác với Washington để khôi phục lại sự cân bằng sức mạnh.

Chính quyền Trump đã thực hiện một số điều đó với chiến lược xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở, nhằm mục đích chống lại Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc. Trong chiến lược đó, Mỹ chủ trương thúc đẩy tự do thương mại,  tự do trên biển và thượng tôn luật pháp. Nhưng chính quyền Trump cũng tự làm khó  trong chiến lược này khi rút lui khỏi các lĩnh vực cạnh tranh chính, đặc biệt là việc rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng như đe dọa rút quân khỏi Hàn Quốc, Nhật Bản. Phản ứng thiếu hiệu quả của Tổng thống Donald Trump đối với đại dịch COVID-19 và việc ông kích động cuộc bạo động vào Điện Capitol chỉ khoét sâu thêm lỗ hổng mà Tổng thống đắc cử Joe Biden giờ đây sẽ phải giải quyết.

Cho đến nay, các lựa chọn hàng đầu của Biden cho nhóm an ninh quốc gia của ông đều là những người đáng tin cậy và có kinh nghiệm. Thế nhưng, cũng có nhận định đội ngũ của ông Biden chủ yếu tập trung vào các mối quan hệ ở Trung Đông và Đại Tây Dương. Ngày càng có nhiều lời xì xào ở châu Á rằng có lẽ khát khao tham gia tích cực và cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc của chính quyền Biden sẽ giảm sút. Sự hoài nghi đó còn dựa trên việc chính quyền Obama (với Biden làm Phó tổng thống) trước đây đã mềm mỏng với Trung Quốc, gây thất vọng cho các nước trong khu vực. Tuy nhiên, nhóm chuyển tiếp của Biden đã có một bước tiến dài để đảo ngược ấn tượng đó bằng cách công bố Kurt Campbell cho vị trí đặc trách của Nhà Trắng về khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

cambpell.jpg

Thứ nhất, Campbell được nhiều người công nhận là kiến ​​trúc sư đặt nền móng quan trọng trong chiến lược xây dựng các liên minh và quan hệ đối tác để giữ Bắc Kinh trong tầm kiểm soát khi sức mạnh Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Vào giữa những năm 1990, ông được bổ nhiệm làm quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ về châu Á. Trong vòng hai năm, ông đã thúc đẩy sự phát triển của liên minh Mỹ-Nhật và thiết lập mối quan hệ hợp tác quốc phòng chặt chẽ giữa Washington và Tokyo cho tới tận ngày nay.

Là trợ lý ngoại trưởng phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama, không ai hơn được Campbell trong vấn đề xoay trục sang châu Á. Vì xoay trục, một số người ngầm chỉ trích Mỹ không còn quan tâm đến châu Âu hoặc Trung Đông, trong khi những người khác cho rằng chính sách này quá khiêu khích đối với Trung Quốc. Nhưng logic cân bằng quyền lực đằng sau xoay trục là đúng đắn và được coi là nền móng cho khái niệm Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương Tự do và Cởi mở. Chiến lược xoay trục của Campbell vẫn là điểm cốt lõi của sự đồng thuận giữa hai chính quyền chuyển tiếp ở Mỹ cũng như lưỡng đảng ở Quốc hội Mỹ.

Thứ hai, vị trí mới chưa từng có thể hiện việc nâng cao tầm quan trọng chiến lược của châu Á trong bộ máy chính sách của nước Mỹ. Hồi năm 2000, ở Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) thì Ban phụ trách Châu Âu lớn gấp ba lần so với Ban phụ trách Châu Á. Đến năm 2005, hai ban có quy mô ngang bằng, mỗi Ban do một giám đốc cấp cao và khoảng năm giám đốc. Có vẻ như Ban phụ trách châu Á mới của Biden tại Nhà Trắng sẽ có ba hoặc bốn giám đốc cấp cao, khiến nó trở thành Siêu ban trong NSC — với quy mô gấp 3 lần Ban phụ trách châu Âu. Kiểu tái tổ chức lớn này luôn có một số tác động và nếu được thực hiện tốt, nó cũng có thể là một động lực cho các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. NATO và phần lớn Liên minh châu Âu đang tập trung làm việc với chính quyền Biden về Trung Quốc - một con bài chiến lược mà chính quyền Trump đã bỏ qua vì lập trường chống châu Âu của mình.

Thứ ba, việc lựa chọn Campbell thể hiện một cái gật đầu quan trọng của lưỡng đảng đối với chiến lược dành cho Trung Quốc và châu Á. Đúng là Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa từng chỉ trích Biden về vấn đề đối phó Trung Quốc trong chiến dịch bầu cử năm 2020. Nhưng trên thực tế thì có sự đồng thuận rất rộng rãi trong Quốc hội và cộng đồng chính sách đối ngoại về sự cần thiết phải tăng cường liên minh, bảo vệ các công nghệ quan trọng và cứng rắn với Trung Quốc về nhân quyền, tự do báo chí và dân chủ (theo kết quả cuộc thăm dò vào tháng 8.2020 về Chính sách đối phó Trung Quốc do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế thực hiện). Campbell là một trong những lý do tại sao chính sách châu Á lại mang tính lưỡng đảng như nó vốn có.

Dù là người của Dân chủ nhưng Campbell lại rất được người Cộng hòa tín nhiệm. Randall Schriver, người cho đến tháng 12.2019 là trợ lý đặc trách về châu Á rất hiệu quả của Bộ trưởng Quốc phòng, cũng bắt đầu làm việc cho Campbell ở Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền Clinton. Thượng nghị sĩ John McCain và các đảng viên Cộng hòa khác trên Đồi Capitol thường xuyên quay sang chỗ Campbell để xin tư vấn về Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và khu vực. Có lần McCain chuẩn bị công du đến Singapore, Campbell đã đưa ra lời kêu gọi mạnh mẽ rằng Thượng nghị sĩ của Cộng hòa nên dừng lại ở Đài Bắc để thể hiện sự ủng hộ hòn đảo này vào thời điểm Trung Quốc gia tăng áp lực lên Đài Loan. Bỏ mặc lời khuyên của các trợ lý, McCain đồng ý ngay lập tức. Campbell là nhân vật không ai phù hợp hơn vào thời điểm mà nước Mỹ đang bị phân cực nghiêm trọng ngay trong lòng.

Chính quyền Biden sắp tới có một loạt thách thức khó khăn. Thứ khan hiếm nhất đối với một tổng thống là thời gian. Cách duy nhất để bù đắp là có ý thức chiến lược về những gì quan trọng nhất và nơi cần nhắm đến sức mạnh và ảnh hưởng của nước Mỹ nhất. Điều này đòi hỏi người có kinh nghiệm và có sẵn chiến lược rõ ràng. Không dễ dàng để tìm được người như thế nhưng Biden và giám đốc NSC được chỉ định của ông, Jake Sullivan dường như đã tìm ra quân bài để giải quyết khu vực nóng châu Á – Thái Bình Dương.

Anh Tú