'Trump xứ nhiệt đới' có bị cấm khẩu trên Twitter, Facebook như thần tượng?

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:05, 17/01/2021

Lệnh cấm truyền thông xã hội với Trump dấy lên lời kêu gọi hành động chống lại các nhà lãnh đạo dân túy khác.

"Tôi không ăn mừng hay cảm thấy tự hào", Giám đốc điều hành Twitter - Jack Dorsey nói trong tuần này sau khi cấm ông Donald Trump.

Song với nhiều người trên thế giới, quyết định này mang lại hy vọng: Liệu hành động tương tự có thể sớm được thực hiện chống lại các nhà lãnh đạo dân túy khác mà họ cáo buộc sử dụng mạng xã hội để khuấy động hỗn loạn không?

Tôi phải tuân theo các quy tắc của YouTube khi đăng video của mình, nếu không tôi sẽ bị cấm. Các nhà báo phải tuân theo các quy tắc của cửa hàng khi họ đăng thông báo. Vậy tại sao các tổng thống không phải tuân theo bất kỳ quy tắc nào khi xuất bản điều gì đó trực tuyến?", Felipe Neto, một trong những người nổi tiếng trên mạng và được chính trị hóa nhiều nhất của Brazil, thắc mắc.

Từ Rio de Janeiro (Brazil) đến Delhi (Ấn Độ), các nhà hoạt động và học giả đã đặt những câu hỏi tương tự sau khi Tổng thống Mỹ bị đình chỉ hoạt động trên Twitter, YouTube, Facebook, Snapchat và Instagram.

Các lời kích động người dân đặc biệt rầm rộ ở Brazil từ năm 2019 được thực hiện bởi Jair Bolsonaro, Tổng thống cực hữu có biệt danh là “Trump xứ nhiệt đới” và xem ông Trump là thần tượng chính trị.

trump-vung-nhiet-doi-co-bi-cam-khau-nhu-than-tuong-hinh-anh1.jpg
Tổng thống Brazil - Jair Bolsonaro (trái) xem ông Trump là thần tượng chính trị

Twitter đã đặt một họng súng vào Trump. Chúng tôi sẽ cần một cái khác cho Brazil”, Marcelo Freixo, một trong những đối thủ chính trị thúc giục các biện pháp trừng phạt Tổng thống Jair Bolsonaro, viết trên Twitter.

Nhiều người cáo buộc ông Jair Bolsonaro liên tục sử dụng mạng xã hội để phá hoại nền dân chủ và kích động bạo lực. Trong một chương trình phát sóng kích động trên YouTube vào trước cuộc bầu cử năm 2018, Jair Bolsonaro đưa ra hứa hẹn mang tính lịch sử về cuộc “dọn dẹp sạch” các đối thủ.

Trong nhiệm kỳ của mình, ông Jair Bolsonaro từ chối cư xử ôn hòa, sử dụng mạng xã hội để khuyến khích các cuộc biểu tình chống dân chủ và kêu gọi những người ủng hộ “nổi loạn” mua súng để tránh bị “làm nô lệ”. Những tháng gần đây, ông Jair Bolsonaro đã đặt câu hỏi về hệ thống bỏ phiếu điện tử của Brazil, thuyết phục nhiều người rằng nếu ông thua cuộc bầu cử tiếp theo thì sẽ từ chối kết quả như Trump đã làm - với những hậu quả khó lường với một nền dân chủ non trẻ.

Có 41 triệu người theo dõi trên YouTube, Felipe Neto cảnh báo: “Nỗi ám ảnh của ông ấy về việc trang bị số lượng người theo dõi lớn nhất có thể, có một mục tiêu rõ ràng. Bolsonaro và gia đình ông đang chuẩn bị cơ sở để không chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử và mọi thứ hứa hẹn sẽ tồi tệ hơn nhiều so với cuộc bạo loạn ở Điện Capitol của Mỹ”.

Pedro Doria, nhà báo chuyên mục công nghệ, cảm thấy không thoải mái khi các ông chủ công nghệ lớn có quyền bịt miệng các tổng thống nhưng vô cùng lo lắng trước việc Tổng thống Jair Bolsonaro sử dụng mạng xã hội một cách thiếu kiểm soát để rao giảng sự rạn nứt chính trị.

Nếu Trump bị đuổi khỏi Twitter vì kích động một đám đông chống lại Điện Capitol thì Bolsonaro cũng đang chuẩn bị cho mình để làm điều tương tự… Không có ý nghĩa gì khi đợi ông thực sự hành động để cố gắng lật đổ chế độ dân chủ Brazil”, Pedro Doria nói.

Tại Ấn Độ, nhiều người đã kêu gọi các biện pháp trừng phạt tương tự với Thủ tướng Narendra Modi và các nhân vật từ Đảng Bharatiya Janata (BJP) với đường lối chính trị theo chủ nghĩa Hindu của ông.

Dù Narendra Modi sử dụng Twitter đăng phần lớn nội dung là ẩn ý và không mang tính chất phản đối, nhiều chính trị gia BJP cấp cao và cấp trung bị cáo buộc có lời nói căm thù mang động cơ chính trị trên các tài khoản mạng xã hội của họ.

trump-vung-nhiet-doi-co-bi-cam-khau-nhu-than-tuong.jpg
Mark Zuckerberg ôm Thủ tướng Narenda Modi tại trụ sở Facebook năm 2015

Facebook nhiều lần bị cáo buộc thiên vị BJP khi đưa ra một nền tảng cho các bài phát biểu căm thù chống người Hồi giáo của các nhà lãnh đạo BJP và không có hành động chống lại các nhóm với đường lối chính trị theo chủ nghĩa Hindu cổ vũ bạo lực đám đông.

Các bài đăng gây kích động trên Facebook đã bị quy trách nhiệm về một số vụ bùng phát bạo lực cộng đồng gần đây ở Ấn Độ khiến nhiều người thiệt mạng, cũng như việc lan truyền các thuyết âm mưu chống Hồi giáo nguy hiểm. Vào tháng 9.2020, Facebook đã cấm một chính trị gia BJP vì vi phạm các quy tắc về lời nói căm thù của họ, chỉ sau cuộc điều tra từ tờ Wall Street Journal (Mỹ) và áp lực dư luận lớn.

Shashi Tharoor, nhà lãnh đạo từ đảng Đại hội Quốc gia đối lập gần đây đã chủ trì một ủy ban Quốc hội kiểm tra các hành động của Facebook ở Ấn Độ, là một trong số những người kêu gọi Twitter thực hiện các bước tương tự để hạn chế các chính trị gia cầm quyền của Ấn Độ kích động bạo lực.

Việc hạn chế quyền tự do ngôn luận của những người kích động bạo lực và các hành vi dân chủ khác cũng cần thiết ở đây. Những ai cố gắng hạn chế quyền và tự do của những người bầu họ làm lãnh đạo sẽ không được cung cấp một nền tảng cho phép”, Shashi Tharoor viết trên Twitter.

Những người khác đã rõ hơn về những ai mà họ cảm thấy Twitter nên trừng phạt.

Khaled A Beydoun, Phó giáo sư luật tại Trường Luật Đại học Arkansas (Mỹ), cho biết việc đình chỉ Thủ tướng Narendra Modi khỏi Twitter “sẽ là động thái hợp lý tiếp theo”.

"Sự xúi giục độc đoán của nhã lãnh đạo không chỉ là một hiện tượng của Mỹ", Khaled A Beydoun nói thêm.

Dù vậy, sự cấm khẩu ông Trump trên mạng xã hội và triển vọng của hành động tương tự ở những nơi khác không được hoan nghênh rộng rãi, đặc biệt là bởi các đồng minh hoặc những người được xác định là mục tiêu tiềm năng.

Thủ tướng Hungary - Viktor Orbán (theo cánh hữu) kiên quyết ủng hộ ông Trump trước cuộc bầu cử vào tháng 11.2020 và nhiều nhân vật chính phủ nước này lên án việc Tổng thống Mỹ bị cấm trên mạng xã hội.

Bộ trưởng Tư pháp Hungary – bà Judit Varga gọi các quyết định cấm ông Trump là “chủ nghĩa đế quốc kỹ thuật số” cho thấy “chúng ta thực sự dễ bị tổn thương như thế nào trước sự kiểm soát toàn cầu của các phương tiện truyền thông xã hội tự do”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga gọi việc đình chỉ ông Trump là "một vụ nổ hạt nhân trong không gian mạng", đồng thời cảnh báo: "Không phải sự tàn phá đáng sợ mà là kết quả".

Các nhà lãnh đạo trên thế giới khách chỉ trích việc Twitter cấm vĩnh viễn tài khoản ông Trump có Tổng thống Mexico - Andrés Manuel López Obrador (người đã so sánh lệnh cấm với Tòa án Dị giáo Tây Ban Nha) và Thủ tướng Đức - Angela Merkel.

Chưa rõ những công ty truyền thông xã hội khổng lồ có thực hiện hành động cấp tiến như vậy bên ngoài nước Mỹ không.

Facebook từ lâu đã bị chỉ trích vì việc thực thi các quy tắc của mình không rõ ràng và có vẻ chỉ tùy tiện chống lại các hành động kích động bạo lực hoặc lời nói căm thù của các nhà lãnh đạo chính trị.

Facebook đã thất bại trong việc chống lại các nhà lãnh đạo quân đội Mynamar - sử dụng nền tảng này để truyền bá thông tin sai lệch và căm thù người thiểu số Rohingya cho đến 1 năm sau khi chiến dịch diệt chủng bắt đầu.

Vào năm 2017, Facebook đã cấm Ramzan Kadyrov, nhà lãnh đạo Chechnya được Nga hậu thuẫn, không phải do việc sử dụng Instagram để đe dọa các đối thủ chính trị - bao gồm video mô tả một nhà lãnh đạo đối lập Nga trong tư thế cầm súng - mà bởi ông bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ với cáo buộc vi phạm nhân quyền. Thậm chí sau đó, Facebook từ chối giải thích lý do Kadyrov bị cấm, trong khi các nhà lãnh đạo thế giới khác nằm trong danh sách trừng phạt như Nicolás Maduro (Venezuela) và Bashar al-Assad (Syria) tiếp tục có quyền truy cập vào mạng xã hội này.

David Kaye, Giáo sư luật và cựu báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về quyền tự do ngôn luận, cho biết: “Theo quan điểm của tôi, câu hỏi quan trọng nhất ở đây là liệu các hành động tuần trước (cấm Trump – PV) có phải là điều mà các công ty chuẩn bị áp dụng trên toàn cầu hay không? Tôi tưởng tượng rằng họ sẽ nói có, nhưng điều đó là chưa đủ. Họ sẽ luôn được coi là những công ty Mỹ, đặc biệt sống động với bối cảnh và mối quan tâm của Mỹ, trừ khi họ dành sự quan tâm và nguồn lực giống như những gì áp dụng ở Mỹ cho các vấn đề nội dung trên thế giới".

David Kaye nói các quyết định cấm ông Trump yêu cầu các nền tảng phải nhìn xa hơn các tuyên bố cá nhân từ Tổng thống Mỹ để xem xét bối cảnh chính trị và đối tượng dự kiến ​​của họ.

Họ cần phải tăng cường sự chú ý của mình đến tất cả nơi mà các nhân vật của công chúng sử dụng nền tảng để kích động bạo lực. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng cường nhân sự và chuyên môn ngoài việc để người kiểm duyệt xem xét từng phần nội dung”, David Kaye nhận định.

Nhà báo Pedro Doria thừa nhận không chắc chắn đâu là đường lối hành động phù hợp ở Brazil nhưng tin rằng cần có một câu hỏi quan trọng: “Mạng xã hội đang chờ đợi điều gì?”.

Bolsonaro đang làm chính xác những gì Trump đã làm, đó là chuẩn bị tuyên bố gian lận bầu cử nếu ông thua. Ông ta sẽ cố gắng kích động một đám đông và lật đổ chế độ dân chủ. Mạng xã hội sẽ là đồng lõa nếu điều đó xảy ra ở Brazil sau khi Trump thực sự làm điều này”, Pedro Doria dự đoán.

Nhân Hoàng