Nhà đầu tư Mỹ, Anh, Canada quan tâm dự án đường sắt 10 tỉ USD nối TP.HCM - Cần Thơ

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 17:30, 17/01/2021

Bộ GTVT vừa quyết định giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
nha-dau-tu-my-anh-canada-quan-tam-du-an-duong-sat-tphcm-can-tho.jpg
Bản đồ tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ theo quy hoạch

Ban Quản lý dự án đường sắt sẽ tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025. Đây là nội dung chính trong Quyết định số 132/QĐ – BGTVT vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành vào đầu tuần này.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý dự án đường sắt tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu: Tăng cường loại hình vận tải bằng đường sắt để kết nối TP.HCM với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Kinh phí lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được xác định theo nhiệm vụ, dự toán được duyệt và kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư hàng năm. Thời gian thực hiện việc lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án là từ năm 2021 đến năm 2022.

Quyết định số 132 cũng nêu rõ, chủ đầu tư bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi là Ban Quản lý dự án đường sắt. Tư vấn lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được lựa chọn theo quy định hiện hành.

Bộ GTVT giao Ban Quản lý dự án đường sắt chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan để triển khai lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ theo các quy định hiện hành.

Tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ được Bộ GTVT phê duyệt quy hoạch vào năm 2013, có chiều dài hơn 173 km đi qua các tỉnh, thành gồm: Bình Dương, TP.HCM, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ.

Song qua công tác khảo sát, nghiên cứu trên cơ sở ý kiến của các địa phương, nhà đầu tư – các đơn vị tư vấn thiết kế kiến nghị Bộ GTVT đề xuất Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tuyến đường sắt này. Theo đề xuất quy hoạch mới, đoạn từ ga Tân Kiên đến ga Cái Răng (qua địa phận TP.HCM, Long An, Tiền Giang) sẽ điều chỉnh theo hướng đi song song với cao tốc TP.HCM - Trung Lương, Trung Lương - Mỹ Thuận, giảm số lượng nhà ga, diện tích chiếm dụng đất, chi phí xây lắp và chi phí giải phóng mặt bằng…

Theo báo cáo, tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có 14 ga và hai trạm khách. Tuyến đường có điểm đầu hàng hóa tại thị xã Dĩ An, Bình Dương. Còn điểm đầu hành khách của tuyến ở huyện Bình Chánh, TP.HCM và điểm cuối tại quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ. Ước tính vốn đầu tư công trình khoảng 10 tỉ USD.

Tuyến được thiết kế đường sắt đôi, khổ 1.435 mm. Đây là khổ hiện đại dành cho đường sắt cao tốc phổ biến trên thế giới, tốc độ dưới 200 km/giờ cho tàu hàng và trên 200 km/giờ cho tàu khách. Dự án sau khi được thực hiện sẽ kết nối trung tâm kinh tế trọng điểm phía nam với thủ phủ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long, rút ngắn thời gian di chuyển xuống còn 45 phút.

Tuy nhiên, sau nhiều lần họp bàn, đại diện 5 tỉnh thành liên quan đã thống nhất với phương án đơn vị nghiên cứu đề xuất (Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam) là rút ngắn tuyến còn 139,7 km với 9 ga, chạy song hành với đường bộ cao tốc TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận, hướng ngoại vi các đô thị hiện hữu. Việc điều chỉnh sẽ giảm khối lượng giải phóng mặt bằng, giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc phát triển các cụm đô thị kết nối với nhà ga, tăng hiệu quả sử dụng đất, đồng thời giúp chi phí xây dựng và thiết bị kèm theo giảm được 17.000 tỉ đồng.

Trước đó, đại diện Viện Khoa học - Công nghệ Phương Nam cho biết Viện đã chính thức ký kết Biên bản ghi nhớ với Quỹ Morfund của Canada với quy mô vốn đầu tư cho dự án là 6,3 tỉ USD Canada (tương đương 5 tỉ USD). Theo phương án tài chính đang trình TP.HCM, công trình này sẽ được đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công - tư), Nhà nước chịu trách nhiệm phần giải phóng mặt bằng, còn tư nhân sẽ đảm nhận toàn bộ chi phí xây dựng.

Theo báo Thanh Niên, ông Hà Ngọc Trường, Trưởng bộ môn đường sắt metro, Trường ĐH GTVT TP.HCM, đồng thời là chủ nhiệm đề án tuyến đường sắt cao tốc TP.HCM - Cần Thơ, thông tin thêm: Hiện đã có 2 nhà đầu tư đến từ Mỹ và Anh quan tâm đến dự án này. Họ đánh giá hiệu quả đầu tư tuyến đường (sau khi thay đổi hướng tuyến) sẽ rất cao bởi nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa từ miền Tây Nam bộ lên TP.HCM rất lớn và còn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Ngoài ra, theo đề xuất của đơn vị tư vấn, 9 ga sẽ được quy hoạch thành 9 thành phố mới với quy mô dân số tương đương một phường, xã gồm đầy đủ cơ sở hạ tầng, khu công nghiệp, nhà ở, trường học, bệnh viện, hệ thống siêu thị... theo tiêu chuẩn quốc tế. Do đó, các địa phương hoàn toàn có thể khai thác quỹ đất ở các ga để huy động nguồn vốn phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội.

P.V