Người thừa kế Samsung lãnh án 2 năm 6 tháng tù vì hối lộ, lần thứ 2 xộ khám
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 12:40, 18/01/2021
Theo trang Yonhap, Tòa án tối cao Seoul đã tuyên án tù Lee Jae-yong, Phó chủ tịch Samsung Electronics, vì tội hối lộ cựu Tổng thống Park Geun-hye và người bạn lâu năm của bà, Choi Soon-sil để giành được sự ủng hộ của chính phủ với việc chuyển giao quyền quản lý giữa cha và con họ một cách suôn sẻ tại Samsung.
Park Geun-hye sau đó bị luận tội và cách chức tổng thống vì tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực.
Có mặt tại phiên điều trần, Lee Jae-yong đã bị bắt giam ngay sau khi bản án được tuyên, chưa đầy 3 năm sau khi ông được trả tự do với án treo.
Năm nay 52 tuổi, Lee Jae-yong bị buộc tội vào tháng 2.2017 vì đã đưa hối lộ trị giá 29,8 tỉ won (27,4 triệu USD) và hứa sẽ đưa nhiều hơn nữa.
Năm 2017, Lee Jae-yong bị kết án 5 năm tù vì đã cung cấp tổng cộng 8,9 tỉ won để hỗ trợ cho việc huấn luyện cưỡi ngựa của con gái
Choi Soon-sil và quyên góp cho một quỹ thể thao do gia đình Choi điều hành. Thế nhưng, Lee Jae-yong đã được trả tự do vào năm 2018 sau khi một tòa phúc thẩm tuyên án tù treo 2 năm rưỡi với ông, dựa trên số tiền hối lộ được sửa đổi là 3,6 tỉ won.
Vào tháng 8.2019, Tòa án Cấp cao đã ra phán quyết Lee Jae-yong đưa tổng cộng 8,6 tỉ won hối lộ và chuyển vụ án lên tòa phúc thẩm để xét xử lại.
Hôm 14.1, Tòa án Tối cao đã giữ nguyên án tù 20 năm với bà Park Geun-hye về các tội danh tham nhũng và lạm dụng quyền lực. Choi Soon-Sil đã bị kết án 18 năm tù với các tội danh lạm dụng quyền lực, cưỡng bức và hối lộ vào tháng 6.2020.
Phán quyết hôm 18.1 đã làm tiêu tan hy vọng của những người ủng hộ Lee Jae-yong và các lãnh đạo công ty khác, những người đã yêu cầu tòa án khoan hồng với Tập đoàn Samsung, với lý do vai trò của ông trong việc giúp khắc phục những khó khăn kinh tế do đại dịch coronavirus gây ra.
Tuy nhiên, phán quyết này được hoan nghênh rộng rãi bởi các nhà hoạt động chống tham nhũng, những ai đã yêu cầu cơ quan tư pháp thể hiện sự sẵn sàng mạnh mẽ để giải quyết các mối quan hệ ấm cúng giữa ngành công nghiệp và giới tinh hoa chính trị, thường bị đổ lỗi cho việc quản trị doanh nghiệp kém của đất nước.
Ngày 30.12.2020, công tố viên Hàn Quốc đề nghị xử 9 năm tù giam với Lee Jae-yong trong phiên xét xử lại vụ án hối lộ liên quan đến cựu Tổng thống Park Geun-hye. Như vậy, mức án trên đã được giảm nhẹ.
Lee Jae-yong còn phải đối mặt với một phiên tòa riêng về nghi ngờ gian lận kế toán và thao túng giá cổ phiếu liên quan đến vụ sáp nhập năm 2015 đã giúp ông nắm quyền kiểm soát lớn hơn với Samsung Electronics.
Trước đó, nhiều người Hàn muốn nhìn thấy Lee Jae-yong lãnh đạo Samsung trong cuộc cạnh tranh khốc liệt trên toàn cầu và áp lực đổi mới. Đơn kiến nghị có chữ ký của 57.440 người Hàn Quốc trên website Văn phòng Tổng thống, gọi Samsung là “niềm tự hào quốc gia” và kêu gọi tự do cho Lee Jae-yong.
Nhà phân tích Lee Jae Yun của hãng Yuanta Securities Korea nhận định, bất kỳ sự vắng mặt nào của Lee Jae-yong cũng ảnh hưởng đến Samsung, từ các thương vụ lớn cho tới những lĩnh vực mà họ muốn mở rộng.
Lee Jae-yong cam kết thay đổi Samsung, đưa tuân thủ và trách nhiệm xã hội lên hàng đầu, song việc này không giúp ông trắng án.
"Một công ty siêu cấp thực sự là một công ty bền vững... Tôi muốn tạo ra một Samsung mới", Lee Jae-yong tuyên bố vào tháng 12.2020 trước tòa.
Phải ngồi tù lần hai, Lee Jae-yong (được truyền thông gọi là Thái tử Samsung) có thể bị loại khỏi nhà sản xuất chip nhớ và smartphone lớn nhất thế giới, còn Samsung đối mặt nguy cơ bị các đối thủ vượt qua trong các lĩnh vực như sản xuất hợp đồng chip và trí tuệ nhân tạo (AI).
Park Ju-gun, trưởng nhóm nghiên cứu CEO Score, cho biết: “Samsung đang ở một ngã ba đường. COVID-19 đã đẩy nhanh sự thay đổi và các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thế hệ thứ ba (Hàn Quốc) khác đang tích cực tham gia vào lĩnh vực kinh doanh mới”.
Park Ju-gun đã trích dẫn sự thúc đẩy EV (ô tô điện) của Hyundai và liên doanh LG với Magna (sản xuất động cơ điện tử, bộ biến tần và bộ sạc tích hợp cho nhiều hãng ô tô) là những ví dụ về các sáng kiến đầy tham vọng.
“Samsung đã không thực sự thấy những thay đổi lớn trong lĩnh vực kinh doanh mới như AI kể từ khi mua lại Harman vào năm 2016, ngoại trừ việc tăng cường mảng kinh doanh xưởng đúc, vì rủi ro pháp lý vẫn tiếp diễn. Vài năm tới sẽ quyết định liệu Samsung sẽ trở thành một công ty nền tảng toàn cầu hay vẫn là một hãng phần cứng”, Park Ju-gun nói.
Lee Jae-yong là người đứng đầu trên thực tế của Samsung Electronics kể từ khi cha ông (Chủ tịch Lee Kun-hee) nhập viện sau một cơn đau tim vào năm 2014.
Lee Kun-hee qua đời hôm 25.10.2020 ở tuổi 78 nhưng vị trí chủ tịch mà ông từng nắm giữ vẫn chưa được lấp đầy và sự không chắc chắn do những rắc rối pháp lý của con trai là lý do chính, các nhà phân tích cho biết.
Là Phó chủ tịch Samsung Electronics từ năm 2012, Lee Jae-yong vẫn chưa tạo được dấu ấn như cha ông đã làm là xây dựng mảng kinh doanh bán dẫn, hiện mang lại một nửa lợi nhuận cho Samsung Electronics.
Một trong những trọng tâm của Lee Jae-yong là hoạt động kinh doanh chip không có đặc tính nhớ của Samsung, bao gồm sản xuất chip theo hợp đồng, kêu gọi nhân viên “tạo ra một huyền thoại khác”.
Samsung có kế hoạch đầu tư 133.000 tỉ won (121,47 tỉ USD) vào chip không có đặc tính nhớ đến năm 2030 để trở thành số 1, bao gồm cả lĩnh vực sản xuất chip theo hợp đồng, nơi 17% thị phần của họ kém xa so với 54% của hãng số 1 hiện tại là TSMC, theo TrendForce.