Báo Nhật: Thái Lan chững lại nhưng Việt Nam dù chạy nhanh cũng không dễ bắt kịp

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 15:22, 18/01/2021

Ngày càng nhiều công ty quốc tế cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn Thái Lan chững lại. Phân tích cấu trúc kinh tế của hai nước cho thấy một bức tranh hơi khác.

Thái Lan đang chững khi Việt Nam băng lên?

Việt Nam và Thái Lan là những câu chuyện thành công nổi bật trong việc ngăn chặn coronavirus, được Tổ chức Y tế Thế giới khen ngợi. Nhưng khi năm 2021 bắt đầu, sự chênh lệch giữa hai nền kinh tế Đông Nam Á có vẻ ngày càng gia tăng.

Sự tương phản giữa một Việt Nam đang trỗi dậy và một Thái Lan chững lại đã xuất hiện cách đây vài năm nhưng càng trở nên sâu sắc hơn trong thời kỳ đại dịch. Nó được minh họa trong quyết định gần đây của Panasonic về việc chấm dứt sản xuất máy giặt và tủ lạnh ở Thái Lan để chuyển sang lắp ráp thiết bị tại Việt Nam.

vn2.jpg
Tuần hàng Việt Nam ở Thái Lan

Các dấu hiệu cũng xuất hiện trong dữ liệu kinh tế. Ước tính gần đây nhất của Ngân hàng Phát triển Châu Á cho thấy tổng sản phẩm quốc nội của Việt Nam tăng 2,9% vào năm 2020, trong khi GDP Thái Lan có thể giảm 7,8%. Nhưng một cái nhìn sâu hơn cho thấy hai nền kinh tế đang chỉ ra những hướng khác nhau.

Thái Lan là một quốc gia quan trọng đối với Panasonic. Sau chiến tranh thế giới lần 2, nơi Panasonic mở địa điểm sản xuất ở nước ngoài đầu tiên là Thái Lan vào năm 1961. Khi Vua Bhumibol Adulyadej đến thăm Nhật Bản vào năm 1963, người sáng lập Panasonic Konosuke Matsushita đã cho ông tham quan nhà máy sản xuất TV của hãng.

Panasonic vẫn có các nhà máy sản xuất linh kiện ô tô và pin ở Thái Lan, nhưng việc chuyển dịch sản xuất đã làm rung chuyển chính phủ Thái Lan, đặc biệt vì điểm đến là Việt Nam, nơi mà Bangkok được coi là đối thủ cạnh tranh chính trong thu hút đầu tư nước ngoài.

Panasonic đã sử dụng các nhà máy Thái Lan để sản xuất các thiết bị công suất lớn trong khi các nhà máy Việt Nam chế tạo các thiết bị công suất trung bình. Cả hai quốc gia đã từng là cơ sở để xuất khẩu sang hàng chục quốc gia khác ở châu Á, Trung Đông và các nơi khác. Người phát ngôn của công ty cho biết việc chuyển địa điểm sản xuất đã được quyết định vào đầu năm ngoái và không liên quan đến đại dịch COVID-19.

Nhưng tại sao lại chuyển từ Thái Lan sang Việt Nam? Một yếu tố là quy mô thị trường. Nhà nghiên cứu thuộc Euromonitor International của Anh cho biết trong năm 2019, đã 2,8 triệu tủ lạnh và 2,27 triệu máy giặt được bán tại Việt Nam trong khi con số tương ứng tại Thái Lan là 1,92 triệu và 1,75 triệu.

Hơn nữa, 92% hộ gia đình Thái Lan đã sở hữu tủ lạnh và 70% đã có máy giặt, so với 74% và 40% tương ứng ở Việt Nam. Do vậy, Việt Nam có nhiều dư địa hơn để tăng trưởng doanh số.

Việt Nam cũng có lợi thế về sản xuất. Mặc dù chi phí lao động của Việt Nam đã tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng vẫn chỉ ở mức khoảng 60% so với Thái Lan.

Akio Ota, cựu chủ tịch Panasonic Việt Nam cho biết: “Thị trường Thái Lan có rất ít dư địa để tăng trưởng, nhưng chi phí lao động lại cao, vì vậy việc tái cơ cấu sản xuất là điều đương nhiên".

Thái Lan bắt đầu phát triển thành "công xưởng của châu Á" trong những năm 1980, trong khi các nhà sản xuất mới chỉ bắt đầu xây dựng cơ sở ở Việt Nam hồi năm 2007, thời điểm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Nhưng Việt Nam đã vượt qua Thái Lan về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong năm 2014 và về giá trị xuất khẩu trong năm 2018.

Việt Nam được coi là một lựa chọn khả thi sau Trung Quốc kể từ khi mâu thuẫn thương mại Mỹ-Trung bắt đầu leo ​​thang và dịch coronavirus bắt đầu lan rộng. Ngày càng nhiều công ty quốc tế cho rằng Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng hơn Thái Lan.

Nhưng điều này có đúng không? Phân tích cấu trúc kinh tế của hai nước cho thấy một bức tranh hơi khác.

Thái Lan không cần cạnh tranh Việt Nam ở vị trí "công xưởng"

Lĩnh vực đầu tiên cần lưu ý là xuất khẩu hàng hóa. Khoảng 40% hàng xuất khẩu của Việt Nam đến Mỹ và Liên minh châu Âu, trong khi khoảng 30% của Thái Lan dành cho các điểm đến trong khu vực Đông Nam Á.

vn.jpg

Năm 2019, Thái Lan đạt thặng dư thương mại tổng hợp 13,9 tỉ USD với Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam, các nước kém phát triển hơn trong khu vực sông Mekong được gọi chung là CLMV. Nhờ vậy, dù cán cân thương mại của Thái Lan ở những nơi khác bị thâm hụt nhưng thặng dư tổng thể của nước này là 9 tỉ USD.

Đáng chú ý, thặng dư thương mại của Thái Lan với Việt Nam là 6,7 tỉ USD, gần bằng một nửa so với CLMV. Các sản phẩm, đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng, sản xuất tại Thái Lan được ưa chuộng mạnh mẽ, điều này đã giúp Bangkok tận dụng được tiềm năng phát triển của các nước láng giềng, đặc biệt là Việt Nam.

Một bức tranh tương tự cũng xuất hiện trong lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ của Thái Lan. Thặng dư của Thái Lan là 23,3 tỉ USD vào năm 2019, trước đại dịch, cao gần gấp ba lần so với 8,7 tỉ USD của Việt Nam. Không giống như thương mại hàng hóa, số liệu dịch vụ với các quốc gia riêng lẻ không có sẵn, nhưng thương mại dịch vụ tổng thể của Thái Lan được cho là do các nước láng giềng thúc đẩy.

Sau khi đợt đầu tiên lây nhiễm COVID-19 vào tháng 3 và tháng 4, Phó chủ tịch điều hành cấp cao của Siam Piwat, Mayuree Chaipromprasith, đã kêu gọi ưu tiên tiếp tục nhập cảnh của khách du lịch từ CLMV vào Thái Lan.

Lý do cho lời kêu gọi của bà Chaipromprasith dựa một phần vào việc tình hình dịch bệnh đã thuyên giảm ở CLMV vào thời điểm đó. Trong thời gian bình thường, du khách từ CLMV chiếm khoảng 30% lượng khách nước ngoài đến các cơ sở của công ty. Phân khúc khách hàng này đã chi trung bình 100.000 baht (3.300 USD) cho mỗi lượt nhập cảnh - một dấu hiệu cho thấy sức mua cao từ các phân khúc thu nhập cao và trung bình của các quốc gia lân cận.

Thứ ba liên quan đến đầu tư. Mặc dù Việt Nam dẫn đầu về đầu tư trực tiếp nước ngoài, nhưng Thái Lan ngày càng thể hiện vai trò của một nhà đầu tư ra bên ngoài. Năm 2019, đầu tư ra bên ngoài của Thái Lan đã vượt quá FDI vào Thái Lan trong năm thứ tư liên tiếp.

Vốn đầu tư nước ngoài tích lũy của Thái Lan đã đạt khoảng 60% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tương ứng vào nước này. Đầu tư ra nước ngoài lũy kế và từng năm của Thái Lan đều vượt quá con số của Malaysia, giúp quốc gia này xếp thứ 2 trong số các nước Đông Nam Á, chỉ sau Singapore.

Trớ trêu thay, đầu tư từ Thái Lan chủ yếu vào Việt Nam. Thai Beverage Public, được biết đến với thương hiệu bia Chang (Con voi), nhà bán lẻ Central Group và tập đoàn vật liệu khổng lồ Siam Cement Group là những công ty Thái Lan đã đầu tư lớn ra nước ngoài khi họ củng cố cơ bắp tài chính thông qua hợp tác với các công ty bên ngoài biên giới.

Sự phát triển trong tương lai của CLMV - đặc biệt là Việt Nam, mà Thái Lan coi là đối thủ - ngày càng có tầm quan trọng đối với sự tăng trưởng của Thái Lan với tư cách là động lực xuất khẩu cũng như đầu tư.

Ryuichi Ushiyama, nhà kinh tế chính tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, cho biết: “Trong nền kinh tế Thái Lan, có một hiện tượng đang phát triển có thể gọi là 'Mekongization', trong đó mối quan hệ của nước này với các nước khu vực Mekong ngày càng gần gũi hơn.

Nguồn gốc của xu hướng này bắt nguồn từ năm 1988, khi Thủ tướng Thái Lan lúc bấy giờ là Chatichai Choonhavan bắt đầu sáng kiến ​​biến Bán đảo Đông Dương từ một chiến trường thành một thị trường - và cuối cùng nó đã đơm hoa kết trái.

Tổng dân số của khu vực sông Mekong, bao gồm cả Thái Lan, là 240 triệu người. Con số này sánh ngang với 267 triệu dân ở Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 thế giới.

Chìa khóa của nền kinh tế Thái Lan đối với tăng trưởng trong tương lai là nắm bắt nhu cầu từ các quốc gia trong khu vực, được kết nối bằng đường bộ. Thái Lan không nhất thiết phải cạnh tranh với Việt Nam ở vị trí “công xưởng của châu Á”.

Khoảng 5.500 công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Thái Lan đã bị các đối thủ Trung Quốc vượt mặt vào năm 2019 về số lượng đầu tư . Nhưng các khoản đầu tư tích lũy mà họ có ở Thái Lan mang lại cho họ lợi thế lớn trong việc tiếp cận nhu cầu ở khu vực sông Mekong.

Đối với các tập đoàn Nhật Bản, chiến lược hiện quan trọng hơn quy mô đầu tư. Họ cần đánh giá thực tế về tình trạng hiện tại của nền kinh tế Thái Lan và quyết định cách sử dụng năng lực và mối quan hệ hiện có của họ với các công ty địa phương.

Anh Tú (theo Nikkei)