Kẻ Noi: Nét đẹp cổ kính của ngôi làng ngàn năm tuổi

Văn hóa - Ngày đăng : 12:20, 20/01/2021

Giữa phố phường đan xen nhộn nhịp, vẻ đẹp của vùng đất có tên là Kẻ Noi xưa kia những dấu tích rêu phong vẫn còn vẹn nguyên.

Giữa phố phường đan xen nhộn nhịp, vẻ đẹp của vùng đất có tên là Kẻ Noi xưa kia nửa như sâu lắng bởi những dấu tích rêu phong còn vẹn nguyên lại nửa như rộn rã bởi những sáng rỡ, hào hoa trên các nếp nhà hiện đại. Chỉ ít lâu nữa, vùng đất này sẽ bước vào kỷ niệm tròn nghìn năm tuổi…

Dấu tích chưa phai

Nằm sát ở phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long, Cổ Nhuế xưa là vùng sình lầy, cư dân rất thành thạo lội ngòi, noi nước, sinh sống, canh tác. Thế nên sau này, khi buôn bán, giao thương phát triển thì cũng như các vùng đất lân cận khác, người ta gọi tên nôm của làng là Noi. Cũng như các khu cư dân cổ khác của Hà Nội xưa thì Noi được gọi là Kẻ Noi.

01.-tran-nam.jpg
Ngoài các bức chạm khắc độc đáo, hiện dân làng Cổ Nhuế còn lưu giữ gần 20 đao sắc phong từ thời Lê Trung hưng đến thời Nguyễn (Khải Định), cuốn ngọc phả, cácbức đại tự, bộ câu đối sơn son thếp vàng ca ngợi công đức nhà Lý…

Trong đó, chữ “Kẻ” được chỉ như là một đơn vị địa danh tương đồng với nghĩa của từ làng, vùng – quy mô nhỏ. Nhắc đến Hà Nội cổ là người ta biết đến cũng là nơi tập trung nhiều “Kẻ” nhất. Ở phía bắc có những Kẻ Chèm, Kẻ Vẽ, Kẻ Xù, Kẻ Gạ, Kẻ Giàn, Kẻ Cáo, Kẻ Bưởi. Ở phía tây có Kẻ Đăm, Kẻ Nhổn, Kẻ Đáy (Mọc), Kẻ Đơ (Triều Khúc) hay dịch về phía Nam lại có Kẻ Mơ… Một số khu buôn bán, không phải là khu dân cư làng cổ thì được gọi chung là Kẻ chợ.

Ngày nay, cách gọi nôm này không còn tồn tại ở các nơi khác, thế nhưng ở Hà Nội người ta vẫn có thói quen gọi như vậy. Và nơi kinh thành buôn bán sầm uất này, từ lâu vẫn được gọi là vùng đất kẻ chợ, trong một số ý nghĩa cũng là vì thế.

01.tac-gia-anh.-tran-nam.jpg
Các sắc phong từ thời Lê, Nguyễn (Khải Định)

Kẻ Noi trước thuộc tổng Cổ Nhuế, phủ Hoài Đức, thời Pháp thuộc. Sau này Kẻ Noi được gọi với cái tên là Cổ Nhuế. Đến năm 1942, Cổ Nhuế gồm 3 xã ( đơn vị hành chính thời nhà Nguyễn) là Trù Đống (Chùa Đống), Hoàng (Cổ Nhuế Hoàng), Viên (Cổ Nhuế Viên). Đến năm 1961 tới nay, nói chung Cổ Nhuế chỉ còn là làng Cổ Nhuế Trù và Cổ Nhuế Đống, gồm 4 thôn. Thế nhưng, vật đổi, sao dời, trải qua bao biến động thăng trầm cùng long dân, vận nước thì cái tên cổ Kẻ Noi của Cổ Nhuế vẫn được gọi song song, như một chứng tích đỏ của lịch sử hàng ngàn năm về vùng đất này.

Cổ Nhuế Trù và Cổ Nhuế Đống xưa cũng như bao làng quê khác của Việt Nam, là làng nông nghiệp, có truyền thống thâm canh lúa và nổi tiếng với việc làm hoa màu giỏi. Người dân Cổ Nhuế chăm chỉ và lanh lợi, hoạt bát, chịu khó xoay sở, học hỏi nên có đời sống sung túc có tiếng. Tuy nhiên, không được ưu đãi nhiều về đất đai, vị trí địa lý tự nhiên ( là vùng sình lầy cũ, lại sát song lớn) nên việc vỡ đê liên miên khiến cho hoạt động canh tác của làng không được thuận lợi, sản xuất nông nghiệp sút kém dần.

02.tac-gia-anh-tran-nam.jpg
Những tấm bia đá cổ ghi lại những sự kiện, những dấu ấn lịch sử ở làng Cổ Nhuế hiện vẫn được dân làng gìn giữ, bảo tồn

Để khắc phục, dân làng tìm học nghề may để sinh sống ban đầu chỉ là vài nhà, sau là cả làng. Tay nghề thợ may của Cổ Nhuế có tiếng là giỏi giang, kỹ thuật tốt, có bí quyết làm nghề riêng nên làm được rất nhiều sản phẩm khó. Thợ may của làng dạy bảo nhau và vào nội thành may thuê cho các nhà thầu và may quần áo cho binh lính. Một số chủ hiệu may ở phố cổ đã phải lấy tên của những thợ may nổi tiếng ở Cổ Nhuế mà thu hút khách. Nghề may, cũng theo sự phát triển của làng, vẫn còn gìn giữ được đến ngày nay và Cổ Nhuế cũng là một trong số ít những làng nghề bảo tồn, gìn giữ, duy trì được sự thịnh vượng của nghề truyền thống suốt từ ngày đầu khởi sự cho tới tận nay, cũng đã ngót trăm năm.

Phố Hàng Bồ, nổi danh với lĩnh vực cung cấp hàng phụ kiện thậm chí đã vào tận làng để… mở hiệu, phục vụ cho các hộ sản xuất tại làng. Hay như chợ Đồng Xuân danh tiếng cũng là nơi phân phối chính cho các hộ sản xuất bán buôn quần áo trong làng. Giữa ánh sáng lấp lánh của thế kỷ 21 và giữa thế giới hiện đại, vô vàn điều phong phú, hấp dẫn, dân làng Cổ Nhuế vẫn luôn yêu, tự hào về lịch sử làng, về lịch sử nghề truyền thống như thế. Chúng là những dấu tích cổ không thể phai mờ giữa bộn bề, chộn rộn của Hà Nội - trung tâm kinh tế - chính trị của đất nước.

03.anh.tran-nam.jpg
Như một minh chứng cho sự nỗ lực gìn giữ nếp cổ, truyền thống của người dân Kẻ Noi xưa, bên những nếp nhà cao tầng hiện đại là bóng dáng cổ kính của Ngôi Đình Hoàng, Chùa Sùng Quang, Miếu thờ Công chúa Túc Trinh...

Nét cổ lấp lánh giữa phố phường hiện đại

Tuy dấu xưa có đôi chỗ dần mai một thế nhưng hiện nay làng vẫn giữ được Lễ hội làng truyền thống cũng ngót ngàn năm tuổi với nhiều nghi thức đậm dấu xưa. Lễ hội đình Hoàng của cổ Nhuế vốn được bắt đầu từ khoảng năm Mậu Thìn (năm 1028, tức năm thứ 19 triều Vua Lý Thái Tổ), vào ngày 10.2 hàng năm, cũng là dịp Hội làng Kẻ Noi được đổi tên thành làng Cổ Nhuế và xin được tôn Hoàng tử hiệu Đông Chinh Vương làm Thành hoàng để thờ phụng, cũng được xem là một trong những lễ hội lâu đời nhất trên đất Hà thành.

Vào ngày lễ hội, dân làng rước kiệu Thánh, rước giá văn, rước Phật đình, rước phướn… Trong tiếng trống, tiếng chiêng dồn dập đoàn rước là đội múa sư tử, múa bồng đi đầu nhảy múa. Trên kiệu có cỗ ngai chạm khắc vàng son lộng lẫy tượng trưng cho hình ảnh thánh hoàng cùng mâm lễ vật và đèn nến hương hoa ngũ quả…

Tâm điểm của lễ hội là rước kiệu Thánh vân du. Hành trình của đám rước đi từ đầu làng đến cuối làng, bắt đầu tại đình Hoàng tới chùa Trung Hưng, qua chùa Sùng Quang, qua đền Bà Chúa, chùa Anh Linh, đi đến đâu dâng lễ đến đấy, sau đó rước Thánh hồi cung. Trong ngày này, dân làng và khách thập phương nô nức kéo nhau theo đám rước dự hội, cầu may, cùng lễ bái, xin cho một năm sức khỏe dồi dào, công việc thuận buồm xuôi gió. Cùng với Lễ có hội như: văn nghệ quần chúng, chơi cờ tướng, chọi gà… rất nô nức, vui vầy. Ngoài hội làng, Cổ Nhuế còn duy trì được Lễ tế thành Hoàng làng vào ngày 10 tháng 10 âm lịch hàng năm hay Lễ mộc dục, Lễ cúng thực (Công chúa Túc Trinh) vào ngày 1 tháng 8 âm lịch hàng năm.

03.tac-gia-anh.tran-nam(1).jpg
Những ngôi đền cổ kính

Theo định hướng và hỗ trợ của các cấp chính quyền thì những giá trị tinh thần mang tính dân tộc đang được gìn giữ như ở đây được duy trì từ thời Lý, thời Trần đến nay quả là những món quà quý lịch sử để lại góp phần gìn giữ văn hóa Thăng Long - Hà Nội.

Ngày nay, tới làng Cổ Nhuế người ta vẫn còn thấy có khá nhiều đình, chùa, nhà thờ tập trung với các địa danh nổi tiếng như Chùa Sùng Quang ( Thôn Đống 2), Chùa Anh Linh ( Thôn Viên 10 và Chùa Trùng Hưng ( Thôn Hoàng 2). Trong đó, có hai ngôi đình ở 2 thôn Viên 2 và Hoàng 2, thờ thành hoàng làng (Hoàng Tử Đông Chinh Vương – Lý Công Lực, con trai vua Thái tổ Lý Công Uẩn). Ở làng, vẫn còn cây cầu đá bắc qua sông Đào chảy qua làng (được xây dựng từ năm 1726), giếng cổ xây bằng đá trong chùa Sùng Quang từ năm 1748 ( nay đã được quay lại để gìn giữ, bảo tồn). Miếu thờ Túc Trinh Công chúa - con gái Vua Trần Thánh Tông (xây dựng từ thời Trần) cùng các nhà thờ đạo, nhà thờ họ và hàng chục tấm bia đá cổ ghi lại những sự kiện, những dấu ấn lịch sử ở làng Cổ Nhuế xưa.

03.tac-gia-anh-tran-nam.jpg
Mỗi cái tên, mỗi công trình, mỗi vật chứng mà dân làng còn gìn giữ tới nay mang những vóc vẻ khác nhau

Trải qua hàng trăm năm tồn tại, làng Cổ Nhuế ngày nay vẫn rất đẹp, mang nhiều nét rêu phong cổ kính. Mỗi cái tên, mỗi công trình, mỗi vật chứng mà dân làng còn gìn giữ tới nay mang những vóc vẻ khác nhau, có tuổi, có thời khác nhau nhưng tất cả chúng, tựu chung đều là những “vật báu” lấp lánh trong trái tim mỗi cư dân làng Kẻ Noi xưa, Cổ Nhuế nay.

Bên sự xô bồ, sầm uất của phố hội, đô thành dân cư, những công trình kiến trúc cổ, những nếp sinh hoạt đậm chất văn hóa truyền thống dân gian không chỉ là những luyến tình sâu đậm, khó phai với con dân làng, không chỉ là sự gắn kết không thể tách rời của người dân làng mà còn là sự khơi gợi nguồn cảm hứng dồi dào của bao nhà văn hóa, nhiếp ảnh, nhà văn, khi đến đây.

Thu Nguyệt - Ảnh: Trần Nam