Tổng thống Biden mở đường cho Iran thoát trừng phạt kinh tế, gọi điện Thủ tướng Canada đầu tiên
Quốc tế - Ngày đăng : 07:50, 21/01/2021
Thư ký báo chí Nhà Trắng - Jen Psaki cho biết cuộc điện đàm điện thoại đầu tiên của Tổng thống Joe Biden với một nhà lãnh đạo nước ngoài sẽ là với Thủ tướng Canada - Justin Trudeau, diễn ra vào 22.1.
Trong cuộc họp ngắn đầu tiên, Jen Psaki cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về các vấn đề song phương cũng như quyết định của Biden về việc chính thức thu hồi giấy phép cần thiết để xây dựng đường ống dẫn dầu Keystone XL.
Trong ngày 20.1, ông Trudeau bày tỏ sự thất vọng khi Biden ký sắc lệnh hành pháp ra lệnh thu hồi giấy phép về đường ống dẫn dầu cấp cho Keystone XL.
“Dù chúng tôi hoan nghênh cam kết chống biến đổi khí hậu của Tổng thống nhưng chúng tôi thất vọng, đồng thời thừa nhận quyết định về Keystone XL của ông nhằm thực hiện lời hứa khi còn vận động tranh cử”, trích tuyên bố của Thủ tướng Canada.
Được khởi công vào năm 2008, Keystone XL là hệ thống đường ống vận chuyển dầu thô kéo dài từ các mỏ dầu ở tỉnh Alberta (Canada) đến các nhà máy lọc dầu ở nhiều tiểu bang khác nhau tại Mỹ. Dự án này từng là vấn đề gây tranh cãi trong các đời Tổng thống Mỹ cũng như vấp phải nhiều sự phản đối từ các nhà bảo vệ môi trường.
Năm 2015, ông Barack Obama từng đình chỉ giai đoạn 4 của đường ống Keystone XL kéo dài từ Alberta tới bang Nebraska (Mỹ) khi cho rằng dự án này chỉ tạo ra các lợi ích kinh tế đối với Canada và làm tăng thêm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Tuy nhiên, ông Donald Trump lại xem việc tái khởi động giai đoạn 4 của Keystone XL là một trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của mình vào năm 2016, cho phép dự án hoạt động trở lại ngay sau khi nhậm chức Tổng thống Mỹ vào năm 2017.
Trước đó, Thủ hiến tỉnh Alberta Jason Kenney cho biết quan ngại sâu sắc trước thông tin ông Biden hủy cấp phép đường ống Keystone XL. Theo ông Kenney, việc hủy cấp phép dự án Keystone XL của ông Joe Biden sẽ không chỉ giết chết việc làm “ở cả hai đầu biên giới” mà còn làm suy yếu mối quan hệ Mỹ - Canada và gây tổn hại đến tình hình an ninh quốc gia Mỹ khi khiến nước này phải phụ thuộc nhiều hơn vào việc nhập khẩu dầu từ các nước OPEC (Iran, Iraq, Kuwait, Ả Rập Xê Út và Venezuela).
Mỹ tìm cách kéo dài và củng cố các ràng buộc hạt nhân với Iran. Vấn đề này sẽ là một phần trong các cuộc tham vấn ban đầu của Tổng thống Biden với các đối tác và đồng minh nước ngoài, bà Jen Psaki cho biết.
Ông Biden đã nói rằng nếu Iran tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận năm 2015, cụ thể là hạn chế chương trình hạt nhân để đổi lấy việc được giảm bớt các lệnh trừng phạt kinh tế thì Mỹ cũng sẽ làm như vậy.
Đã thề sẽ "khôi phục linh hồn của nước Mỹ", Biden kêu gọi sự thống nhất của nước Mỹ vào thời điểm khủng hoảng trong bài phát biểu nhậm chức của mình.
Các cố vấn cho biết ông Biden sẽ không lãng phí thời gian để lật lại trang di sản Trump, ký một loạt hành pháp vào ngày đầu tiên nhậm chức về các vấn đề từ đại dịch, kinh tế đến biến đổi khí hậu.
Trong giờ đầu làm việc, ông Biden đã ký 3 lệnh đảo ngược chính sách Trump: Đeo khẩu trang bắt buộc tại các cơ quan liên bang nhằm hạn chế lây lan coronavirus; đảm bảo bình đẳng chủng tộc; Mỹ gia nhập trở lại Hiệp định chống biến đổi khí hậu Paris.
Biden cho biết đó sẽ là 3 lệnh đầu tiên trong số nhiều lệnh trong những ngày đầu tiên ông nắm quyền.
Jen Psaki cho biết đề xuất của Tổng thống Joe Biden về gói cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 ngàn tỉ USD dựa trên đánh giá về nhu cầu cụ thể.
“Gói này không được thiết kế với 1,9 ngàn tỉ USD như điểm khởi đầu. Nó được thiết kế với các thành phần cần thiết để mang lại cho mọi người sự cứu trợ mà họ cần”, bà nói với các phóng viên trong cuộc họp ngắn đầu tiên sau lễ nhậm chức của ông Biden.
Jen Psaki cho biết Biden sẽ tham gia chặt chẽ vào việc đàm phán với Quốc hội về gói cứu trợ và thừa nhận rằng phiên bản cuối cùng của bất kỳ đạo luật nào hiếm khi giống hệt như đề xuất ban đầu.