Chính quyền Biden đánh giá thấp việc Trung Quốc trừng phạt Pompeo và 27 quan chức thời Trump

Quốc tế - Ngày đăng : 10:21, 21/01/2021

Một phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Joe Biden cho biết động thái Trung Quốc trừng phạt các cựu quan chức chính quyền Donald Trump là "không hiệu quả và gây hoài nghi".

Việc áp đặt các biện pháp trừng phạt này vàon nhậm chức dường như là một nỗ lực nhằm gây chia rẽ đảng phái. Người Mỹ của cả hai đảng (Dân chủ và Cộng hòa) nên chỉ trích động thái không hiệu quả và gây hoài nghi này. Tổng thống Biden mong muốn được hợp tác với các nhà lãnh đạo cả hai đảng để định vị Mỹ cạnh tranh với Trung Quốc”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Biden - Emily Horne tuyên bố với Reuters.

Vào khoảng thời gian ông Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ trưa 20.1 (giờ Mỹ), Trung Quốc đã công bố các biện pháp trừng phạt Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Mike Pompeo và 27 quan chức hàng đầu khác dưới thời Donald Trump.

chinh-quyen-trump-xem-nhe-viec-trung-quoc-trung-phat-pompeo.jpg
Chính quyền Biden gọi việc Trung Quốc trừng phạt Pompeo và 27 quan chức thời Trump là "không hiệu quả và gây hoài nghi"

Động thái này là dấu hiệu cho thấy sự tức giận của Trung Quốc, đặc biệt là trước cáo buộc mà Pompeo đưa ra vào ngày cuối cùng của ông tại nhiệm rằng Trung Quốc đã thực hiện hành vi diệt chủng với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Ngoại trưởng Mỹ tương lai dưới thời Biden, Antony Blinken cũng đồng tình với kết luận này.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố các biện pháp trừng phạt 28 quan chức thời Trump qua tuyên bố trên trang web của họ vào khoảng thời gian ông Biden tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ.

Pompeo và những người khác đã lên kế hoạch, xúc tiến và thực hiện một loạt các động thái điên rồ, can thiệp nghiêm trọng vào công việc nội bộ của Trung Quốc, làm suy yếu lợi ích của Trung Quốc, xúc phạm người dân Trung Quốc và làm gián đoạn nghiêm trọng các mối quan hệ Trung Quốc Mỹ”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc thông báo.

Các quan chức cũ và sắp mãn nhiệm khác bị trừng phạt có Giám đốc thương mại Peter Navarro, Cố vấn An ninh Quốc gia Robert O’Brien và John Bolton, Bộ trưởng Y tế Alex Azar, Đại sứ Mỹ ở Liên Hợp Quốc Kelly Craft, cựu trợ lý hàng đầu của Trump - Steve Bannon.

4 ông Pompeo, Navarro, O’Brien và Bolton đều thuộc phe chủ trương cứng rắn với Trung Quốc. Bộ trưởng Alex Azar từng đến thăm Đài Loan. Bà Kelly Craft vốn dĩ có kế hoạch thăm hòn đảo tự trị vào tháng 1 nhưng bị hủy vào phút chót.

28 cựu quan chức và các thành viên gia đình này sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc đại lục, Hồng Kông hoặc Macao, đồng thời các công ty và tổ chức liên kết với họ bị hạn chế kinh doanh với Trung Quốc.

Pompeo và những người bị trừng phạt chưa bình luận về chuyện trên. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng không trả lời.

Brian O’Toole, chuyên gia về các biện pháp trừng phạt tại Viện nghiên cứu của Hội đồng Đại Tây Dương, coi động thái của Trung Quốc là hành động trả đũa và là “tuyên bố chính trị hơn bất kỳ điều gì khác”.

Tôi nghi ngờ rằng họ sẽ mặc định áp dụng theo từng trường hợp hơn là hạn chế được xác định rõ”, ông Brian O’Toole nói.

Trung Quốc đã áp đặt các biện pháp trừng phạt với các nhà lập pháp Mỹ trong năm qua, nhưng việc nhắm vào các quan chức Mỹ trước đây và sắp mãn nhiệm là biểu hiện bất thường.

Tung ra một loạt các biện pháp chống lại Trung Quốc trong những tuần cuối cùng tại vị, ông Pompeo hôm 19.1 đã tuyên bố rằng Trung Quốc đã thực hiện "tội ác diệt chủng và chống lại loài người" với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ.

"Tôi tin rằng cuộc diệt chủng này đang diễn ra và chúng ta đang chứng kiến ​​nỗ lực tiêu diệt người Duy Ngô Nhĩ một cách có hệ thống của Trung Quốc", ông Pompeo nói.

Đồng tình với ông Pompeo, Antony Blinken nhận xét: “Việc cưỡng bức đàn ông, phụ nữ và trẻ em vào các trại tập trung; trên thực tế, cố gắng giáo dục họ trở thành những người tuân theo hệ tư tưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tất cả những điều đó nói lên nỗ lực thực hiện tội ác diệt chủng”.

Trung Quốc đã nhiều lần bác bỏ các cáo buộc lạm dụng ở khu vực Tân Cương, nơi một hội đồng của Liên Hợp Quốc cho biết ít nhất 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ và những người Hồi giáo khác đã bị giam giữ trong các trại.

Phản ứng trước các cáo buộc ở Tân Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh nói: “Pompeo đã nói dối rất nhiều trong những năm gần đây và đây chỉ là một lời nói dối táo tợn khác. Chính trị gia Mỹ này nói dối và gian lận khét tiếng, đang tự biến mình thành trò cười và một tên hề”.

Bà Hoa Xuân Oánh cho biết Trung Quốc hy vọng "chính quyền mới sẽ làm việc cùng với Trung Quốc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, xử lý đúng đắn các khác biệt và tiến hành hợp tác cùng có lợi hơn trong nhiều lĩnh vực hơn".

Chúng tôi hy vọng chính quyền mới của Mỹ có thể đưa ra phán quyết hợp lý và công tâm về các vấn đề Tân Cương, trong số các vấn đề khác”, Hoa Xuân Oánh nói thêm.

Hôm 20.1, Thư ký Báo chí Nhà Trắng - Jen Psaki cho biết rằng Tổng thống Joe Biden sẽ để lại cơ chế tiến hành phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump trước Thượng viện.

"Chúng tôi tin tưởng rằng Thượng viện có thể làm nhiệm vụ hiến pháp của họ. Ông ấy sẽ để lại cơ chế, thời gian và chi tiết cụ thể về cách Quốc hội tiến hành luận tội", bà Psaki nói với các phóng viên tại một cuộc họp ngắn của Nhà Trắng.

Nhân Hoàng - Cẩm Bình