Nọc độc của sâu bướm sát thủ đáng sợ nhưng đáng nghiên cứu
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 07:00, 21/04/2017
Lonomia là một chi bướm trong họ Ngài hoàng đế (Saturniidae), chúng được biết đến nhiều với tên gọi sâu róm Lonomia, được cho là các loài sâu róm độc nhất thế giới. Hầu hết chúng sống trong các khu rừng nhiệt đới Nam Mỹ.
Thân của chúng có lông nhọn, khi ta chạm vào thì chất độc xâm nhập vào cơ thể. Nguy hiểm nhất là loại L. obliqua và L. achelous có nọc độc gây ra một hội chứng xuất huyết và vì chảy máu nội bộ nhiều và suy thận cấp tính, nạn nhân có thể chết.
Theo thống kê đã có hơn 500 trường hợp tử vong do chạm vào sâu bướm L. obliqua. Viện Butantan Brazil tại Sao Paulo đã phát triển được loại huyết thanh chống nọc độc của những con sâu bướm.
Bart Coppens đã thống kế được 32 loài sâu Lonomia chưa được nghiên cứu kỹ. Ông đã chọn loài Lonomia electra, mà ông thu thập được ở Costa Rica và đưa đến phòng thí nghiệm. Ở đó, ông đã có thể nuôi chúng bằng lá cây bụi Ligustrum ovalifolium.
Ông đã nuôi 3 thế hệ sâu bướm, nghiên cứu chi tiết cấu trúc của chúng ở tất cả các giai đoạn phát triển. Ông thấy rằng chu kỳ phát triển của loài này từ trứng đến nhộng mất khoảng 130 ngày. Loài sâu bướm này tuân thủ hành vi xã hội đặc trưng: chúng tụ tập thành đàn để cùng nhau đi tìm thức ăn.
Bart Coppens đã nghiên cứu tác động của nọc độc sâu bướm trong từng giai đoạn phát triển của sâu bướm trên chính cơ thể của mình. Ông làm việc một cách cẩn thận, đầu tiên chỉ chạm nhẹ vào một vài sợi lông độc và sau đó tăng dần diện tích tiếp xúc.
Nhà côn trùng học nhận thấy rằng sâu bướm gây ngứa kéo dài vài phút, có thể so sánh với cảm giác gây ngứa của cây tầm ma và gây đỏ da. Nhưng loài sâu bướm này không gây hiệu ứng xuất huyết.
Theo nhà côn trùng học, nọc độc của loài sâu này có thể được sử dụng trong y học và cần tiếp tục nghiên cứu thêm để ứng dụng.
Vũ Trung Hương