Đồng minh của Mỹ ở châu Á chúc mừng nồng nhiệt ông Biden, Triều Tiên im tiếng, Trung Quốc và Pakistan dè dặt
Quốc tế - Ngày đăng : 18:00, 21/01/2021
Hôm 21.1, các nhà lãnh đạo trên khắp châu Á đã đưa ra tuyên bố liên quan đến việc ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 46 trưa 20.1.
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga nói với các phóng viên ở Tokyo rằng ông sẽ hợp tác chặt chẽ với Tổng thống Biden để củng cố liên minh Nhật Bản – Mỹ và một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, cởi mở, cũng như giải quyết các vấn đề toàn cầu như COVID-19 và biến đổi khí hậu. Thủ tướng Yoshihide Suga nói thêm rằng ông đang sắp xếp cho một cuộc gọi với Tổng thống Biden "vào một thời điểm thích hợp".
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tweet: "@JoeBiden, chúc mừng lễ nhậm chức của ông. Nước Mỹ đã trở lại. Sự khởi đầu mới của nước Mỹ sẽ khiến nền dân chủ vĩ đại hơn nữa. Cùng với người dân Hàn Quốc, tôi luôn đồng hành cùng hành trình của ông hướng tới Nước Mỹ thống nhất”.
Trong khi Triều Tiên không bình luận gì kể từ khi ông Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ.
Hôm 9.1, tại đại hội đảng hiếm hoi ở Bình Nhưỡng, ông Kim Jong-un gọi Mỹ là "kẻ thù lớn nhất" và cho biết chính sách thù địch của Washington với Triều Tiên sẽ không thay đổi bất kể ai làm chủ Nhà Trắng. Ông Kim Jong-un nói rằng việc từ bỏ những chính sách thù địch đó sẽ là chìa khóa cho Triều Tiên – Mỹ, hãng thông tấn nhà nước KCNA cho biết.
"Các hoạt động chính trị đối ngoại của chúng ta nên được tập trung và chuyển hướng vào việc khuất phục Mỹ, kẻ thù lớn nhất và là trở ngại chính cho sự phát triển, đổi mới của chúng ta", nhà lãnh đạo Triều Tiên cho biết hôm 8.1.
“Bất kể ai đang nắm quyền ở Mỹ, bản chất thực sự của Mỹ và các chính sách cơ bản của nước này với Triều Tiên không bao giờ thay đổi”, ông Kim nói, đồng thời cam kết mở rộng quan hệ với “các lực lượng chống đế quốc, độc lập” và kêu gọi mở rộng năng lực hạt nhân.
Bất chấp mối quan hệ thân thiết với ông Trump, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi không đưa ra dấu hiệu nào cho thấy mối quan hệ giữa hai nền dân chủ lớn sẽ suy yếu.
"Quan hệ đối tác giữa Ấn Độ và Mỹ dựa trên các giá trị được chia sẻ. Chúng tôi có một chương trình nghị sự song phương nhiều mặt và thực chất, tăng cường sự tham gia kinh tế và mối liên kết giữa con người với con người", ông Narendra Modi đã tweet.
Imran Khan, Thủ tướng Pakistan, láng giềng và là kẻ thù không đội trời chung với Ấn Độ, tỏ ra thận trọng hơn một chút, ngay cả khi mối quan hệ giữa nước ông với Trung Quốc có chiều hướng xấu đi do Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh.
"Rất mong được hợp tác với @POTUS (Tổng thống Mỹ) trong việc xây dựng quan hệ đối tác Pakistan – Mỹ mạnh mẽ hơn thông qua cam kết thương mại và kinh tế, chống lại biến đổi khí hậu, cải thiện sức khỏe cộng đồng, chống tham nhũng và thúc đẩy hòa bình trong khu vực và hơn thế nữa", Imran Khan tweet.
Có lẽ sự chào mừng nồng nhiệt nhất đến từ Đài Loan, nơi có mối quan hệ gần gũi hơn với Mỹ trong suốt 4 năm ông Trump ở Nhà Trắng.
"Tôi xin chúc mừng Joe Biden và Kamala Harris trong lần nhậm chức tổng thống và phó tổng thống. Chúng tôi chúc ông bà và chính quyền của ông bà luôn thành công. Đài Loan sẵn sàng hợp tác với ông bà như một lực lượng toàn cầu vì điều tốt đẹp", nhà lãnh đại Đài Loan – Thái Anh Văn viết trên Twitter.
Đại diện ngoại giao Đài Loan tại Mỹ - Tiêu Mỹ Cầm đã tham dự lễ nhập chức của ông Biden trên Đồi Capitol. Đây là lần đầu tiên một phái viên Đài Loan được mời dự lễ nhậm chức Tổng thống Mỹ kể từ khi quan hệ bị cắt đứt vào năm 1979.
Ở phía bên kia eo biển Đài Loan, giọng điệu phía Trung Quốc tỉnh táo và thận trọng hơn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc - Hoa Xuân Oánh cho biết: “Chúng tôi hy vọng chính quyền mới của Mỹ sẽ làm việc cùng với Trung Quốc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, xử lý đúng đắn các khác biệt và tiến hành hợp tác cùng có lợi hơn trong nhiều lĩnh vực hơn.
Chúng tôi hy vọng rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ làm việc với Trung Quốc trong việc tăng cường đối thoại, quản lý những khác biệt và mở rộng hợp tác để sớm đưa quan hệ song phương trở lại đúng hướng phát triển, phục vụ tốt hơn cho người dân hai nước và toàn thể thế giới.
Chúng tôi hy vọng chính quyền mới của Mỹ có thể đưa ra phán quyết hợp lý và công tâm về các vấn đề Tân Cương, trong số các vấn đề khác”.
Phát biểu của bà Hoa Xuân Oánh được đưa ra sau khi Bắc Kinh áp đặt các lệnh trừng phạt với 28 quan chức chính quyền Trump, bao gồm cả cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo, với cáo buộc họ can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc.
Trong một dấu hiệu cho thấy những căng thẳng có thể xảy ra trong tương lai, Emily Horne, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Biden, cho biết các hình phạt của Trung Quốc là "không hiệu quả và gây hoài nghi".
Trong một “phát súng” chia tay ông Trump, một bài bình luận do Tân Hoa xã đăng vào ngày 16.1 kết thúc với dòng: "Một số chính trị gia Mỹ đã để lại danh tiếng là kẻ hủy diệt trật tự quốc tế, hòa bình và ổn định thế giới và nhân quyền trên thế giới. Thời gian không còn nhiều để họ thức tỉnh thực tế này và chữa khỏi chứng điên của mình, vốn là một vết nhơ trong lịch sử thế giới của sự phát triển”.
Ye Yu, học giả tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói với trang Nikkei: "Suy nghĩ mấu chốt của Trung Quốc là chúng tôi chuẩn bị cho viễn cảnh xấu nhất, nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng làm việc với Mỹ".
Phản ứng với Tổng thống Biden là trái chiều trên khắp Đông Nam Á.
"Chúng ta có thể mong đợi rằng đây sẽ là một mối quan hệ bình thường theo nghĩa là không có bất ngờ nào, chẳng hạn như Biển Đông. Sự thay đổi trong chính sách của Mỹ, được thông báo bởi cựu Bộ trưởng Ngoại giao Pompeo, sẽ vẫn ở nguyên vị trí", Đại sứ Philippines tại Mỹ - Jose Manuel Romualdez nói trong cuộc phỏng vấn với kênh tin tức ABS-CBN hôm 21.1.
Malaysia và Singapore chúc mừng ông Biden nồng nhiệt. Trong thông điệp của mình, Thủ tướng Singapore - Lý Hiển Long nói: "Có một nguồn thiện chí sâu sắc với Mỹ trong lãnh thổ của chúng tôi vì vai trò quan trọng của Mỹ”.
Tổng thống Indonesia - Joko Widodo tweet: "Xin chúc mừng @JoeBiden và @KamalaHarris về lễ nhậm chức Tổng thống thứ 46 và Phó Tổng thống thứ 49 của Mỹ. Hãy để chúng tôi tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược, không chỉ vì lợi ích của hai quốc gia, mà còn một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người".
Lynn Sasinpong, nhà bình luận tại trang Thai Enquirer (Thái Lan), viết hôm 20.1: “Nếu chính sách đối ngoại của Biden lặp lại chính sách xoay trục của chính quyền Obama sang châu Á, Thái Lan sẽ vẫn bị kẹt ở giữa hai siêu cường này. Một mặt, chúng tôi là đồng minh lâu đời nhất của Mỹ trong khu vực. Mặt khác, chúng tôi cũng là bạn thân của Trung Quốc. Tuy nhiên, cách tiếp cận linh hoạt này sẽ ngày càng khó duy trì, thậm chí còn khó hơn nữa do sự phụ thuộc của Thái Lan vào Trung Quốc, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch trước khi COVID-19 bùng phát".