Xuất khẩu từ Tân Cương sang Mỹ tăng bất chấp trừng phạt
Chuyển động - Ngày đăng : 10:08, 22/01/2021
Số liệu của hải quan Trung Quốc cho thấy số hàng xuất sang Mỹ từ Tân Cương năm 2020 tăng đến 116% so với năm 2019 – dẫn đầu là mặt hàng tua bin điện gió với mức tăng 3.265% (chiếm gần 1/4 tổng lượng xuất khẩu). Xuất khẩu đồ trang trí Giáng sinh cũng tăng 132% lên hơn 25 triệu USD, xuất khẩu hoa giả tăng 81,4%. Các công ty Mỹ năm ngoái mua đến 27 triệu USD acyclic polycarboxylic – hóa chất dùng xử lý bông nằm trong tầm ngắm trừng phạt của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Chiều ngược lại, xuất khẩu từ Mỹ sang Tân Cương năm 2020 chỉ giảm hơn 1% – chủ yếu do xuất khẩu máy thu hoạch bông vẫn tăng. Lượng lớn máy được xuất khẩu vào tháng 5 liên quan đến công ty John Deere.
Trong 6 tháng cuối năm 2020, cả giới lập pháp lẫn chính quyền Tổng thống Donald Trump ban hành hàng loạt trừng phạt và hạn chế nhắm vào hàng hóa xuất xứ Tân Cương với cáo buộc Trung Quốc ngược đãi người dân tộc thiểu số sống tại đây (lập nhiều trại tập trung; hạn chế quyền tự do đi lại, di cư, đi học; ép buộc lao động).
Trọng tâm của trừng phạt và hạn chế là bông cùng mặt hàng làm từ bông. Nhưng xuất khẩu trực tiếp bông từ Tân Cương sang Mỹ lại rất ít, thay vào đó mặt hàng này thường đi vào chuỗi cung ứng sản phẩm may mặc ở nơi khác nên rất khó xác định xuất xứ.
Theo cựu nhân viên ngoại giao Trung Quốc Hàn Liên Triều: “Dù sản phẩm liên quan bông là mặt hàng số 1 của Tân Cương, xuất khẩu máy móc, đồ điện tử, hóa chất lại đang tăng nhanh và bắt kịp”.
Ngày 19.1, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo xác định Trung Quốc phạm tội “diệt chủng và tội ác chống lại loài người” ở Tân Cương. Người được Tổng thống Biden đề cử vào chức Ngoại trưởng Antony Blinken đồng ý với tuyên bố này.
Blinken nói rằng một trong những điều ông sẽ làm trong 30 ngày đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng Mỹ là “xem xét để đảm bảo không nhập khẩu sản phẩm do lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương làm ra”.
Ở phía giới lập pháp Mỹ, các nghị sĩ dự định trình Dự luật Ngăn chặn ép buộc lao động người Duy Ngô Nhĩ (từng vượt qua cuộc bỏ phiếu ở Hạ viện nhưng không được đưa lên Thượng viện) một lần nữa.