Tố Mỹ can thiệp vụ biểu tình ủng hộ thủ lĩnh phe đối lập, Nga nói ông Putin sẵn sàng đối thoại với Biden
Quốc tế - Ngày đăng : 06:20, 25/01/2021
Điện Kremlin cũng hạ thấp quy mô của các cuộc biểu tình hôm 24.1. Cảnh sát bắt giữ hơn 3.000 người và sử dụng vũ lực để phá vỡ các cuộc biểu tình trên khắp nước Nga.
Trước khi diễn ra các cuộc biểu tình, Đại sứ quán Mỹ tại Moscow đưa ra “cảnh báo biểu tình” để công dân Mỹ tránh các cuộc biểu tình và nêu tên địa điểm ở các thành phố Nga mà những người biểu tình dự định tụ tập.
“Tất nhiên, những ấn phẩm đó là không phù hợp. Tất nhiên, gián tiếp, họ can thiệp vào công việc nội bộ. Vì vậy, đây là sự hỗ trợ trực tiếp cho việc vi phạm pháp luật của Liên bang Nga", phát ngôn viên Điện Kremlin - Dmitry Peskov cho hay.
Trong các bình luận được gửi qua email, Đại sứ quán Mỹ ở Moscow cho biết những cảnh báo như vậy là "thông lệ phổ biến và thường lệ" của các cơ quan ngoại giao nhiều nước: "Các đại sứ quán Mỹ và lãnh sự quán trên khắp thế giới thường xuyên đưa ra thông điệp về an toàn và an ninh cho công dân của chúng tôi”.
Hôm 23.1, Mỹ đã kêu gọi chính quyền Nga thả những người biểu tình và nhà báo bị giam giữ tại các cuộc biểu tình, đồng thời lên án cái gọi là "chiến thuật khắc nghiệt" mà cảnh sát sử dụng để chống lại họ.
Ở trung tâm Moscow, nơi các phóng viên Reuters ước tính có tới 40.000 người tụ tập tại một trong những cuộc biểu tình trái phép lớn nhất trong nhiều năm, cảnh sát bắt giữ nhiều người và đưa họ vào xe tải gần đó.
Trong khi các nhà chức trách cho biết chỉ có khoảng 4.000 người đã xuất hiện và Bộ Ngoại giao Nga đặt câu hỏi về ước tính đám đông của Reuters.
“Không, chỉ có một số người đi ra ngoài, nhiều người đã bỏ phiếu cho ông Putin”, Dmitry Peskov cho biết và nói thêm rằng người Nga ủng hộ các cải cách hiến pháp do tổng thống đề xuất. Những thay đổi trong hiến pháp sẽ cho phép ông Putin nắm quyền đến năm 2036.
Nhà lãnh đạo đối lập Nga - Alexei Navalny kêu gọi những người ủng hộ ông phản đối sau khi bị bắt vào cuối tuần trước lúc trở về Nga từ Đức lần đầu tiên kể từ khi bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok trên chuyến bay ở Siberia (Nga). Alexei Navalny nói Tổng thống Putin đứng sau vụ việc này.
Ngay cả trước khi xảy ra xích mích về Alexei Navalny, quan hệ giữa Moscow và Washington đã ở mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, với việc hai bên cũng mâu thuẫn về vai trò của Nga ở Ukraine và những cáo buộc về việc nước này can thiệp vào các cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 trong số các vấn đề khác.
Dù sao Dmitry Peskov đã đưa ra một giọng điệu mang tính hòa giải hơn trước đó khi nói rằng Nga sẵn sàng thiết lập cuộc đối thoại với chính quyền mới của Tổng thống Joe Biden.
“Tất nhiên, chúng tôi tin tưởng vào sự thành công trong việc thiết lập một cuộc đối thoại. Đây sẽ là cuộc đối thoại mà tất nhiên, những điểm khác biệt sẽ phải được trình bày ở mức độ lớn hơn. Nhưng đồng thời, đối thoại là một khả năng để tìm ra một số nhân tố tích cực, những phần nhỏ có thể giúp quan hệ của chúng tôi ngày càng gần gũi hơn. Nếu chính quyền hiện tại của Mỹ đã sẵn sàng cho một cách tiếp cận như vậy, tôi không nghi ngờ gì rằng tổng thống của chúng tôi sẽ đáp lại một cách tử tế", Dmitry Peskov nói.
Tổng thống Putin là một trong những nhà lãnh đạo toàn cầu cuối cùng chúc mừng chiến thắng của ông Biden ở bầu cử Tổng thống Mỹ sau cuộc bỏ phiếu ngày 3.11.2020.
Một trong những vấn đề nhức nhối cần được giải quyết bởi hai cường quốc hạt nhân là hiệp ước kiểm soát vũ khí, được gọi là New START, sẽ hết hạn vào ngày 5.2.
Nhà Trắng tuần trước cho biết Biden sẽ tìm cách gia hạn 5 năm cho thỏa thuận, trong khi Điện Kremlin yêu cầu các đề xuất cụ thể từ Washington.
Mỹ cùng Liên minh châu Âu và Anh lên án việc lực lượng an ninh xử lý các cuộc biểu tình hôm 23.1, trong khi Bộ trưởng ngoại giao Ý và Pháp ngày 24.1 đều bày tỏ sự ủng hộ với các lệnh trừng phạt chống lại Nga.