Sạt lở ở miền Tây khi xáng cạp thi nhau 'nạo' những dòng sông
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 10:31, 02/05/2017
“Hiện nay các tỉnh cấp phép khai thác cát nhiều và mạnh ai nấy cấp là nguyên nhân gia tăng sạt lở bờ sông”, tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (trường Đại học Cần Thơ) cảnh báo.
Ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở
Ngày 28.4, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đất bờ sông Tiền, đoạn qua khu vực ấp Bình Hòa (xã Bình Thành, H.Thanh Bình). Sạt lở tại khu vực xã Bình Thành diễn biến phức tạp từ đầu tháng 4.2017 đến nay và ngày càng phức tạp, với chiều dài khoảng 210m, từ mương Cả Lách về phía chợ Bình Thành 150m và từ mương Cả Lách về cầu Phong Mỹ (H.Cao Lãnh) 60m.
Nhiều đoạn sạt lở chỉ còn cách quốc lộ 30, chỉ từ 15 - 25m. Ông Nguyễn Văn Khảm (ngụ ấp Bình Hòa) cho biết, sạt lở đã làm gia đình ông mất căn nhà. Trước kia, gia đình ông có hơn 600m2 đất, cách bờ sông Tiền hơn 40m, sau vụ sạt lở nhà ông gần như mất hoàn toàn...
Mấy ngày trước đó, 22.4, UBND tỉnh An Giang đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại bờ sông Vàm Nao, qua ấp Mỹ Hội (xã Mỹ Hội Đông, H.Chợ Mới). Như báo chí đã thông tin, vụ sạt lở sáng 22.4 đã làm 16 căn nhà (trong đó có 2 nền nhà) của người dân sụp xuống sông Vàm Nao.
Sạt lở làm sụp 16 căn nhà ở bờ sông Vàm Nao
Vị trí sạt lở tiếp tục lấn sâu vào đất liền, làm sạt lở mất tuyến đường liên xã, 90 căn nhà còn lại trong khu vực có nguy cơ bị nhấn chìm. Cảnh báo sạt lở với chiều dài 260m đang trong quá trình sạt lở ở mức đặc biệt nguy hiểm.
Theo ông Lâm Quang Thi, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cách bờ 180m xuất hiện hố sâu dài 380m, rộng 120m, độ sâu ghi nhận được -40m đến -42m. Đây là đoạn bờ sông có trường tiểu học, khu hành chính xã, khu dân cư sinh sống tập trung với nhiều nhà dân và các cơ sở sản xuất.
Còn ông Nguyễn Hữu Hạnh, Chủ tịch UBND xã Long Thuận (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cho hay, từ năm 2011 đến đầu 2017, Long Thuận xảy ra hơn 50 vụ sạt lở, kéo dài từ đầu cồn xã Long Thuận đến cuối xã, ăn sâu vào đất liền mỗi năm khoảng 10m, mất hàng chục ngàn m2 đất.
Nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, chính quyền nhiều lần nắn đường nhưng sạt lở vẫn đuổi “đến chân”. Theo ông Hạnh, ngay cả trụ sở uỷ ban cũng bị sạt lở, ăn sâu vào đất liền khoảng 60 m buộc phải di dời đến nơi khác.
Hiện nay, ĐBSCL có 265 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài hơn 450km. Mỗi năm sạt lở đã lấy đi gần 500ha đất trong vùng, gần bằng diện tích xã Vĩnh Kim (H.Châu Thành, tỉnh Tiền Giang).
Do khai thác cát quá mức
Nhiều hộ dân có nhà bị ảnh hưởng do sạt lở sông Vam Nao đều rất bức xúc, cho rằng nguyên nhân sạt lở do hoạt động khai thác cát trên sông. Ông Trần Văn Bi, người có 2 căn nhà bị nhấn chìm xuống sông phản ánh: “Sạt lở ở khu vực này là do mấy xáng cạp ngày đêm múc cát không ngừng”.
Hoạt động khai thác cát trên sông Tiền, qua thuỷ phận Đồng Tháp
Từ năm 2011 đến nay, sạt lở đất bờ sông Tiền, qua cùng lao Long Phú Thuận (H.Hồng Ngự, Đồng Tháp) giáp với tỉnh An Giang, diễn ra phức tạp, ảnh hưởng đến hàng ngàn hộ dân. Một phần nguyên nhân do hoạt động khai thác cát trái phép.
“Ban ngày, các xáng cạp khai thác ở giữa sông, nhưng đến ban đêm thì họ lại khai thát vào sát bờ, gây ra sạt lở”, 1 hộ dân tại xã Long Thuận phản ánh. Ngoài hoạt động khai thác cát trên tuyến sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên... tình trạng khai thác cát lậu đang là vấn nạn tại ĐBSCL. Hoạt động khai thác cát, gây bào mòn lòng sông và là hiểm hoạ khôn lường cho ĐBSCL.
Đầu năm 2017 đến nay, công an các tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Trà Vinh đã bắt giữ hàng loạt phương tiện khai thác cát trái phép trên sông Tiền, sông Hậu, sông Cổ Chiên, sông Hàm Luông... Chiều 12.4, phòng Cảnh sát đường thủy Công an TP.Cần Thơ đã bắt quả tang xáng cạp biển số: ĐN-0176 và ghe gỗ không biển số đang thác cát trái phép trên sông Hậu, phía bờ Cần Thơ. Chủ phương tiện xáng cạp là Trần Ngọc Thắng (ngụ tỉnh Đồng Nai) xuất trình giấy phép khai thác cát do Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long ký, khai thác cát tại mỏ Tân Bình 2 (huyện Bình Tân). Tuy nhiên, phương tiện xáng cạp này đã khai thác sai vị trí lấn sang thủy phận phường Trà Nóc (Q.Bình Thủy, TP.Cần Thơ) 18m.
Tương tự, đầu tháng 4.2017 vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã ký quyết định xử phạt Công ty TNHH Thiện Phúc 140 triệu đồng và tịch thu 2 sà lan đặt cần mang biển số: LA.07027 và LA.07038. Doanh nghiệp này được cấp phép nhưng đã lợi dụng đêm khuya khai thác cát ra ngoài vị trí cấp phép về phía bờ sông thuộc xã Bình Phước Xuân (H.Chợ Mới) khoảng 120m…
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái ĐBSCL nhận định, thiếu phù sa, mất cát do bị các đập thủy điện ở đầu nguồn chặn lại sẽ dẫn đến thực trạng sạt lở bờ biển, đê biển ngày càng dữ dội hơn.
“Tình trạng khai thác cát tràn lan ở ĐBSCL đã làm mất đi khoảng 200 triệu tấn cát ở sông Tiền, sông Hậu. Đồng thời hạ thấp 2 lòng sông này xuống khoảng 1,3m. Chính những điều này là nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở hiện nay”, thạc sĩ Thiện nói.
Tính đến tháng 3.2017, tổng các phương tiện đang khai thác và thi công nạo vét trên sông Tiền, sông Hậu qua địa phận tỉnh Đồng Tháp là 85 phương tiện. Trên sông Tiền là 77 phương tiện trải dài khoảng 120km (từ biên giới Campuchia đến xã An Nhơn (huyện Châu Thành) - chưa tính các nhánh cù lao sông Tiền). Trên sông Hậu có 8 phương tiện, trải dài khoảng 30km, huyện Lấp Vò đến huyện Lai Vung…
Cát thô đã không còn về ĐBSCL
Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (trường Đại học Cần Thơ) phân tích: “Lớp cát dưới đáy sông như phần xương sống của cơ thể, nếu không có lớp cát thì 2 bên bờ sông sẽ lở khủng khiếp”.
Tiến sĩ Dương Văn Ni, Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên
Cát ở ĐBSCL được lắng đọng lâu dài, từ vài chục năm đến cả trăm năm trước, mới tạo ra nền của đáy sông, cù lao và các tầng lưu trữ nước ngọt trong đất. Cát là yếu tố quan trọng thiết kế địa hình đáy sông, điều tiết dòng chảy, vận tốc dòng chảy và độ xoáy dòng chảy.
Nếu múc cát thì sẽ thay đổi địa hình, tạo địa hình lòng sông mới, ảnh hưởng tới lưu lượng, vận tốc dòng chảy. Trong mùa khô, nếu múc cát dưới đáy sông thì sẽ làm cho đáy sông có kiểu địa hình khác như nó vốn có. Vì vậy, khi nước đổ về sẽ cạp vào 2 bên bờ sông lấy vật liệu bù vào, gây sạt lở. Hiện nay lượng cát về không đủ và lượng cát hàng năm biển kéo đi quá nhiều nên bờ biển của đồng bằng đang bị xói lở.
Theo tiến sĩ Ni, mấy năm nay, lượng cát về đồng bằng bị giảm trầm trọng, đặc biệt là cát thô. Cát thô bồi thềm cho đồng bằng, thềm của đồng bằng làm bệ đỡ cho lớp đất mặt bên trên, nếu không có thềm thì lớp đất mặt bị tuột ra biển hết.
Lượng cát về không đủ và lượng cát hàng năm biển kéo đi quá nhiều nên thềm của đồng bằng đang bị xói lở. Mấy năm nay, bờ biển lở kinh khủng do phần bù cát ít hơn phần biển lấy đi.
“Campuchia khai thác cát rất nhiều để bán, trong đó có bán cho Việt Nam. Theo khảo sát của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên, Campuchia khai thác từ bằng với hơn lượng cát từ phía thượng nguồn sông Mê Kông đổ về, thì còn lấy đâu ra cát về ĐBSCL?”, tiến sĩ Ni quả quyết.
Mỗi năm các con sông ở ĐBSCL đã bị lấy đi 34 triệu m3 trầm tích, tương đương 55 triệu tấn, trong đó có 90% là cát. Trung tâm Quản lý quốc tế Môi trường cho biết, hàng năm tổng lượng bùn cát đọng lại trên sông Mê Kông từ trạm Kratie (Campuchia) về ĐBSCL rồi ra biển chỉ khoảng 12 - 18 triệu m3. Tuy nhiên, khai thác cát trên sông Mê Kông hàng năm vào khoảng 28 triệu m3 so với lượng cát đổ về là quá nhiều.
Thanh Vinh