Trung Quốc triển khai tên lửa khắp cả nước

Quốc tế - Ngày đăng : 10:54, 26/01/2021

Trung Quốc đã triển khai một số lượng lớn tên lửa đạn đạo tầm trung tới các khu vực phía đông và phía tây của nước này giữa lúc căng thẳng gia tăng tại Biển Đông và Đài Loan.

Theo báo cáo của Liên đoàn Khoa học Mỹ (FAS) tại Washington ngày 21.1, ảnh chụp vệ tinh của công ty công nghệ vũ trụ Maxar Technologies (Mỹ) cho thấy quân đội Trung Quốc đã triển khai nhiều tổ hợp tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 IRMB tới một thao trường tại tỉnh Sơn Đông, phía đông nước này. Báo cáo cho biết đây là lần đầu tiên DF-26 được triển khai trong khu vực này.

Andrei Chang, tổng biên tập Tạp chí Quốc phòng Kanwa tại Canada, cho biết trong video trên YouTube hồi tuần trước rằng quân đội Trung Quốc đã triển khai khoảng 16 bệ phóng DF-26 tới căn cứ Thanh Châu ở Sơn Đông và một bệ phóng tới căn cứ Korla ở Tân Cương.

df-26.png
Tên lửa DF-26 của quân đội Trung Quốc - Ảnh: SCMP

Cũng theo ông Chang, các địa điểm bố trí DF-26 ở Tân Cương gần khu vực xảy ra đụng độ giữa Ấn Độ và Trung Quốc trong nhiều tháng. Trong khi đó, các tên lửa DF-26 tại Sơn Đông có thể gây ra mối đe dọa với căn cứ hải quân của Mỹ tại Yokosuka và các tiền đồn khác của nước này ở Nhật Bản. Báo cáo của FAS và chuyên gia Chang cho biết DF-26 trước đó được triển khai tới ít nhất 4 địa điểm khác ở Trung Quốc.

Chang cho biết, Trung Quốc đã xây hai nhà kho lớn với khả năng chứa một lượng lớn tên lửa DF-26 ở phía tây nước này, cho thấy ý định triển khai vũ khí quy mô lớn tới khu vực biên giớ nhưng chuyên gia quân sự Trung Quốc Zhou Chenming nói rằng việc điều các bệ phóng DF-26 tới Korla và Thanh Châu đều là vì mục đích huấn luyện.

"Đây không phải lần đầu DF-26 xuất hiện tại đây, song là lần đầu tiên vệ tinh chụp được tên lửa này", Zhou nói và khẳng định Trung Quốc không cần sử dụng DF-26 để "đối phó với Ấn Độ", và lưu ý rằng căn cứ Thanh Châu "chỉ là trường đào tạo của lực lượng tên lửa".

Ngoài ra, Zhou cho biết, với tầm bắn của mình, DF-26 có thể tấn công các tàu chiến nước ngoài xâm phạm lãnh hải của Trung Quốc, song nhận định rằng “Trung Quốc sẽ không thể triển khai DF-26 ra vùng ven biển vì điều này có thể bị tên lửa Tomahawk do Mỹ chế tạo phát hiện và tiêu diệt”.

Mỹ tăng cường hiện diện tại Biển Hoa Đông và Biển Đông trong hai năm qua. Hải quân Mỹ cử hai nhóm tác chiến tàu sân bay và một nhóm tác chiến viễn chinh tới khu vực để thực hiện "chiến dịch tự do hàng hải". Hải quân Mỹ đã điều nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hôm 23.1 tiến vào Biển Đông để "thực hiện các chiến dịch thường kỳ".f

Trong khi đó, chuyên gia phân tích quân sự đồng thời là cựu giảng viên của quân đội Trung Quốc Song Zhongping, cho rằng "mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là đẩy lùi các tàu chiến Mỹ ra càng xa càng tốt". Trong cuộc thử nghiệm hồi tháng 8 năm ngoái, quân đội Trung Quốc đã phóng một tên lửa DF-26 từ tỉnh Thanh Hải ở tây bắc nước này nhằm vào một mục tiêu mô phỏng di chuyển ở Biển Đông.

Được biết, theo công bố của quân đội Trung Quốc, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 "có khả năng tấn công hạt nhân/phi hạt nhân", có thể tấn công các mục tiêu cỡ vừa và cỡ lớn trên mặt nước.

Được mệnh danh là "sát thủ đảo Guam", DF-26 có tầm bắn 3.000-4.000km, đủ để tấn công các căn cứ của Mỹ tại Guam. Bên cạnh đó, nó có thể thực hiện các cuộc tấn công chính xác tầm trung-xa nhằm vào các mục tiêu trên bộ/biển.

Do đó, nhiều nhà phân tích quân sự cho rằng, đối với Trung Quốc, DF-26 là "một vũ khí mới mang tính răn đe chiến lược".

Hoàng Vũ (theo SCMP)