Thái Lan kêu gọi noi gương đường lối đối ngoại của Việt Nam với Mỹ

Hồ sơ - Ngày đăng : 13:27, 26/01/2021

Sau khi kêu gọi chính quyền học tập chiến lược sản xuất gạo của Việt Nam, trang Bangkok Post sáng nay lại có bài viết phân tích đường lối đối ngoại với lời kêu gọi noi gương Việt Nam.

Tuần trước, trong thông điệp chúc mừng dài 229 từ gửi tới Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha không tiếc lời khẳng định rằng với tư cách là đối tác hiệp ước đầu tiên và lâu đời nhất của Mỹ ở châu Á. Thái Lan rất tự hào về mối quan hệ chiến lược với Mỹ, thứ đã mang lại lợi ích cho hai quốc gia, hai dân tộc, cũng như đóng góp vào an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.

Ông cũng có một thông điệp sâu sắc dành cho nhà lãnh đạo mới, khi viết rằng vào thời điểm quan trọng này, các quốc gia trên toàn cầu đang phải đối mặt với "sự chia rẽ, xung đột và tàn phá do đại dịch gây ra" đòi hỏi tất cả phải "hướng về nhau và hợp tác" . Ông tuyên bố rằng "Thái Lan đã chuẩn bị sẵn sàng để sát cánh cùng Mỹ trong hành trình này".

Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra ngày nay là liệu Mỹ có sẵn sàng sát cánh cùng Thái Lan trong hành trình này hay không? Trong 203 năm qua, quan hệ Thái-Mỹ khá khó lường, đặc biệt là trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh. Kể từ khi Bức tường Berlin sụp đổ cách đây ba thập niên, quan hệ Thái-Mỹ ngày càng đi xuống. Ngày nay, khi bàn về mối quan hệ kéo dài hàng thế kỷ của hai nước, việc lặp lại những hợp tác và thành công trong quá khứ dĩ nhiên là những yếu tố cần thiết để duy trì đối thoại.

Không có kẻ thù chung, hai nước đã và đang cố gắng tìm ra động lực mới và có giá trị để hồi sinh liên minh. Chiến lược an ninh quốc gia của Thái Lan trong 20 năm tới (2018-2037) đã được nói một cách ngắn gọn rằng vương quốc này không có bất kỳ kẻ thù nào. Nhưng với tư duy như vậy, sẽ khó có thể sánh bước cùng Mỹ, vốn có mục tiêu rõ ràng - cạnh tranh chiến lược và chống lại sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Washington đã kêu gọi các đồng minh và đối tác trợ giúp. Dưới sự điều hành của Biden các lời kêu gọi như vậy có thể sẽ tăng lên nhiều hơn nữa.

Hiện tại, có hai quan điểm được các nhà hoạch định chính sách và chiến lược của Thái Lan đặt cạnh nhau.

1/ Ở quan điểm đầu tiên, Thái Lan là một tay chơi bình thường của khu vực, vốn liên tục bị cuốn vào những cuộc xung đột trong nước. Thập kỷ qua đã cung cấp bằng chứng rõ ràng cho thấy Thái Lan đã trở nên vô dụng như thế nào trong việc thích nghi với môi trường địa chính trị đang thay đổi nhanh chóng, xét từ các phản ứng của Mỹ. Cách đối xử của chính quyền Trump đối với Thái Lan là điều tốt nhất có thể.

Tuy nhiên, một lưu ý phải được đề cập. Với đội ngũ an ninh và đối ngoại của ông Biden, nhiều người từng được chính quyền Obama tuyển chọn, họ có thể tiếp tục quan điểm dè dặt trước Thái Lan và theo đuổi các cách tiếp cận và chính sách tương tự như trước đây. Một lần nữa, nếu không có giá trị gia tăng trong chiến lược toàn cầu của Mỹ, Thái Lan sẽ bị đẩy xuống hàng thứ yếu.

Từ vị thế của Washington hiện giờ, các quốc gia khác trong khu vực không phải là đồng minh như Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã tiến lên nấc thang an ninh và hiện chiếm vị trí hàng đầu trong số các đối tác chiến lược của Mỹ. Singapore luôn là một vị thế đối tác chiến lược được ưa thích - một dạng đồng minh ảo.

Các chiến lược gia này thường cho rằng Việt Nam là một quốc gia thành công và giành được sự ủng hộ của Washington do có thế trận an ninh rõ ràng. Điều đó giúp giải thích tại sao dưới thời Trump, vị thế của Việt Nam trong chiến lược toàn cầu của Mỹ được nâng lên đáng kể, thách thức các đồng minh truyền thống như Philippines và Thái Lan.

Những ngày này, bất cứ khi nào tên Thái Lan được nhắc đến, đồng nghĩa với tình trạng hỗn loạn chính trị không ngừng, chuyện biểu tình, nhân quyền… vốn đã thống trị các tiêu đề tin tức trong khu vực hơn bất kỳ thành viên ASEAN nào khác. Với sự ủng hộ và vận động của ông Biden đối với các chuẩn mực tự do và nhân quyền, nó đóng vai trò như một cột thu lôi để ông tránh né đồng minh vô hại này. Tệ hơn nữa, các vụ việc gần đây đã tăng lên và đã làm xấu hình ảnh của vương quốc. Không nghi ngờ gì nữa, đây chính là gót chân Achilles của Thái Lan.

Hơn nữa, các cuộc biểu tình liên tục của phong trào thanh niên Thái Lan chống lại chính phủ, thúc giục cải cách sâu rộng lại thu hút sự ủng hộ và đồng tình từ các nước phương Tây. Vào đầu tháng 12 năm ngoái, 9 thượng nghị sĩ Mỹ thuộc đảng Dân chủ đã chỉ trích Thái Lan và cho rằng đất nước này có một chế độ quân chủ và chính phủ đàn áp.

Do đó, quan điểm này cho rằng, Thái Lan nên tăng cường quan hệ với các quốc gia không áp đặt các giá trị hoặc cách suy nghĩ của họ. Hãy để quan hệ Thái-Mỹ vận hành một cách tự nhiên. Trong khu vực Đông Á, quan hệ với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã phát triển gần gũi hơn bao giờ hết vì họ không hề e ngại về các giá trị và chuẩn mực tự do. Điều thú vị là sau cuộc bầu cử vào năm 2019, hợp tác giữa EU và Thái Lan đã được cải thiện. Vì vậy, hãy quan hệ với Ấn Độ và Nga. Cả Úc và Thái Lan đều trở thành đối tác chiến lược vào tháng 11 năm ngoái.

2/ Quan điểm thứ hai có cái nhìn bao quát hơn về các chiến lược của Thái Lan, động lực chính của cả  tiểu vùng sông Mekong lẫn ASEAN và là một trong năm đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ngay cả khi chính quyền Trump ra đi, Thái Lan sẽ tiếp tục chiếm vị trí cao nhất ở mạng lưới an ninh của Mỹ trong khu vực dưới thời chính quyền Biden. Khi sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, giá trị địa chiến lược của Bangkok cũng tăng lên nhiều lần. Do vậy, vương quốc có nhiều cơ hội để điều chỉnh lại bối cảnh an ninh quốc tế hiện tại vì lợi ích của chính mình.

Trên thực tế, người hiểu rõ nhất về giá trị chiến lược của quan hệ Thái-Mỹ là cựu đại sứ Mỹ Michael DeSombre. Ông đã nhấn mạnh điều đó một cách ngắn gọn chi tiết trong một loạt bài báo được xuất bản bằng tiếng Thái và tiếng Anh trong nhiệm kỳ ngắn ngủi của mình từ ngày 1.3.2020 đến ngày 20.1.2021. Tóm lại, ông nhắc lại một cách dứt khoát rằng Mỹ là bạn tốt hơn cả của Thái Lan.

Kể từ nay trở đi, với việc tập trung đổi mới vào sự cạnh tranh giữa các cường quốc, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, về sự phát triển ở tiểu vùng sông Mekong, vai trò của Thái Lan là không thể thiếu, đặc biệt trong việc quản lý và tập hợp các nguồn lực và khả năng cơ động của khu vực. Với việc nâng cao nhận thức về bản sắc sông Mekong, các quốc gia vùng hạ lưu cũng đang hợp tác chung tay hơn bao giờ hết trong việc xây dựng quy tắc ứng xử của riêng mình để ngăn chặn bất kỳ xu hướng bá quyền nào từ các cường quốc bên ngoài.

Rõ ràng, các vấn đề nhạy cảm liên quan đến các thể chế hoàng gia và quân sự sẽ tiếp tục là rào cản quan hệ song phương Thái-Mỹ nhưng không làm tổn hại đến hợp tác an ninh tổng thể. Sau cuộc đảo chính năm 2014, Lầu Năm Góc tiếp tục các cuộc tập trận quân sự Hổ mang Vàng hằng năm mà không có bất kỳ sự gián đoạn nào bất chấp những lời kêu gọi tẩy chay. Chừng nào Lầu Năm Góc cho rằng các cuộc tập trận quân sự lớn nhất trong khu vực, hiện đã ở năm thứ 38, với Thái Lan có lợi cho khả năng tương tác tổng thể, giá trị chiến lược của Thái Lan sẽ tiếp tục.

Mặc dù có những hạn chế về sự ổn định trong nước, Thái Lan vẫn được coi là một xã hội khá tự do và cởi mở so với các nước láng giềng. Các tổ chức xã hội dân sự nước ngoài và địa phương có trụ sở tại Bangkok rất tích cực trong việc giám sát hoạt động của chính phủ, đặc biệt là những tổ chức liên quan đến mọi khía cạnh của quyền tự do dân sự.

Anh Tú (theo Bangkok Post)